10/01/2025 lúc 19:32 (GMT+7)
Breaking News

Đổi mới tư duy trong xây dựng cơ chế chính sách phát triển khoa học - công nghệ

Có thể khẳng định rằng, trong những năm qua, khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ và thành tựu nổi bật, đóng góp thiết thực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, củng cố quốc phòng và an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ảnh minh họa

Trong đó, công tác quản lý nhà nước về KH&CN từng bước được đổi mới, hành lang pháp lý trong lĩnh vực KH&CN được tạo lập toàn diện và đồng bộ hơn, tạo môi trường thuận lợi và cạnh tranh lành mạnh trong nghiên cứu sáng tạo. Đổi mới sáng tạo dần trở thành tư duy mới trong quản lý, điều hành… Những đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, chính sách đã góp phần nâng cao tiềm lực và trình độ KH và CN của đất nước.

Tuy nhiên, KH&CN nước ta phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, chưa đúng với vị trí quốc sách hàng đầu. Đội ngũ cán bộ KH&CN tuy gia tăng về số lượng, nhưng thiếu các chuyên gia giỏi đầu ngành trong nhiều lĩnh vực mũi nhọn. Các công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế, có đóng góp đột phá đối với phát triển kinh tế - xã hội còn rất ít. Tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp còn chậm, cho nên chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp…

Để KH&CN phát triển mạnh mẽ theo kịp yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, rất cần phải tiếp tục đổi mới về nhiều mặt, trước hết là đổi mới tư duy trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách, cũng như trong công tác quản lý hoạt động KH&CN. Phải phát hiện và dỡ bỏ các rào cản, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thật sự thuận lợi, lành mạnh, giải phóng tiềm năng sáng tạo của các nhà khoa học, thúc đẩy mạnh mẽ kết quả và hiệu quả của hoạt động KH&CN đóng góp vào các mục tiêu phát triển đất nước.

Với tinh thần đó, cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và pháp luật phù hợp cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển KH&CN, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong khoa học, dỡ bỏ các rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động KH&CN. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN theo hướng chú trọng hiệu quả và tác động của nhiệm vụ KH&CN trong giải quyết các bài toán thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mặt khác, tăng cường sự hợp tác công - tư, cùng tài trợ giữa Nhà nước và doanh nghiệp cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển đồng bộ, gắn kết chặt chẽ các ngành khoa học, đồng thời coi trọng khoa học xã hội và nhân văn, đầu tư nền tảng cho khoa học tự nhiên, ưu tiên khoa học kỹ thuật và công nghệ; nâng cao năng lực đón đầu các ứng dụng KH&CN tiên phong ở trình độ cao. 

Cần đảm bảo và nâng cao các nguyên tắc công khai, minh bạch, độc lập phản biện trong tuyển chọn và xét chọn nhiệm vụ KH&CN. Mạnh dạn trao quyền tự chủ cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KH&CN và tổ chức KH&CN công lập, đi đôi với cơ chế bắt buộc chịu sự đánh giá độc lập và giám sát xã hội, công khai kết quả hoạt động KH&CN. Đầu tư có chọn lọc đối với một số tổ chức KH&CN trọng điểm, hiệu quả; Chấm dứt đầu tư và giải thể các cơ sở KH&CN hoạt động kém hiệu quả.

Một vấn đề nữa là tiếp tục đổi mới cơ chế đầu tư và tài chính cho KH&CN trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên các chỉ số đo lường kết quả, hiệu quả hoạt động KH&CN. Đơn giản hóa thủ tục tuyển chọn nhiệm vụ KH&CN, cũng như trong việc thanh quyết toán tài chính theo thông lệ quốc tế, giảm tối đa các gánh nặng hành chính cho các nhà khoa học.

Việc đầu tư cải thiện hạ tầng KH&CN cần được quan tâm hơn; tăng cường trang thiết bị nghiên cứu, nâng cao hiệu quả hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm chuyên ngành; Thúc đẩy đầu tư tăng cường tiềm lực thông tin KH&CN.

Cùng với những vấn đề nêu trên, cần tiếp tục cải tổ bộ máy quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực quản lý KH&CN phù hợp yêu cầu của thực tiễn; đổi mới tư duy quản lý để ứng phó kịp với các thay đổi không ngừng và nhanh chóng của đời sống KH&CN…

Đổi mới tư duy trong việc đề ra cơ chế, chính sách và cơ chế quản lý đối với hoạt động KH&CN, vì vậy là một yêu cầu đổi mới quan trọng, cần thiết hiện nay.

Xuân Phúc

...