22/01/2025 lúc 20:42 (GMT+7)
Breaking News

Đổi mới Chính sách hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong tình hình hiện nay

Phát triển kinh tế tập thể (KTTT) là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động lấy lợi ích kinh tế là chính; đồng thời coi trọng lợi ích về chính trị, văn hoá, xã hội trên địa bàn. Trong đó đề cao lợi ích của thành viên, sự hợp tác, liên kết, trợ giúp lẫn nhau, hướng đến làm giàu cho từng thành viên và tập thể; thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, để KTTT phát triển mạnh mẽ, hiệu quả, đúng với tiềm năng, chính sách hỗ trợ phát triển đối với lĩnh vực kinh tế này cần tiếp tục được đổi mới.

Ảnh minh họa - TL 

Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương luôn quan tâm và ban hành, triển khai nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế tập thể, HTX. Đến nay, khu vực kinh tế tập thể cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài. Các HTX đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới. Số lượng HTX, liên hiệp HTX thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ; hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Tính liên kết giữa các HTX và với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác bước đầu phát triển.

Cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý

Nhìn chung cơ sở chính trị, pháp lý cho việc phát triển KTTT, HTX, đến nay đã tương đối đầy đủ:  Nghị quyết Đại hội IX của Đảng đã xác định: "KTTT phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó HTX là nòng cốt", "kinh tế nhà nước cùng với KTTT ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân". Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT xác định mục tiêu "đưa KTTT thoát khỏi những yếu kém, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỉ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP của nền kinh tế" và đề ra 5 nhiệm vụ chủ yếu. Trong đó, sửa đổi, bổ sung 6 cơ chế, chính sách hỗ trợ KTTT phát triển (về cán bộ và nguồn nhân lực; đất đai; tài chính - tín dụng; khoa học - công nghệ; tiếp thị và mở rộng thị trường; phát triển cơ sở hạ tầng). Kết luận số 70/KL-TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xác định rõ phát triển KTTT, HTX là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 xác định "Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT, HTX gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của các thành viên, nâng cao khả năng huy động nguồn lực". Nghị quyết số 20-NQ/TW khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới nêu rõ quan điểm: "KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân". Quốc hội đã ban hành Luật HTX vào các năm 1996, 2003, 2012 và 2023. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, trong đó có Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW khóa XIII với 48 đề án, nhiệm vụ chủ yếu (xác định rõ cơ quan chủ trì, sản phẩm hoàn thành và lộ trình).

Ngày 02/02/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn kinh tế hợp tác, HTX năm 2024 với chủ đề "Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 20-/NQ/TW ngày 16/6/2022 - Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới". Nhiều nội dung đã được trao đổi tại Diễn đàn quan trọng này; những kết quả đạt được và những hạn chế trong quá trình thực hiện chủ trương phát triển KTTT.

Kết quả đạt được

Trong những năm qua, KTTT, HTX đã có nhiều bước phát triển và đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ. Theo đó, đã có sự thống nhất chung trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT, HTX thể hiện qua các nghị quyết, kết luận, chiến lược, kế hoạch, văn bản chỉ đạo đồng bộ, thống nhất, từ đó nhận thức chung trong xã hội về phát triển KTTT, HTX đã được nâng lên. Thể chế, cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho KTTT, HTX phát triển được rà soát, sửa đổi, bổ sung phù hợp với từng thời kỳ, với nhu cầu hỗ trợ, trình độ phát triển của HTX và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước. Khu vực KTTT đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và sự phát triển kinh tế của thành viên. Khu vực KTTT, HTX vừa đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế, vừa đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế hộ thành viên. Các sản phẩm của các HTX ngày càng đa dạng, phong phú, trong đó nhiều sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, cả nước có trên 5.300 chủ thể, trong đó có 38,1% là từ các HTX. Khu vực KTTT, HTX góp phần tích cực trong việc tạo việc làm, sinh kế, cải thiện thu nhập cho người dân, qua đó xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính đến năm 2023, cả nước có hơn 31.700 hợp tác xã (HTX), 158 liên hiệp HTX và 73.000 tổ hợp tác (THT). Năm 2022, doanh thu bình quân của các HTX đạt gần 3,6 tỷ đồng/năm, tăng 35% so với năm 2021; lãi bình quân khoảng 366 triệu đồng/năm, tăng 71% so với năm 2021; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX năm 2022 là 56 triệu đồng/người/năm…

Trong 20 năm qua, hành lang pháp lý chung và các cơ chế, chính sách hỗ trợ KTTT đã được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Trong đó có các chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại; ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ; hỗ trợ về đầu tư phát triển hạ tầng; chính sách giao đất, cho thuê đất; chính sách về tín dụng; hỗ trợ chế biến sản phẩm…

Thống kê giai đoạn 2021-2023 cho biết, 71,3% các HTX thành lập mới có các sáng lập viên trẻ (độ tuổi từ 27-40), nhiệt huyết, có kiến thức, trình độ về các lĩnh vực khởi nghiệp, mạnh dạn và sáng tạo trong tiếp cận công nghệ, nguồn lực (nhân lực, vốn, tín dụng,...) để đầu tư thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát triển một số loại hình dịch vụ, thương mại mới, đáp ứng yêu cầu, năng lực, sở trường của thành viên, phù hợp với nhu cầu thị trường và góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Tiêu biểu như HTX nông nghiệp thương mại dịch vụ Long Thới Thịnh (Tiền Giang), HTX nông nghiệp dịch vụ Quảng Đức (Phú Yên); HTX dịch vụ tổng hợp Thắng Lợi (Yên Bái)…

Hạn chế, tồn tại

Bên cạnh những thành quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, như:  Khu vực KTTT, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu, đòi hỏi. Tốc độ phát triển của khu vực này chỉ bằng một nửa tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tỉ trọng của khu vực kinh tế KTTT, HTX trong GDP của đất nước đang có xu hướng giảm qua các năm (đóng góp vào GDP của khu vực KTTT, HTX từ năm 2001-2020 từ 8,06% xuống còn 3,62%). Năng lực sản xuất kinh doanh còn yếu, manh mún. Chưa có nhiều HTX thật sự hiệu quả, có khả năng lan tỏa. Trình độ cán bộ quản lý HTX chưa cao. Đến năm 2023, số cán bộ quản lý HTX đạt trình độ sơ, trung cấp mới chiếm gần 36%, trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm 23%.

Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho KTTT tuy nhiều nhưng dàn trải, phân tán, chủ yếu là lồng ghép, thiếu tập trung, chưa thống nhất, thiếu nguồn lực, thậm chí không khả thi. Chưa được bố trí nguồn riêng từ ngân sách nhà nước mà lồng ghép vào nhiều chương trình nên nguồn lực hạn hẹp. Các chính sách về đất đai, tín dụng, hỗ trợ xây dựng hạ tầng… ít được thực hiện; tiếp cận tín dụng còn khó khăn. Chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường ở mức rất thấp…

Đổi mới chính sách hỗ trợ

Trên cơ sở các tiêu chí HTX, liên hiệp HTX, THT được xem xét thụ hưởng chính sách, Nhà nước có các quy định các chính sách hỗ trợ cụ thể. Trong đó, Nghị định số 113/2024/NĐ-CP quy định nhiều chính sách của nhà nước về hỗ trợ phát triển THT, HTX, liên hiệp HTX như: Chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ thông tin; chính sách hỗ trợ xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn; chính sách hỗ trợ nhân rộng mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả; chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chính sách hỗ trợ tiếp cận và nghiên cứu thị trường; chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro; chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp...

Cụ thể, đối với chính sách hỗ trợ tiếp cận và nghiên cứu thị trường, THT, HTX, liên hiệp HTX được cung cấp thông tin về pháp lý, kinh tế; khảo sát và nghiên cứu thị trường; thông tin dự báo, cảnh báo các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trên Cổng thông tin quốc gia về hợp tác xã và các trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của hội, đoàn thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

Hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm, diễn đàn và hoạt động xúc tiến thương mại của bộ, ngành, địa phương tổ chức trong và ngoài nước; hỗ trợ kinh phí xây dựng chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc;

Hỗ trợ kinh phí áp dụng và chứng nhận các tiêu chuẩn để phát triển thị trường cho THT, HTX, liên hiệp HTX có hợp đồng liên kết hình thành vùng nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm;

Hỗ trợ chi phí thuê địa điểm và vận hành các điểm giới thiệu, bán sản phẩm tại các địa phương; hỗ trợ kinh phí xây dựng, triển khai, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử.

Nhà nước ưu tiên, hỗ trợ kinh phí tham gia chương trình sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị kinh tế, văn hóa, lợi thế của địa phương.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm trong nước; kinh phí thuê địa điểm và vận hành một số điểm giới thiệu, bán sản phẩm của các tổ chức kinh tế tập thể.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm tại nước ngoài; tổ chức diễn đàn kinh tế tập thể; hỗ trợ việc đăng ký chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa; xây dựng và triển khai sàn giao dịch thương mại điện tử.

Bộ NN&PTNT đang triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn 14 tỉnh trải dài từ Bắc vào Nam với 05 vùng nguyên liệu hàng hóa lớn (bao gồm: Sơn la, Hòa Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An và Sóc Trăng) với tổng diện tích gần 167.000 ha, trong đó có 250 HTX (tại thời điểm ban đầu thực hiện Đề án đầu năm 2022) và khoảng 186.000 hộ nông dân hưởng lợi trực tiếp.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đang xây dựng Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL, trong đó tập trung hỗ trợ cho 937 HTX tham gia chuỗi lúa gạo trong vùng. Bộ cũng đang chỉ đạo hỗ trợ phát triển các trung tâm logistics kết nối liên vùng nhằm thúc đẩy các chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa nông sản tại 05 vùng nguyên liệu Bộ đang thực hiện./.

Ths. Lê Quang Thọ

...