Hải Phòng là thành phố cảng biển, “cửa ngõ” chính cho giao thương quốc tế của các tỉnh phía Bắc; được xác định “là trọng điểm logistics, trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển; trung tâm du lịch quốc tế”(1) trong tương lai gần... Hải Phòng là một trong ba cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, với tổng thu ngân sách trên địa bàn trong 08 tháng đầu năm 2022 ước đạt 70.343 tỷ đồng, đứng thứ ba cả nước sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội(2); được đánh giá là một trong những thành phố đi đầu trong hội nhập quốc tế, với mức độ hội nhập rất sâu sắc và toàn diện. Thực tiễn này tạo cơ hội rất lớn nhưng cũng đang đặt ra những thách thức và yêu cầu rất mới, rất khó đối với đội ngũ nhân lực của Hải Phòng mà trụ cột là đội ngũ trí thức.
1. Mức độ hội nhập quốc tế của Hải Phòng ngày càng sâu sắc, toàn diện
Với vị trí địa lý là điểm kết nối quan trọng của khu kinh tế trọng điểm phía Bắc với quốc tế thông qua hệ thống cảng biển, Hải Phòng có lợi thế đặc biệt trong việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên nhiều mặt: kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Trong những năm qua, thành phố Hải Phòng luôn là một địa phương đi đầu cả nước về năng lực và mức độ hội nhập quốc tế. Nổi bật nhất là trên các lĩnh vực sau:
Thứ nhất, về kinh tế, thương mại
Trong giai đoạn 2016-2020, Hải Phòng đã huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn thành phố đạt 564.295 tỷ đồng. Cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch mạnh theo hướng xã hội hóa. Trong đó, vốn khu vực ngoài nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 508.150 tỷ đồng, gấp 3,67 lần so với giai đoạn 2011-2015. Vốn đăng ký FDI đạt 9,41 tỷ USD(3). Hải Phòng cũng liên tục là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI; năm 2021, Hải Phòng đứng số một cả nước về thu hút vốn FDI, với tổng vốn thu hút đạt 5,5 tỷ USD(4). Tính đến năm 2020, Hải Phòng thu hút trên 870 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng số vốn đạt khoảng 24 tỷ USD(5).
Nguồn vốn ODA được chú trọng khai thác, góp phần tích cực cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống nhân dân thành phố. Từ năm 2011 đến năm 2015, thành phố có 9 dự án ODA, với tổng vốn đầu tư là 466,86 triệu USD, trong đó vốn vay ODA là 248,11 triệu USD, vốn đối ứng trong nước là 218,75 triệu USD(6).
Bên cạnh đó, Hải Phòng liên tục thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA),...
Thương mại có bước phát triển mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2015-2020 tăng bình quân 34,42%/năm(7); tính đến tháng 7-2022, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 57,5 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021(8). Thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, từ 107 lên 126 thị trường. Sản lượng hàng hóa qua cảng tăng nhanh, bình quân tăng 15,9%/năm, năm 2018 đạt 110 triệu tấn; năm 2020 ước đạt 142,84 triệu tấn, gấp 2,1 lần năm 2015(9); 6 tháng đầu năm 2022 đạt 32, 87 triệu tấn(10).
Dịch vụ logistics tăng trưởng cao, bình quân đạt 23%/năm. Dịch vụ hàng không phát triển mạnh, đã có 06 hãng hàng không với 10 đường bay nội địa và 04 đường bay quốc tế được khai thác; năm 2020 đạt 3,024 triệu lượt khách, gấp 2,4 lần so với năm 2015(11); năm 2019, ngành du lịch Hải Phòng đã đón gần 9,1 triệu lượt khách du lịch, tăng hơn 16% so với năm trước; trong đó khách quốc tế đạt 930 nghìn lượt, tăng trên 8%(12).
Thứ hai, về đối ngoại
Quan hệ đối ngoại của Hải Phòng tiếp tục đi vào chiều sâu, tích cực tham gia các mạng lưới liên kết đa phương; xây dựng, củng cố quan hệ thương mại với trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là các đối tác có quan hệ FTA; có quan hệ hợp tác với 80 tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ nước ngoài với nhiều dự án đã triển khai hiệu quả, đạt giá trị 25 triệu USD(13). Giai đoạn 2016 - 2020, ký kết 16 thỏa thuận hợp tác quan trọng, tăng 25% so với giai đoạn 2011 - 2015; nâng tổng số thỏa thuận ký kết lên 37 thỏa thuận với 28 địa phương, vùng lãnh thổ thuộc 13 quốc gia(14).
Hải Phòng đã tham gia mạng lưới khu vực Các chính quyền địa phương quản lý dân cư (CITYNET); Hội đồng thế giới về quản lý dữ liệu các thành phố (WCCD), hoạt động của các tổ chức đa phương: Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Tổ chức Xúc tiến du lịch các thành phố châu Á - Thái Bình Dương (TPO), Tổ chức Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới (MBBW)... Ngoài quan hệ kết nghĩa trước đây với Thiên Tân (Trung Quốc), Inchơn (Hàn Quốc), Kitakyushu (Nhật Bản)..., Hải Phòng đã ký kết 6 thỏa thuận với 6 địa phương thuộc 5 quốc gia, thiết lập quan hệ hợp tác với 2 địa phương thuộc 2 quốc gia (thành phố Yokkaichi của Nhật Bản, tỉnh Primorie của Liên bang Nga)(15)...
Thứ ba, về khoa học - công nghệ
Thành phố Hải Phòng có quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, đứng thứ hai trong vùng đồng bằng sông Hồng, với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 14,02%/năm, gấp 2 lần giai đoạn 2011 - 2015 (7,08%/năm), gấp 2,1 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước (6,68%/năm)(16). Đóng góp vào sự phát triển chung này của thành phố có vai trò quan trọng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng phát triển khoa học - công nghệ, nhất là lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố năm sau luôn cao hơn năm trước, năm 2019 đạt 39,5%, đến năm 2021 đạt 40,12%. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo tăng nhanh từ 16,4% năm 2015 lên 50% vào năm 2021(17).
Thành phố đã tổ chức được các phiên kết nối cung - cầu công nghệ giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài. Trong hai năm 2020 - 2021, Hải Phòng đã tổ chức 9 phiên kết nối với hơn 5.000 cuộc gặp gỡ, trao đổi, liên hệ mua bán công nghệ, thiết bị giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Israel, Đức, Hà Lan. Cũng từ các phiên kết nối này, các doanh nghiệp đã tiếp cận nhiều công nghệ tiên tiến về quản lý cảng biển, phát triển kinh tế biển của các quốc gia phát triển(18).
Ngoài ra, Hải Phòng đã có nhiều chương trình hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ, trong đó đã tăng cường phối hợp với các quốc gia có thế mạnh về khoa học - công nghệ, nhất là khoa học - công nghệ biển để tiến hành nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến; không ngừng tăng cường hợp tác trong nghiên cứu khoa học - công nghệ với các đối tác có tiềm lực mạnh, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Israel.
Bên cạnh đó, Hải Phòng có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới, nhận chuyển giao công nghệ, thiết bị tiên tiến từ nước ngoài để áp dụng vào sản xuất; tham gia triển lãm, hội chợ khoa học - công nghệ quốc tế và khu vực để có cơ hội tìm kiếm, mua bán công nghệ, thiết bị, sản phẩm hiện đại; tranh thủ tối đa các kênh chuyển giao và thu hút công nghệ tiên tiến, hiện đại từ nước ngoài, đặc biệt là từ kênh đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố. Đồng thời, có nhiều chương trình tham quan, khảo sát về hiện trạng và xu hướng phát triển công nghệ, về hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Xinhgapo...
Thứ tư, về giáo dục - đào tạo
Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã đề ra Chương trình hành động số 34-CTr/TU ngày 04-02-2015 thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Kế hoạch triển khai Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2030” tại thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025 và nhiều chương trình, đề án khác với chủ trương khuyến khích và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư cho giáo dục và đào tạo; tăng cường liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nước ngoài đã được kiểm định chất lượng, đẩy mạnh hợp tác trao đổi chuyên gia, giáo viên, học sinh với nước ngoài để nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố và cho ngành.
Trong những năm qua, Hải Phòng đã đặc biệt chú trọng học tập kinh nghiệm quốc tế về áp dụng các mô hình giáo dục, đào tạo của các nước có nền giáo dục tiên tiến; tham gia đánh giá quốc tế về chất lượng giáo dục phổ thông. Các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng tại thành phố đã chủ động liên kết đào tạo trong và ngoài nước với gần 20 quốc gia và vùng lãnh thổ(19); chủ động mở rộng hợp tác quốc tế, phát triển các chương trình hợp tác trao đổi sinh viên với các trường đại học nước ngoài, thực hiện hợp tác nghiên cứu, liên kết đào tạo. Triển khai hiệu quả các nguồn học bổng ngắn hạn, dài hạn cho các giảng viên, cán bộ nghiên cứu, sinh viên đi đào tạo, thực tập, nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục tiên tiến của nước ngoài.
2. Thực trạng xây dựng đội ngũ trí thức Hải Phòng trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay
Trong mọi thời đại, trí thức luôn được xác định là lực lượng nòng cốt sáng tạo, truyền bá tri thức; là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển; đúng như lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”(20). Hải Phòng luôn xác định đội ngũ trí thức là nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh trong chiến lược phát triển của địa phương; chính vì thế, đội ngũ trí thức thành phố đã dần lớn mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trước hết, đội ngũ trí thức Hải Phòng đã phát triển mạnh mẽ về số lượng với cơ cấu tương đối hợp lý
Đội ngũ trí thức của thành phố đã gia tăng nhanh trên tất cả các lĩnh vực. Tính đến cuối năm 2021, đầu năm 2022, Hải Phòng có 3.273 cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Thành ủy quản lý và cán bộ diện sở, ban, ngành, quận ủy, huyện ủy quản lý; với đội ngũ công chức, viên chức là 34.504 người; 4.083 trí thức khoa học - công nghệ; 14.960 trí thức trong ngành y tế; 30.801 trí thức trong ngành giáo dục - đào tạo; 870 trí thức làm công tác văn hóa, nghệ thuật, thể dục - thể thao(21).
Xét theo cơ cấu ngành, ngành giáo dục - đào tạo có số lượng trí thức đông nhất; đây là lực lượng có vai trò đặc biệt, góp phần trực tiếp trong việc tạo nguồn trí thức tương lai cho thành phố. Tiếp đó là các ngành y tế, khoa học - công nghệ. Cơ cấu này phản ánh hướng xây dựng và phát triển ngành kinh tế tri thức, dựa trên các trụ cột là giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ cũng như mục tiêu “lấy con người là trung tâm của sự phát triển”, đồng thời xây dựng chính quyền hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả mà Hải Phòng đã đặt ra.
Thứ hai, đội ngũ trí thức Hải Phòng đã có sự trưởng thành vượt bậc về chất lượng
Cùng với sự phát triển của giáo dục đại học và sau đại học, số lượng trí thức có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đều tăng lên trong mọi lĩnh vực (bảng 1).
Để xây dựng đội ngũ trí thức có đủ khả năng làm việc và phát huy được vai trò, vị trí trong môi trường hội nhập quốc tế sâu rộng, trong những năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã nghiên cứu, ban hành nhiều chủ trương, chính sách về đào tạo cán bộ trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Tiêu biểu như: Đề án số 02-ĐA/TU ngày 08-10-2007 về đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài và các chủ trương đào tạo nguồn cán bộ chất lượng cao; Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 22-11-2011 của Thành ủy Hải Phòng về công tác cán bộ thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Theo đó, tính đến năm 2015, Thành phố đã lựa chọn và cử đi đào tạo 8 khóa học, với tổng số 73 người (69 thạc sĩ và 04 tiến sĩ, với 30 nam và 43 nữ). Thành phố đã cử nhiều cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài theo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương; tổng số người đã được cử tham gia là 122 người(23); tạo nguồn trí thức chất lượng cao phục vụ nhiệm vụ xây dựng, phát triển thành phố thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh nguồn đầu tư từ ngân sách, thành phố đẩy mạnh việc xã hội hóa đầu tư trong đào tạo, phát triển đội ngũ trí thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau; tiếp nhận các suất học bổng từ các nước Nhật Bản, Nga, Hungari, Trung Quốc, Mỹ; các cơ quan, tổ chức, đơn vị của thành phố đã hợp tác với gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ để triển khai các hoạt động giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ...
Bên cạnh đó, đội ngũ trí thức Hải Phòng chủ động, tích cực học tập, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị, tìm hiểu đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bồi dưỡng lập trường tư tưởng cách mạng và bản lĩnh chính trị vững vàng; nâng cao khả năng “đề kháng” trước những âm mưu về “diễn biến hòa bình” hoặc trước sự xúi giục, kích động của các thế lực thù địch, phần tử cực đoan trong nước và ở nước ngoài nhằm gây “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ trí thức trong quá trình giao lưu, hợp tác quốc tế.
Thứ ba, đội ngũ trí thức Hải Phòng có môi trường làm việc ngày càng tiên tiến, hiện đại, hội nhập
Trong những năm qua, Hải Phòng luôn được đánh giá là thành phố có môi trường, điều kiện làm việc thuộc tốp đầu của cả nước, với nhiều chính sách, chế độ đãi ngộ, quy định ưu tiên xây dựng đội ngũ trí thức; tạo mọi điều kiện để đội ngũ trí thức phát huy năng lực, cống hiến tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố. Đội ngũ trí thức có cơ hội mở rộng giao lưu, hợp tác với các nhà khoa học, viện nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức giáo dục trong nước và quốc tế; cử cán bộ tham gia các đoàn công tác, tham dự các hội nghị, hội thảo khoa học, học tập, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ với các cơ quan và tổ chức khoa học - công nghệ của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, tiêu biểu như: Hội nghị phi tập trung Việt - Pháp, Hội thảo về đổi mới sáng tạo, Hội thảo khoa học về hệ thống ISS; ký thỏa thuận hợp tác về khoa học và công nghệ với Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các công ty lớn của quốc gia như FPT, VNPT... Gần đây nhất, thành phố đã ban hành Kế hoạch 281/KH-UBND ngày 10-12-2020 về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025, xây dựng Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, đội ngũ trí thức đã không ngừng được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc. Hải Phòng đã xây dựng Chương trình tăng cường tiềm lực khoa học - công nghệ với các đề án sắp xếp, củng cố và phát triển hệ thống hoạt động khoa học - công nghệ công lập trọng điểm theo chuyên ngành; nâng cao năng lực hoạt động khoa học - công nghệ của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn; củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực các tổ chức khoa học - công nghệ chuyên ngành về biển, kinh tế biển và môi trường... Đầu tư 1,5 ha xây dựng cơ sở lưu giữ, bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm; ươm tạo công nghệ, ươm tạo khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ sinh học; đầu tư đồng bộ cho các viện nghiên cứu, trường đại học...
Điều này tạo nên một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, rộng mở (bao gồm: điều kiện vật chất, điều kiện pháp lý, điều kiện chuyên môn cũng như cơ chế, chính sách...) thuận lợi để đội ngũ trí thức, đặc biệt là trí thức thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo yên tâm và có động lực để nghiên cứu, trau dồi, phát triển năng lực, tri thức, kinh nghiệm, tạo ra nhiều sản phẩm đổi mới sáng tạo, phát minh, phát kiến, góp phần cống hiến trực tiếp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Hải Phòng và của cả nước.
Tuy nhiên, trước bối cảnh hội nhập quốc tế, công tác xây dựng đội ngũ trí thức Hải Phòng vẫn còn những mặt hạn chế như: chưa xây dựng được chương trình tổng thể, kế hoạch, lộ trình về việc xây dựng, phát huy vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức thành phố cũng như với từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể theo tầm nhìn dài hạn - trung hạn - trước mắt; chưa có giải pháp, cơ chế, chính sách thực sự hữu hiệu nhằm thu hút, khuyến khích hiền tài, trí thức chất lượng cao, trí thức trẻ; việc đầu tư xây dựng môi trường phát triển cho đội ngũ trí thức còn dàn trải, chưa thực sự gắn với các trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nên hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu mới; chưa chú trọng đến đời sống tinh thần của đội ngũ trí thức trước sức ép của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trước yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, và những tác động của các luồng tư tưởng, hệ giá trị hiện nay.
3. Yêu cầu và giải pháp phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Hải Phòng trong bối cảnh hội nhập quốc tế thời gian tới
Có thể nói, năng lực, mức độ hội nhập quốc tế sâu sắc, toàn diện trong thời gian qua đã góp phần quan trọng làm gia tăng sức mạnh nội lực cho thành phố cảng Hải Phòng. Năng lực cạnh tranh của thành phố và doanh nghiệp trên địa bàn được cải thiện, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi sản xuất trong nước. Năng lực hợp tác, liên kết về phát triển kinh tế trong và ngoài nước được tăng cường, không gian kinh tế ngày càng mở rộng, độ mở nền kinh tế thành phố ngày càng lớn.
Tuy nhiên, quá trình hội nhập quốc tế của Hải Phòng đang chuyển sang một giai đoạn mới với cấp độ cao hơn và sâu rộng hơn với các hợp tác đa phương, song phương cùng nhiều cam kết về thể chế, pháp luật; với lộ trình thực hiện cam kết ngắn hơn; có quy định và quy chế giải quyết tranh chấp mạnh mẽ và toàn diện, có quy định về việc thực thi các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe. Thực tiễn này đang tạo ra những thách thức rất lớn đối với thành phố mà trực tiếp là những người tham gia đối thoại, thương lượng, thực thi, vận hành; nòng cốt là đội ngũ trí thức. Bởi trí thức là lực lượng chủ yếu và trực tiếp thực thi các chính sách phát triển mới, trực tiếp vận hành mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội, họ là đội ngũ đặc biệt quan trọng đối với sự thành công của quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.
Do vậy, một số yêu cầu đang đặt ra đối với đội ngũ trí thức Hải Phòng là: Thứ nhất, cần có số lượng phù hợp với cơ cấu cân đối, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Thứ hai, cần có trình độ, kiến thức, kỹ năng, năng lực chuyên môn đạt chuẩn quốc tế, bảo đảm phục vụ công tác đàm phán, thương thảo, chuyển giao công nghệ, thực hiện các thỏa thuận hợp tác trong hội nhập quốc tế. Thứ ba, cần thông thạo ít nhất một ngoại ngữ để giao tiếp, làm việc với đối tác, tổ chức quốc tế. Thứ tư, cần có kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin để có thể làm việc từ xa, kết nối các nhóm làm việc từ nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế. Thứ năm, cần có lập trường, tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với lợi ích của quốc gia, dân tộc; không lơ là, mất cảnh giác.
Để phát huy tốt hơn nữa vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của địa phương, Hải Phòng cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò của trí thức đối với quá trình hội nhập quốc tế để tìm kiếm cơ hội, mở rộng không gian phát triển
Đây được xem là giải pháp mang tính tổng thể, có tác động lâu dài. Bởi lẽ, lịch sử phát triển của nhân loại nói chung và lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh, trí thức có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của xã hội. Xã hội nào biết trân trọng nhân sĩ, trí thức, hiền tài thì xã hội ấy sẽ phát triển ổn định, hưng thịnh, bền vững; ngược lại, xã hội nào không nhìn nhận đúng vai trò của trí thức, không phát huy nguồn lực trí thức, người tài, thì xã hội ấy sẽ lạc hậu. Do vậy, việc nâng cao nhận thức đối với vị trí và vai trò của người trí thức càng trở nên cấp thiết và quan trọng; cần phải thực hiện toàn diện trong cấp ủy, chính quyền các cấp đến mọi tầng lớp nhân dân.
Thứ hai, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức phát huy năng lực, trình độ chuyên môn của mình trong môi trường hội nhập
Tăng đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ trên mọi lĩnh vực. Ưu tiên đầu tư phát triển về hạ tầng, môi trường làm việc phục vụ các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức. Tập trung nguồn lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, chuyên gia đầu ngành. Tăng cường các giải pháp khuyến khích và thu hút các nguồn lực xã hội hóa như: khuyến khích khu vực tư nhân tự thành lập hoặc liên kết với Nhà nước thành lập các quỹ đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ, văn hóa, văn nghệ, giáo dục - đào tạo; đầu tư xây dựng khu công nghệ cao, tổ hợp khoa học - sản xuất, các trung tâm văn hóa để thúc đẩy hoạt động sáng tạo của trí thức trong nước và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, phục vụ cho sự phát triển của thành phố Hải Phòng. Tăng cường liên kết giữa các nhà (nhà khoa học - nhà sản xuất, kinh doanh - nhà quản lý) nhằm thúc đẩy nghiên cứu, hấp thụ, ứng dụng, chuyển giao và truyền bá tri thức phục vụ phát triển đất nước.
Thứ ba, hoàn thiện chính sách, thể chế, pháp luật về sử dụng, trọng dụng trí thức, người hiền tài
Xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng theo mức độ đóng góp và năng lực thực tiễn để đội ngũ trí thức của thành phố thực sự yên tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, học tập và nâng cao năng lực trong quá trình hợp tác, trao đổi, chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm với các đối tác quốc tế. Xây dựng cơ chế đặc thù về đầu tư, đãi ngộ đối với trí thức theo nhiệm vụ và sản phẩm sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm thu nhập của trí thức phải cao hơn mặt bằng chung của xã hội. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng việc xây dựng cơ chế đột phá trong phát hiện, trọng dụng và đãi ngộ trí thức tài năng, nhà khoa học trẻ có khả năng đáp ứng được các yêu cầu và khung tiêu chí làm việc trong môi trường quốc tế.
Xây dựng chính sách mang tính đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực làm việc trong môi trường giao lưu, hợp tác và cạnh tranh quốc tế. Đây là giải pháp then chốt trong việc phát huy vai trò của đội ngũ này. Cần tạo điều kiện để đội ngũ này được tiếp cận với những thành tựu mới nhất của thế giới bằng việc khuyến khích, động viên và hỗ trợ đội ngũ trí thức trẻ, trí thức tài năng được học tập, bồi dưỡng, thực tế, tham quan các nước phát triển, mở mang hiểu biết, học hỏi công nghệ, kinh nghiệm quốc tế về phục vụ cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. Có chính sách thu hút các trường đại học, viện nghiên cứu có uy tín trên thế giới đầu tư, liên kết và mở các cơ sở đào tạo, nghiên cứu tại Hải Phòng; đồng thời, khuyến khích đội ngũ trí thức trong nước đi đào tạo ở nước ngoài, đặc biệt là các ngành mà địa phương đang cần như: công nghệ biển, kinh tế biển, logistics, du lịch,... Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.
Thứ tư, tăng cường tính chủ động, tích cực, tinh thần trách nhiệm, sự cống hiến của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển địa phương và đất nước
Ngoài trình độ, năng lực chuyên môn, đội ngũ trí thức còn cần phải trau dồi những phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Trước hết là tinh thần thấu cảm, chia sẻ với cuộc sống của nhân dân lao động, biết hy sinh lợi ích của bản thân vì lợi ích của cộng đồng. Có như vậy thì tài trí của người trí thức mới thực sự phát huy và đem lại sự phát triển cho xã hội. Đội ngũ trí thức cần đặt trên vai mình trách nhiệm cống hiến cho xã hội, để có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước.
_________________
(1) Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26-11-2019 của Chính phủ: Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24-01-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
(2) Xem Trương Quốc Cường: Hải Phòng tiếp tục thứ hạng cao trong “câu lạc bộ ngân sách tỷ đô”, https://vneconomy.vn/hai-phong-tiep-tuc-thu-hang-cao-trong-cau-lac-bo-ngan-sach-ty-do.htm.
(3) Nguyễn Hoàng Long: Thành phố Hải Phòng tạo bước đột phá về thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, Tạp chí Con số và sự kiện, kỳ I- 05/2022, tr.44.
(4), (13) Minh Thu: Hải Phòng - Thành phố đón đầu làn sóng hội nhập, https://bnews.vn/hai-phong-thanh-pho-don-dau-lan-song-hoi-nhap/256886.html.
(5), (7), (9), (11) Thành ủy Hải Phòng: Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XV, trình Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, ngày 01-10-2020.
(6), (14), (15), (16) Thành ủy - Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Ban Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Hải Phòng: Lịch sử Hải Phòng, t.IV, từ năm 1955 đến năm 2020, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.552.
(8), (10) Nguyễn Vân: Hải Phòng: Kim ngạch xuất nhập khẩu qua cơ quan hải quan tăng hơn 17%, https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hai-phong-kim-ngach-xuat-nhap-khau-qua-co-quan-hai-quan-tang-hon-17-109612.html.
(12) Minh Thu: Hải Phòng phấn đấu đón trên 10,6 triệu lượt du khách trong năm 2020, https://www.vietnamplus.vn/hai-phong-phan-dau-don-tren-106-trieu-luot-du-khach-trong-nam-2020/616470.vnp.
(17), (18) Minh Thu: Hải Phòng phát triển khoa học công nghệ phục vụ kinh tế biển, https://thanhphohaiphong.gov.vn/hai-phong-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-phuc-vu-kinh-te-bien.html.
(19) Phạm Duy Đức: Phát triển nguồn nhân lực cao ở Hải Phòng: Cơ hội và thách thức, Tạp chí Tài chính, tháng 4-2016.
(20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.184.
(21), (22) Báo cáo số 258-BC/TU của Thành ủy Hải Phòng về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
(23) Ban Tổ chức Trung ương: Kỷ yếu Hội thảo khoa học Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, t.2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.34-45.
PGS, TS NGUYỄN THẮNG LỢI
Tạp chí Lý luận chính trị,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
TS NGUYỄN THỊ TRANG
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật