Chiều nay 22/6, Đối thoại chính sách cao cấp Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập ASEM diễn ra theo hình thức trực tiếp (tại Hà Nội) kết hợp trực tuyến.
Đối thoại có sự tham gia của các đại diện cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng các nước thành viên, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, các diễn giả là chuyên gia và học giả uy tín ở khu vực và quốc tế.
Đây là một trong số rất ít sự kiện đa phương được tổ chức trực tiếp kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ chủ trì Phiên khai mạc Đối thoại chính sách cao cấp ASEM. (Ảnh: Tuấn Anh)
Tăng cường quan hệ đối tác trong thế giới đang thay đổi
Đối thoại chính sách cao cấp ASEAM diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do dịch Covid-19, xu thế phục hồi đa tốc độ, không đồng đều ngày càng rõ nét, phụ thuộc lớn vào tỷ lệ tiêm chủng và khả năng kiểm soát dịch bệnh của mỗi quốc gia.
Những điều chỉnh sâu sắc của toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển động địa chính trị thế giới và tác động của biến đổi khí hậu và các thách thức an ninh phi truyền thống đang từng bước tác động đến quá trình định hình thế giới sau đại dịch Covid-19.
Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (Asia-Europe Meeting - gọi tắt là ASEM) được chính thức thành lập vào tháng 3/1996, theo sáng kiến của Singapore, Pháp và sự ủng hộ tích cực của ASEAN. Đây là Diễn đàn đối thoại không chính thức giữa các Nguyên thủ và Người đứng đầu Chính phủ của các nước thành viên ASEM, Lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) và Ban Thư ký ASEAN.
Trải qua đúng 25 năm hình thành và phát triển, ASEM đã trở thành cơ chế đối thoại, hợp tác có quy mô lớn nhất giữa hai châu lục, góp phần thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc vì hòa bình và phát triển. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát làm gián đoạn nhiều hoạt động của Diễn đàn trong hai năm qua.
Với chủ đề “25 năm thành lập ASEM - Tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác Á-Âu trong một thế giới đang thay đổi”, Đối thoại chính sách cao cấp ASEM bao gồm ba hoạt động chính: Phiên khai mạc do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì, với sự tham gia của các Bộ trưởng và Thứ trưởng; và hai phiên thảo thuận chuyên đề.
Nội dung của hai phiên thảo luận là:
Phiên 1 “Châu Á và Châu Âu trong một thế giới đang tái thiết lập”: Đánh giá những chuyển biến lớn trong tình hình thế giới và hai châu lục, tác động đến quan hệ đối tác Á-Âu;
Phiên 2 “Định hình tầm nhìn cho quan hệ đối tác Á-Âu mạnh mẽ hơn”: Đánh giá thành tựu hợp tác ASEM 25 năm qua và đề xuất tầm nhìn/định hướng thời gian tới.
Đối thoại là dịp để các thành viên thảo luận về định hướng và tầm nhìn hợp tác Á-Âu trong giai đoạn mới; góp phần giữ đà và thúc đẩy hợp tác ASEM, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Kết quả Đối thoại là cơ sở quan trọng để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 13 dự kiến tổ chức tại Campuchia vào tháng 11/2021.
Việt Nam - thành viên nhiều sáng kiến
Sáng kiến của Việt Nam về tổ chức Đối thoại chính sách cao cấp ASEM trong dịp kỷ niệm 25 năm thành lập (đề xuất tại Cuộc họp các quan chức cấp cao ASEM, tháng 3/2021) là hoạt động quan trọng của ASEM trong năm 2021 và được các thành viên đánh giá cao, ủng hộ mạnh mẽ.
Qua 25 năm từ khi tham gia sáng lập ASEM, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm, ghi những dấu mốc ý nghĩa trong chặng đường phát triển của ASEM.
Đóng góp nổi bật nhất của Việt Nam bao gồm tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM 5 (2004), cùng 5 Hội nghị Bộ trưởng (HNBT) trong các lĩnh vực kinh tế (2001), công nghệ - thông tin (2006), ngoại giao (2009), giáo dục (2009), lao động (2012), và triển khai nhiều sáng kiến trong các lĩnh vực chuyên ngành thuộc ưu tiên của ASEM.
Việt Nam tham gia đề xuất, thúc đẩy 2 lần mở rộng thành viên ASEM (ASEM 5, 2004 và HNBT Ngoại giao ASEM lần thứ 9, 2009) và cùng các thành viên thông qua nhiều văn kiện và quyết định quan trọng mang tính định hướng trong tiến trình hợp tác ASEM như “Tuyên bố Hà Nội về Quan hệ Đối tác Kinh tế ASEM chặt chẽ hơn” và “Tuyên bố ASEM về Đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh”, “Khuyến nghị về cải tiến phương thức hoạt động ASEM” (2004).
Đến nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên tích cực nhất của Diễn đàn, đề xuất 29 sáng kiến và đồng bảo trợ 31 sáng kiến về những lĩnh vực thiết thực với địa phương, doanh nghiệp và người dân, như văn hoá, y tế, giao thông vận tải, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, khoa học - công nghệ, du lịch, kinh tế, tăng trưởng xanh, an sinh xã hội, phát triển bao trùm, kinh tế số, nâng cao quyền năng phụ nữ…
Việt Nam là một trong những nước đi đầu khởi xướng và duy trì cơ chế hợp tác đầu tiên trong ASEM về quản lý nguồn nước là Đối thoại ASEM về phát triển bền vững, trong đó tập trung hợp tác tiểu vùng các nước ven sông Mekong - Danube, góp phần nâng hợp tác tiểu vùng Mekong lên tầm liên khu vực.
Việt Nam cũng đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong ASEM (Điều phối viên 2 nhiệm kỳ 1999 - 2000 và 2001 - 2002, Phó Giám đốc Điều hành ASEF giai đoạn 2008 - 2012).
Hiện Việt Nam đang tích cực đang phát huy vai trò trong 5 Nhóm hợp tác chuyên ngành mà nước ta là thành viên về quản lý nước, ứng phó thiên tai, đào tạo nghề, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực và kết nối công nghệ.
Cùng với các thành tựu phát triển và đối ngoại, việc Việt Nam tiếp tục tham gia và đóng góp tích cực tại Diễn đàn ASEM là bước triển khai quan trọng chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, góp phần tranh thủ sự ủng hộ của các thành viên, đề cao vị thế quốc tế của Việt Nam.
Từ 26 thành viên ban đầu, hiện ASEM đã tăng gấp đôi con số lên 53 (22 thành viên châu Á và 31 thành viên châu Âu), qua 5 lần mở rộng: Hội nghị Cấp cao (HNCC) ASEM 5, Hà Nội, 2004 (39 thành viên); HNCC ASEM 7, Bắc Kinh, 2008 (45 thành viên); HNCC ASEM 8, Brussels, 2010 (48 thành viên); HNCC ASEM 9, Vientiane, 2012 (51 thành viên); và HNCC ASEM 10, Italia, 2014 (53 thành viên). ASEM hiện chiếm khoảng 60% dân số thế giới, đóng góp 55% thương mại, 65% GDP và 75% du lịch toàn cầu. |