08/01/2025 lúc 19:33 (GMT+7)
Breaking News

Đồng chí Đặng Văn Thân: Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới

Đồng chí Đặng Văn Thân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Đại biểu Quốc hội, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện, sinh ngày 06-11-1932 trong một gia đình nông dân, tại xã Phước Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre; một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Năm 19 tuổi, đồng chí tình nguyện ra nhập quân đội, làm chiến sỹ báo vụ; cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, năm 1954 đồng chí được chuyển về ngành Bưu điện, được tập kết ra Bắc và làm báo vụ viên

Đồng chí Đặng Văn Thân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Đại biểu Quốc hội, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện, sinh ngày 06-11-1932 trong một gia đình nông dân, tại xã Phước Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre; một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Năm 19 tuổi, đồng chí tình nguyện ra nhập quân đội, làm chiến sỹ báo vụ; cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, năm 1954 đồng chí được chuyển về ngành Bưu điện, được tập kết ra Bắc và làm báo vụ viên tại trạm Bưu điện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu; sau vài năm, được sự quan tâm của Ngành, đồng chí được về Hà Nội học văn hoá từ lớp 5 đến hết lớp 10; sau đó, được cử đi học Đại học tại Khắc - cốp, Liên Xô.

 

Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình gắn huy hiệu Anh hùng Lao động cho ông Đặng Văn Thân năm 2000

Năm 1966, tốt nghiệp Đại học trở về nước, đồng chí được cử về công tác tại Viện Khoa học - Kỹ thuật Bưu điện. Cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, đồng chí được cử trở lại miền Nam công tác với cương vị Giám đốc Trung tâm Viễn thông II. Suốt giai đoạn từ năm 1966 đến 1984, dù ở cương vị phụ trách nhóm thu - phát của Viện Khoa học - Kỹ thuật Bưu điện hay Giám đốc Trung tâm Viễn thông II, đồng chí luôn tìm tòi những giải pháp sáng tạo trong khoa học công nghệ, trong tổ chức sản xuất; đoàn kết, động viên mọi người lao động sáng tạo, vượt khó đi lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác được giao, góp phần thúc đẩy Ngành phát triển.        

Năm 1984, được Đảng, Nhà nước điều động ra Hà Nội với trọng trách là Quyền Tổng Cục trưởng, rồi năm 1986 là Tổng Cục trưởng, Bí thư Ban Cán sự Đảng Tổng cục Bưu điện. Trong hoàn cảnh đất nước còn rất nghèo nàn; cơ sở vật chất của ngành Bưu điện vừa nghèo lại ở trình độ kỹ thuật rất thấp, đời sống cán bộ công nhân viên của Ngành còn rất khó khăn. Thời kỳ này, đất nước đang bắt tay vào sự nghiệp đổi mới, đồng chí ngày đêm trăn trở, suy tư, tìm tòi giải pháp. Với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Ngành đã thôi thúc đồng chí phải tranh thủ sự chỉ đạo giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, quy tụ và phát huy sức mạnh trí tuệ của tập thể lãnh đạo và của toàn Ngành, tranh thủ ý kiến của bạn bè đồng nhiệp trong nước và quốc tế để tìm giải pháp vượt khó để đi lên, để đổi mới, phát triển và hiện đại hoá Ngành. Những khó khăn thách thức đặt ra và các giải pháp, đó là:

Khó khăn đầu tiên phải vượt qua là làm thế nào để người Bưu điện tự bứt phá ra khỏi sức ỳ, sự ỷ lại trông chờ vào Nhà nước, chiến thắng tư duy hành chính quan liêu bao cấp để đổi mới đi lên. Bằng sự kiên trì thuyết phục, đấu tranh; kiên quyết trong điều hành, đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên trong Ngành đi đến thống nhất: cần phải mạnh dạn tìm giải pháp tháo gỡ vốn để đầu tư phát triển, không ỷ lại trông chờ vào Nhà nước; mặt khác, phải lựa chọn được giải pháp thích hợp về khoa học công nghệ; toàn Ngành phải thống nhất phương châm Người Bưu điện phải sống bằng nghề Bưu điện. Thông qua các phong trào thi đua được phát động liên tục, rộng rãi trong toàn Ngành nhằm phát huy truyền thống Trung thành, Dũng cảm, Tận tuỵ, Sáng tạo, Nghĩa tình, những giải pháp trên đã tạo ra động lực to lớn giúp Ngành vượt qua khó khăn những ngày đầu của thời kỳ đổi mới, bứt phá đi lên.

Từ chuyển biến nhận thức, thống nhất ý chí, điều quan trọng nhất là phải tìm giải pháp tạo vốn để đầu tư phát triển Ngành trong lúc đất nước còn rất nghèo, điều kiện bảo lãnh qua Ngân hàng để vay vốn quốc tế chưa có, tài sản thế chấp không có gì; mặt khác phải làm thế nào để các thế hệ sau khỏi chịu nợ nần... Trong hoàn cảnh ấy, đồng chí cùng tập thể lãnh đạo Ngành xác định hướng đi: Một là mạnh dạn xin và được Nhà nước cho phép hoạt động theo cơ chế tự vay tự trả với sự bảo trợ của Nhà nước; Hai là: mạnh dạn tìm các đối tác nước ngoài, những tập đoàn Bưu chính Viễn thông mạnh, có tiềm lực về vốn và công nghệ cao để hợp tác; lấy viễn thông quốc tế làm khâu đột phá khẩu để thu hút vốn nước ngoài phục vụ đầu tư phát triển trong nước; nghĩa là thực hiện phương châm lấy ngoài nuôi trong. Mặt khác, để phát huy nội lực trong nước, đồng chí cùng tập thể lãnh đạo Ngành thực hiện sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp Quân đội với phương thức cùng nhau bỏ vốn để xây dựng các công trình bưu chính viễn thông, sau khi hoàn thành giai đoạn xây lắp, ngành Bưu điện sẽ hoàn lại vốn. Tổ chức phát động trong công nhân viên chức toàn Ngành phong trào tiết kiệm trong tiêu dùng, cho Ngành vay vốn để đầu tư phát triển. Cùng với các giải pháp trên, trong chỉ đạo đầu tư xây dựng, kiên quyết thực hiện dứt điểm gọn từng công đoạn, từng hạng mục, làm đến đâu đưa vào khai thác sử dụng ngay đến đó để nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư, tạo nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn sau.

Một vấn đề rất quan trọng phải lựa chọn, đó là phải tìm công nghệ ở trình độ nào để phát triển Ngành: Trong hoàn cảnh vốn đầu tư không có, ngành Bưu điện được Liên Xô sẵn sàng cung cấp thiết bị theo Nghị định thư đã được ký kết, nhưng những thiết bị đó đã lạc hậu về kỹ thuật; vậy phải lựa chọn thế nào để vừa bắt kịp cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật về viễn thông đang bùng nổ và phát triển với tốc độ chóng mặt, vừa phải giải quyết được bài toán về vốn lại không bị lệ thuộc vào nước ngoài. Trước tình thế cam go này, tập thể lãnh đạo Ngành mà đồng chí là người chịu trách nhiệm cao nhất đã mạnh dạn đưa ra quyết định là phải đi thẳng vào công nghệ hiện đại, theo hướng số hoá, tự động hoá, đa dịch vụ hoá. Để làm được việc đó, đồng chí đã nhiều lần gặp gỡ trao đổi với các bạn bè quốc tế, với các chuyên gia giỏi của nước ngoài về Bưu chính Viễn thông. Qua lựa chọn, đồng chí đã tìm được một tập đoàn Viễn thông nước ngoài vừa có thế mạnh về vốn, có công nghệ hiện đại phù hợp với châu Á, họ lại lo được thủ tục xuất khẩu lách qua sự cấm vận của Mỹ. Quyết định đó đã tạo ra sự đột phá khẩu về mối quan hệ quốc tế, nhiều tập đoàn Viễn thông mạnh của Pháp, Đức, Ý... đã tìm đến ngành Bưu điện Việt Nam để tìm cơ hội hợp tác, đầu tư.

Những giải pháp trên đây đã tạo tiền đề cho các kế hoạch tăng tốc độ phát triển Ngành những năm 1993 - 1995, 1996 - 2000 thắng lợi, đã góp phần để ngành Bưu điện đạt được kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực về phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, về phát triển máy, xây dựng Ngành công nghiệp thông tin; đặc biệt, các chỉ tiêu về tăng trưởng tài sản, doanh thu, nộp ngân sách... đều có tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 20 lần so với năm 1990 là năm đầu của thời kỳ tăng tốc; được các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá Bưu điện là ngành đi đầu trong sự nghiệp đổi mới; vị thế của Bưu điện Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao hơn lúc nào hết.

Từ năm 1997, được Đảng và Nhà nước cho nghỉ hưu, với tình cảm và mối quan tâm đến nhân dân và đặc biệt với thế hệ trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng; đồng chí đã tích cực vận động để các đối tác nước ngoài đang hợp tác làm ăn với ngành Bưu điện nhiệt tình ủng hộ kinh phí cùng Ngành xây dựng được 15 trường học cho các cháu; góp phần vun đắp thêm truyền thống nghĩa tình của ngành Bưu điện Việt Nam.

Trong cuộc sống gia đình, đồng chí luôn cần kiệm, chịu khó học tập, xây dựng cuộc sống gia đình và bản thân bằng công sức và trí tuệ của chính mình, bằng thành quả cống hiến cho Ngành và cho xã hội. Bản thân luôn tích cực học tập nâng cao trình độ và thường xuyên tự giác rèn luyện đạo đức cách mạng, xây dựng cho mình lối sống giản dị, trung thực, chân thành.           

Với những thành tích đã đạt được, thời kỳ đổi mới đồng chí được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng thưởng Bằng Lao động sáng tạo, Tổng cục Bưu điện và các Bộ ngành tặng thưởng 7 Huy chương, Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Bằng khen; Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất (1995). Tháng 8-2000, đồng chí vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; năm 2012 được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.