16/11/2024 lúc 00:24 (GMT+7)
Breaking News

Đôi điều về đạo đức và phẩm chất của người làm báo

Trong cuộc sống đời thường, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của nhà báo không khác nhiều so với những lĩnh vực nghề nghiệp khác, nghĩa là đều vì lợi ích chung của cộng đồng, dân tộc, tính trung thực, tính nhân văn, cái tâm của người làm…

Tuy nhiên, hơn tất cả, tài sản quý giá nhất của mỗi tòa soạn và các nhà báo chính là lòng tin của độc giả. Để được xã hội tôn trọng, đánh giá cao thì người làm báo có chuyên môn giỏi thôi chưa đủ, mà còn cần ý thức đầy đủ về trách nhiệm xã hội trong việc sử dụng ngòi bút để phản ánh vấn đề một cách khách quan, trung thực và có nhãn quan chính trị đúng đắn.

Ảnh minh họa - Hà Anh

Chính vì vậy, người làm báo cần xác định rõ nhiệm vụ, sứ mệnh thiêng liêng của mình đối với cộng đồng và xã hội, rèn cho mình có đủ sức mạnh và nghị lực để vượt qua khó khăn, chống lại những thói xấu, bảo vệ những giá trị tốt đẹp, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc trong giai đoạn hiện nay.

Ở nước ta, suốt gần một thế kỷ qua, báo chí là một bộ phận của cuộc đấu tranh cách mạng. Thực tế đã chứng minh, trên chặng đường cách mạng của dân tộc, trong hoạt động báo chí, phần lớn các nhà báo Việt Nam đều nhận thức rõ phẩm chất chính trị cần có; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, trung thành với Đảng, không ngừng phấn đấu vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Họ luôn luôn giữ được phẩm chất đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh, trong sáng, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật. Chính nhờ điều đó mà báo chí nước ta trở thành vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh chống lại những sai phạm, bảo vệ cái hay, cái tốt, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đã có hàng nghìn bài viết giới thiệu, quảng bá đất nước, con người, truyền thống, bản sắc dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế; hàng vạn bài tuyên truyền văn hóa, thỏa mãn nhu cầu văn hóa, giải trí của nhân dân; quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc ra thế giới... Không chỉ như vậy, nhiều nhà báo, nhiều cơ quan báo chí đã tích cực tổ chức, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện; kêu gọi cộng đồng, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp quỹ tình nghĩa, quỹ xóa đói giảm nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, các nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học, những gia đình chính sách khó khăn,... Những hoạt động có ý nghĩa về đạo đức sâu sắc đó đã thực sự mang lại niềm tin, uy tín của các nhà báo và được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận.

Bên cạnh những phẩm chất tốt đẹp ấy của đội ngũ những người làm báo, đáng tiếc vẫn có một số ít cá nhân, đơn vị không xứng đáng với vai trò, vị thế và sứ mệnh cao cả của người làm báo, không giữ được đạo đức của một nhà báo chân chính. Những người này mang danh báo chí, nhưng vì suy thoái đạo đức, trục lợi cá nhân mà làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của báo chí nói chung và của người làm báo nói riêng.

Nghề báo là một nghề thuộc lĩnh vực chính trị - xã hội. Tính chính trị chi phối toàn bộ quá trình hoạt động sáng tạo tác phẩm của người phóng viên, từ việc lựa chọn chủ đề, đến các hoạt động thực tiễn của phóng viên... Vì vậy, đòi hỏi người phóng viên phải luôn luôn xác định vị trí chính trị của mình trong quá trình thông tin về sự thật. Vị trí đó sẽ chi phối nội dung và cách thức thông tin, gắn liền với thái độ chính trị của người phóng viên và tờ báo mà họ là một thành viên. Bản lĩnh chính trị và trách nhiệm với xã hội của nhà báo còn thể hiện ở chỗ phải đề cao tính trung thực, tôn trọng sự thật khách quan trong quá trình hoạt động nghiệp vụ; không vì lợi ích cá nhân hay vì một tổ chức, cá nhân nào đó mà đưa tin, viết bài làm sai lệch bản chất vụ việc; hoặc đưa những sự kiện giật gân, không có lợi cho xã hội, cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Nếu không xác định được những vấn đề căn cốt đó, người làm báo rất dễ mắc sai lầm.

Tính nhạy cảm nghề nghiệp cũng là một yêu cầu quan trọng của người làm báo. Chẳng hạn, thông tin dù là rất thật, nhưng không phải cái thật nào đưa lên mặt báo là đều tốt cả. Quan trọng là phải xem thông tin đó lợi hay hại. Bởi cái thật của thông tin cũng đa dạng, diễn ra ở nhiều tình huống và tính chất khác nhau của sự việc. Thực tế có những thông tin khi đưa lên mặt báo dù rất chính xác, rất thật, nhưng lại có hại cho xã hội, thiệt hại cho nhân phẩm con người hoặc cho nền kinh tế đất nước. Như vậy, tuy tin tức đưa ra là đúng với sự thật, nhưng đúng mà không có lợi thì vẫn không thể đưa và sự lựa chọn này cũng thể hiện năng lực của một nhà báo.

Đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp, cũng là trách nhiệm của một nhà báo. Nhưng cần nhận thức rằng, mục đích của đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực không phải chỉ để phê phán, để xử lý kỷ luật người vi phạm, mà điều quan trọng hơn là thông qua phát hiện, phê phán, xử lý tham nhũng, tiêu cực để xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, để tăng cường sức mạnh của Đảng, của chế độ và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với chế độ. Do đó, trong quá trình tham gia đấu tranh chống tiêu cực, một nhà báo có đạo đức nghề nghiệp sẽ luôn quan tâm đến sự nghiệp chung, lợi ích chung của đất nước; góp phần tăng cường khối đoàn kết trong Đảng, sự đoàn kết của toàn dân, tránh để cho các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc...

Trong điều kiện không ít những tác động phức tạp như hiện nay, nhà báo buộc phải lựa chọn giữa việc đi tìm sự thật khách quan cho bài viết của mình, hay lựa chọn cách tác nghiệp dễ dãi, cẩu thả, không kiểm chứng thông tin? Lựa chọn việc giữ gìn phẩm chất đạo đức người làm báo, hay lựa chọn cách làm báo chỉ để trục lợi cá nhân mà bất chấp tất cả? Những sự lựa chọn ấy quyết định đạo đức của người làm báo đang ở đâu, tốt hay xấu… Sự tiêu cực trong hoạt động báo chí, dù nguyên nhân khách quan được coi là yếu tố quan trọng - là ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường, hay sự quản lý còn lỏng leo của cơ quan báo chí nào đó - nhưng không thể coi nhẹ nguyên nhân chủ quan, đó là sự thiếu bản lĩnh chính trị và văn hóa, thiếu tu dưỡng và sự rèn luyện đạo đức thường xuyên của một bộ phận nhà báo; cũng như thiếu kiến thức cơ bản về báo chí, không nhận thức đúng vai trò và chức năng của báo chí với xã hội, thậm chí có một bộ phận nhỏ nhà báo chỉ đơn thuần coi báo chí là phương tiện kiếm sống, thậm chí làm giàu... Những “con sâu bỏ rầu nồi canh” ấy rất cần được loại trừ, nếu giải pháp giáo dục không có tác dụng.

Để nâng cao đạo đức nghề báo, giải pháp đầu tiên là nâng cao công tác giáo dục đạo đức, đồng thời phải phát huy tính tự giác, tự rèn luyện tu dưỡng của mỗi nhà báo. Giáo dục phải gắn với việc tăng cường năng lực chuyên môn báo chí, nâng cao nhận thức chính trị và hiểu sâu pháp luật cho những người làm báo. Bên cạnh đó, rất cần có những giải pháp tạo môi trường thuận lợi cho đạo đức nghề báo được tồn tại và phát huy; nâng cao thu nhập cho hoạt động báo chí; nâng cao tính chuyên nghiệp của báo chí, từ giảng dạy, đào tạo, quản lý; luật hóa những quy định về đạo đức nghề báo; tăng cường quản lý của các cơ quan chủ quản, vai trò giám sát của nhân dân với hoạt động báo chí… Nhưng cũng cần tăng cường các chế tài xử lý nghiêm minh các vi phạm. Đặc biệt, cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với hoạt động của cơ quan báo chí tự chủ, trên cơ sở một quy định về “đặt hàng” đủ mạnh đối với cơ quan báo chí; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đi đôi với có chế tài đủ mạnh đối với những cơ quan báo chí vi phạm có hệ thống các quy định của pháp luật trong hoạt động báo chí./.

Phạm Thủy