Bài viết làm rõ phương thức tham gia xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và những kết quả đạt được từ thực tiễn ở tỉnh Hậu Giang thời gian qua, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm đổi mới phương thức tham gia xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang thời gian tới.
Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029_Ảnh: haugiang.dcs.vn
1. Mở đầu
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò quan trọng trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, việc đổi mới phương thức tham gia xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc mang tính cấp thiết.
Trong những năm qua, nhờ nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và các nhiệm vụ chính trị của địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang đã có nhiều đổi mới trong phương thức tham gia xây dựng chính quyền, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh Hậu Giang.
2. Thực trạng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang tham gia xây dựng chính quyền
Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Hậu Giang luôn quan tâm tổ chức tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; tập hợp phản ánh, kiến nghị của nhân dân về những vấn đề liên quan đến thực hiện dân chủ ở địa phương, cơ sở, lợi ích chính đáng của nhân dân và kiến nghị đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chủ trì phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai lấy ý kiến đánh giá về sự hài lòng của người dân liên quan đến việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, các chương trình, mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp của Hội đồng nhân dân.
Năm 2023, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức tiếp xúc cử tri tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố, với 1.338 cử tri tham dự, có 81 lượt cử tri phát biểu và ghi nhận 162 ý kiến, kiến nghị. Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp Hội đồng nhân dân cùng cấp tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri trước các kỳ họp, với hơn 14.739 cử tri dự và phát biểu 1.472 ý kiến(1). Đối với những vấn đề thuộc ngoài thẩm quyền, sau tiếp xúc, các kiến nghị được tập hợp đầy đủ và chuyển đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết. Đồng thời, tích cực phối hợp, tham gia tiếp, đối thoại với công dân tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh và tại cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Ban hành các văn bản hướng dẫn hoạt động Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng các xã, phường, thị trấn. Chủ động, tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại cơ sở.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp luôn chủ động phối hợp với các ngành có liên quan, tham mưu tổ chức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Năm 2023, Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức được 132 cuộc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, trong đó cấp tỉnh 04 cuộc, cấp huyện 21 cuộc và cấp xã 115 cuộc(2). Công tác phối hợp, trao đổi thống nhất nội dung, cách thức đối thoại được thực hiện theo kế hoạch trên cơ sở bám sát chức năng, nhiệm vụ, đúng nguyên tắc, trình tự, thẩm quyền, qua đó giúp cho công tác “tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân được thực hiện bài bản, khoa học, hiệu quả, hình thức và nội dung không ngừng đổi mới”(3).
Công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật từng bước được đổi mới, đi vào chiều sâu, chất lượng ngày càng được nâng lên, phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương, cơ quan, đơn vị; bảo đảm tính hệ thống, thường xuyên, gắn liền với quá trình xây dựng cơ chế, chính sách và theo dõi, giám sát quá trình tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách có liên quan trực tiếp đến sinh kế của người dân.
Tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức 1.189 cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân địa phương với 136.796 ý kiến từ 97.548 đại biểu(4).
Năm 2023, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã chủ trì, tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai - sửa đổi (lần 2), với sự tham gia đóng góp ý kiến của các tổ chức chính trị - xã hội, thành viên của Mặt trận Tổ quốc và các tầng lớp nhân dân, với 89 cuộc hội nghị, hội thảo (trong đó cấp tỉnh 6 cuộc, cấp huyện 8 cuộc, cấp xã 75 cuộc), 1.521 lượt ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân. Phối hợp tổ chức lấy ý kiến dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, với 09 cuộc (trong đó cấp tỉnh 01 cuộc; cấp huyện 08 cuộc), hơn 650 đại biểu tham dự, với hơn 60 lượt ý kiến góp ý. Tham gia góp ý kiến 12 dự án luật; thẩm định, góp ý 23 dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; phối hợp với Hội Luật gia tỉnh tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật và nhân rộng mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở khu dân cư tại 08 điểm khu dân cư trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố(5).
Nhờ luôn bám sát chặt chẽ Quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND - UBND - Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, MTTQ đã giám sát chặt chẽ việc tiếp nhận và trả lời, giải quyết những kiến nghị, phản ánh của cử tri qua “đường dây nóng” công khai trên cổng thông tin điện tử dịch vụ công; kết quả trả lời được báo cáo cụ thể đến tổ chức, người dân bằng văn bản và công khai nội dung trả lời. Năm 2023, có 100% ý kiến của cử tri được các cơ quan nhà nước trả lời thấu đáo, kịp thời, đúng thẩm quyền quy định(6).
Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Hậu Giang và các tổ chức thành viên đã phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, tuyên truyền các văn bản luật, các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, các chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục phối hợp, lồng ghép công tác tuyên truyền gắn với việc triển khai thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân. Phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền trong công tác triển khai, thực hiện các phong trào đoàn kết, chung tay vì sự phát triển cộng đồng, thông qua các mô hình cụ thể, thiết thực, góp phần tạo “sinh kế bền vững”, giảm nghèo ở địa phương; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xây dựng, tạo lập những giá trị văn hóa mới ở địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13-7-2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hậu Giang đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 186.374/199.786 hộ gia đình văn hóa (đạt 93,28%); 525 ấp, khu vực triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng được “Mô hình có cảnh quan, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp”(7).
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang kịp thời tổ chức triển khai tuyên truyền và quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhất là Quyết định số 135-QĐ/TU ngày 23-12-2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân trên địa bàn tỉnh. Chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình kiểm tra, giám sát với đối tượng, nội dung giám sát cụ thể, bám sát chức năng, nhiệm vụ đặc thù của từng cấp, ngành và từng địa phương; bảo đảm đúng nguyên tắc, phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm; tính sát hợp, cụ thể, thiết thực. Phương pháp, cách thức tổ chức phản biện có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện.
Đối tượng, nội dung giám sát của Mặt trận Tổ quốc từng bước đi vào chiều sâu, bao trùm nhiệm vụ, các mặt, nội dung công tác của tổ chức, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên, qua đó góp phần quan trọng trong xây dựng chính quyền các cấp ngày càng vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Năm 2023, Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Hậu Giang đã tiến hành giám sát 222 nội dung, trong đó, Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ trì giám sát 04 nội dung; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện giám sát 38 nội dung và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã giám sát 180 nội dung(8).
Sau 10 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Hậu Giang phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức 9.194 cuộc giám sát, trong đó cấp tỉnh 1.043 cuộc, cấp huyện 2.107 cuộc, cấp xã 6.044 cuộc. Riêng Mặt trận Tổ quốc tổ chức 3.333 cuộc giám sát liên quan đến những vấn đề về thực hiện chính sách, pháp luật về hòa giải cơ sở; chấp hành các quy định pháp luật trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân; thực hiện chính sách xã hội ở địa phương(9). Đặc biệt, công tác giám sát được thực hiện bao gồm cả việc giám sát kết quả khắc phục những hạn chế của Đoàn Giám sát đã kết luận, kiến nghị đối với việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh có liên quan đến những nội dung đã được chỉ ra trong quá trình kiểm tra, giám sát. Qua đó, hầu hết các văn bản kiến nghị sau giám sát đã được các cơ quan trả lời.
Trong thực hiện chức năng phản biện xã hội, Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan liên quan chủ trì tổ chức các hội nghị phản biện xã hội, góp ý đối với các dự thảo quy định pháp luật, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch… của địa phương nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, của tổ chức, cá nhân và nhân dân.
Sau 10 năm thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW, Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Hậu Giang phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức 1.378 cuộc phản biện và góp ý văn bản, trong đó cấp tỉnh 76 cuộc, cấp huyện 520 cuộc và cấp xã 782 cuộc(10).
Đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc đã trực tiếp tham gia góp ý, hoàn thiện các chủ trương, nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương và tổ chức nhiều hội nghị đối thoại, phản biện, góp ý các dự thảo đề án, dự án như: Tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo Đề án cấp nước nhỏ, lẻ phục vụ nông thôn; Hội nghị đối thoại đối với dự thảo Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Dự án điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Hậu Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035; dự thảo Đề án nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025, góp ý Đề án thực hiện các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang...
Qua các ý kiến góp ý, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, nhiều nội dung dự thảo văn bản của các đơn vị, tổ chức và chính quyền địa phương đã được bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cấp chính quyền ở địa phương; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân, qua đó góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.
Mặt trận Tổ quốc luôn chủ động và phối hợp kịp thời với các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy tham mưu, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quán triệt và thực hiện Quy định số 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị, bảo đảm lựa chọn nội dung giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi quản lý của cấp ủy cùng cấp ở nơi làm việc, sinh hoạt và cư trú trên địa bàn khu dân cư… gắn với các nội dung của công tác xây dựng Đảng; kịp thời nắm bắt và phản ánh những bức xúc, đề xuất, kiến nghị của nhân dân cho cấp ủy, chính quyền.
Năm 2023, Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Hậu Giang đã tổ chức 84 cuộc giám sát, trong đó cấp tỉnh 01 cuộc, cấp huyện 08 cuộc và cấp xã 75 cuộc(11). Sau 05 năm thực hiện Quy định số 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị, có 193 cá nhân là cán bộ, đảng viên đang công tác tại các xã, phường, thị trấn, các đồng chí bí thư, phó bí thư chi bộ, trưởng ấp, khu vực và trên 25.208 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sinh hoạt nơi cư trú ở 75/75 xã, phường, thị trấn và 525/525 ấp, khu vực trên địa bàn tỉnh được giám sát(12).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phương thức tham gia xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hậu Giang vẫn còn một số hạn chế. Công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ chưa chặt chẽ. Có lúc, có nơi, việc tổ chức giám sát và theo đuổi kết quả giám sát của Mặt trận chưa thật sự hiệu quả. Hoạt động tổ chức phản biện xã hội một số nội dung chưa bảo đảm chất lượng, chưa mạnh dạn tổ chức nhiều hội nghị và chưa thu hút được nhiều đối tượng tham gia, đặc biệt là những nội dung, vấn đề liên quan mang tính cấp thiết về xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách chưa huy động được đội ngũ trí thức tham gia phản biện nên tính khoa học chưa cao, thiếu thuyết phục.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên, trong đó việc quán triệt, nghiên cứu và cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy Hậu Giang về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng chính quyền có lúc, có nơi còn hình thức, thiếu toàn diện. Một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc. Vì vậy, công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện những nội dung sau giám sát ở địa phương chưa được thực hiện triệt để, có mặt, nội dung chậm được điều chỉnh, khắc phục. Đặc biệt, cơ chế xử lý đối với việc tiếp thu, giải quyết các nội dung sau giám sát và các ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc chưa được quy định cụ thể trong các văn bản của Đảng cũng như quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, trình độ của một số cán bộ làm công tác mặt trận ở một số địa phương còn hạn chế so với yêu cầu và áp lực giải quyết các nhiệm vụ chính trị ngày càng cao.
3. Một số giải pháp đổi mới phương thức tham gia xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hậu Giang thời gian tới
Một là, đổi mới phương thức hoạt động tham gia xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp
Đổi mới phương thức thu thập, tập hợp ý kiến phản ánh, kiến nghị của nhân dân trong tham gia xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc. Đa dạng hóa và chủ động nắm bắt, thu thập thông tin và dư luận xã hội từ nhiều “kênh”, “nguồn” thông tin; kịp thời phân tích, xử lý, đánh giá thông tin, dư luận trong nhân dân. Đây là điều kiện quan trọng để Mặt trận Tổ quốc có đủ số liệu phục vụ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, đặc biệt là những thông tin, dữ liệu cung cấp cho việc giám sát quá trình rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên; phản ánh những tâm tư, nguyện vọng cũng như những bức xúc, kiến nghị của nhân dân về những tác động của chính sách và quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền các cấp. Từ đó, có giải pháp cụ thể, sát hợp, hiệu quả trong tổ chức thực hiện giám sát và phản biện chính sách, giúp chính quyền kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các giải pháp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đặc biệt là những vấn đề bức xúc, nổi cộm mới phát sinh, góp phần thúc đẩy thực hiện hiệu quả các chính sách và nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương.
Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tổ chức giám sát của Mặt trận Tổ quốc. Xuất phát từ nội dung và phạm vi giám sát rộng, số lượng chủ thể được giám sát lớn, do đó để công tác giám sát được thực hiện hiệu quả cần đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tổ chức giám sát, tùy từng đối tượng, đặc thù đơn vị và địa bàn để xây dựng kế hoạch giám sát và linh hoạt trong các khâu tổ chức thực hiện hoạt động giám sát. Đối với cấp cơ sở, hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc có thể kế thừa các báo cáo của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng; làm việc trực tiếp với lãnh đạo chính quyền cơ sở; thông qua nắm bắt thông tin từ trưởng ấp, khu vực và qua khảo sát, lắng nghe ý kiến trực tiếp từ nhân dân (đối với những nơi xuất hiện thông tin dư luận).
Việc tổ chức, lựa chọn nội dung giám sát phải dựa trên những phản ánh của nhân dân thông qua hoạt động nắm bắt dư luận xã hội để xác định những nội dung, vấn đề giám sát mang tính điển hình, nổi cộm, bức thiết đang đặt ra. Hoạt động tổ chức giám sát phải bảo đảm đúng quy trình, thẩm quyền, khoa học, chặt chẽ, khách quan và thực chất.
Đổi mới hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc. Cùng với việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thu thập, nắm bắt thông tin từ nhân dân - những đối tượng trực tiếp được thụ hưởng chính sách, cũng như chịu tác động từ các chính sách để điều chỉnh, hoàn thiện chính sách, hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc phải huy động và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn và nhà quản lý. Đây là cơ sở quan trọng bảo đảm tính đa dạng, tính đại diện, tính chuyên sâu mang hàm lượng khoa học cao, sát hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng chính quyền. Tăng cường và đa dạng hóa các hoạt động nghiên cứu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan, đơn vị gắn với tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; tổ chức đánh giá, hoàn thiện và nhân rộng, phát huy những sáng kiến cá nhân cũng như những đổi mới, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc trong tham gia xây dựng chính quyền. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo vệ và tôn vinh những cán bộ làm công tác mặt trận dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong tham gia xây dựng chính quyền.
Hai là, phát huy vai trò của các chủ thể tham gia xây dựng chính quyền.
Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của Mặt trận trong tham gia xây dựng chính quyền. Cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận phát huy vai trò trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Mặt trận trong xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát và ấn định hoạt động giám sát vào chương trình hành động của mình. Cần xác định đây vừa là nhiệm vụ, vừa là yếu tố quan trọng và cũng là cơ hội để không ngừng nâng cao năng lực thực thi công vụ; ngăn ngừa những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời những dấu hiệu “lệch chuẩn” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.
Hoàn thiện cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc. Các cấp ủy, chính quyền ở tỉnh Hậu Giang cần tiếp tục cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh có liên quan để xây dựng, hoàn thiện cơ chế Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng chính quyền.
Việc xây dựng cơ chế phối hợp vừa giúp cho hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc thực hiện thuận lợi, tránh tình trạng chồng chéo, cản trở hoạt động của chính quyền, vừa bảo đảm phát huy trách nhiệm của mỗi chủ thể trong hoạt động giám sát và các cơ chế phản hồi sau kết luận giám sát. Từng bước xây dựng và hoàn thiện các quy định trách nhiệm của tổ chức, cơ quan và cá nhân trong trường hợp cố tình cản trở, gây ảnh hưởng đến hoạt động giám sát hoặc chậm trễ, không thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc sau giám sát.
Kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận. Trên cơ sở bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của Tỉnh ủy Hậu Giang, chú trọng kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Đặc biệt, bám sát và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, quy định, đề án… của tỉnh Hậu Giang như: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025; Quy định số 1120-QĐ/TU ngày 01-6-2022 của Tỉnh ủy về Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; Quy định số 3301-QĐ/TU ngày 29-9-2023 của Tỉnh ủy về tiêu chuẩn chức danh; phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Đề án số 06-ĐA/TU ngày 01-5-2023 của Tỉnh ủy về thí điểm đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ; Đề án số 09-ĐA/TU ngày 05-01-2024 của Tỉnh ủy Quy định tạm thời về vị trí việc làm các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Hậu Giang.
Kiện toàn tổ chức, bố trí, sắp xếp cán bộ làm công tác Mặt trận trên cơ sở kết quả đánh giá chất lượng cán bộ theo hướng tinh gọn, phù hợp với chuyên môn được đào tạo và năng lực, sở trường, tinh thần trách nhiệm, khát vọng cống hiến và khả năng phát triển của cán bộ. Đồng thời, quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ làm công tác mặt trận được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức phù hợp với năng lực, sở trường, vị trí việc làm của cán bộ, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ mặt trận có phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.
4. Kết luận
Từ thực tiễn tỉnh Hậu Giang cho thấy, phương thức tham gia xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc đã và đang đặt ra yêu cầu phải đổi mới, hoàn thiện một cách hệ thống, căn cơ, đồng bộ, toàn diện; gắn liền với việc quán triệt, thực hiện quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước; trên tinh thần thận trọng, chắc chắn nhưng quyết liệt với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong đó, trước hết Mặt trận và mỗi cán bộ làm công tác mặt trận phải không ngừng nỗ lực, tự hoàn thiện mình, sáng tạo những mô hình mới, cách làm hiệu quả và đúc kết, nhân rộng mô hình từ thực tiễn tổ chức hoạt động và tham gia xây dựng chính quyền. Đây là cơ sở quan trọng góp phần đổi mới phương thức tham gia xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền trong thời gian tới.
ThS Nguyễn Thị Tuyết Loan
Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang
_________________
(1), (2), (5), (7), (8) Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang: Báo cáo Số 1098/BC-MTTQ-BTT ngày 22-11-2023 tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; thông báo hoạt động tham gia xây dựng chính quyền năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, tr.3, 5, 4, 5 ,4.
(3) Tỉnh ủy Hậu Giang: Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tổng kết thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2023, triển khai chương trình năm 2024, 2024.
(6) Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang: Báo cáo số 09/BC-UBND ngày 10/01/2024 về việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri qua đường dây nóng theo Báo cáo số 35/BC-TT UBND ngày 12-12-2023 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, tr.13.
(4), (9), (10) Tỉnh ủy Hậu Giang: Báo cáo số 500-BC/TU ngày 09-01-2024 về tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, tr.3, 3-5, 7-8.
(11) Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang: Báo cáo số 1064/BC-MTTQ-BTT ngày 04-8-2023 về rà soát, đề xuất sửa đổi Thông tri số 10/TT-MTTW-BTT ngày 22-9-2020 về hướng dẫn giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ, tr.3.
(12) Tỉnh ủy Hậu Giang: Báo cáo số 501-BC/TU ngày 09-01-2024 Sơ kết 10 năm thực hiện Quy định 124-QĐ/TW ngày 02-02-2018 của Ban Bí thư về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, tèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, tr.5-6.