20/01/2025 lúc 23:57 (GMT+7)
Breaking News

Đối ngoại nhân dân trong tình hình mới: Cơ hội, thách thức và yêu cầu

Tọa đàm nhằm xác định vai trò, yêu cầu, nhiệm vụ đối với công tác đối ngoại nhân dân trong giai đoạn mới; tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Chỉ thị 04/CT-TW.

Tọa đàm nhằm xác định vai trò, yêu cầu, nhiệm vụ đối với công tác đối ngoại nhân dân trong giai đoạn mới; tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Chỉ thị 04/CT-TW.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

"Đối ngoại nhân dân trong tình hình mới: Cơ hội, thách thức và yêu cầu" là chủ đề buổi Tọa đàm được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp Hữu nghị) tổ chức ngày 18/6 tại Hà Nội.

Sự kiện diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến với 44 điểm cầu tại các địa phương trên cả nước.

Dự tọa đàm có: Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị; ông Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên hiệp Hữu nghị, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế và Đối ngoại nhân dân; đại diện Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, các đoàn thể chính trị-xã hội, tổ chức nhân dân; đại diện lãnh đạo, cán bộ các tổ chức thành viên của Liên hiệp Hữu nghị…

Tọa đàm nhằm xác định vai trò, yêu cầu, nhiệm vụ đối với công tác đối ngoại nhân dân trong giai đoạn mới; tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Chỉ thị 04/CT-TW của Ban Bí thư (khóa XI) về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; rút ra bài học kinh nghiệm, xác định mục tiêu, nhiệm vụ cấp thiết của công tác đối ngoại nhân dân trong thời gian tới, đồng thời đưa ra khuyến nghị tới Ban Bí thư ban hành chỉ đạo mới về công tác đối ngoại nhân dân thay thế Chỉ thị 04-CT/TW.

Tại Tọa đàm, ông Phan Anh Sơn đã đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về bối cảnh, tình hình quốc tế, khu vực, trong nước hiện nay tác động đến công tác đối ngoại nhân dân; thuận lợi, khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai công tác đối ngoại nhân dân; những định hướng lớn về công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, yêu cầu đặt ra cho công tác đối ngoại nhân dân hiện nay; phương hướng, biện pháp, nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại đối ngoại nhân dân trong thời gian tới.

Các đại biểu cũng thảo luận về các biện pháp tăng cường sự phối hợp giữa 3 trụ cột-đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân cũng như sự phối hợp công tác giữa Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức có nhiều hoạt hoạt động đối ngoại khác.

Các đại biểu dự Tọa đàm đã thảo luận, làm rõ một số nội dung trọng tâm về vai trò, yêu cầu, nhiệm vụ, phương hướng đối với đối ngoại nhân dân thời gian tới; vai trò, yêu cầu phối hợp giữa đối ngoại nhân dân và ngoại giao Nhà nước trong tình hình mới; phát huy hiệu quả giữa đối ngoại nghị viện và đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; các bài học kinh nghiệm trong quá trình quán triệt và thực hiện Chỉ thị 04/CT-TW, khuyến nghị nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân giai đoạn mới.

Nêu quan điểm về công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, ông Trịnh Minh Mạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao cho rằng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra yêu cầu: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.

 Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.” Như vậy, với yêu cầu đó, đối ngoại nói chung và đối ngoại nhân dân nói riêng, với tư cách là 1 trong 3 trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, có nhiệm vụ hết sức to lớn, đó là đi đầu đóng góp vào các mục tiêu an ninh, phát triển và vị thế của đất nước.

Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, mỗi trụ cột và binh chủng đối ngoại trong thời gian tới sẽ phải cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đại hội XIII bằng các chiến lược, chính sách và các biện pháp cụ thể như đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác, tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy, trong đó việc tăng độ tin cậy để củng cố đoàn kết và hữu nghị với các nước láng giềng liền kề, vành đai an ninh trực tiếp của Việt Nam, có tầm quan trọng sống còn.

Cùng với đó, góp phần bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc thông qua các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, cũng như tham gia tại các diễn đàn đa phương nhân dân. Đồng thời, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các tổ chức hữu nghị ở địa phương biên giới trong việc tăng cường hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước bạn, góp phần duy trì, củng cố biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển…

Một số đại biểu cũng đóng góp ý kiến về phương hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân; các biện pháp tăng cường sự phối hợp giữa 3 trụ cột đối ngoại trong thời gian tới; yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác đối ngoại nhân dân thời gian tới, bao gồm cả những vấn đề về cơ chế, chính sách./.