26/06/2024 lúc 17:02 (GMT+7)
Breaking News

Độc đáo Nghề cói Kim Sơn: Vươn tầm thế giới

Từ bao đời nay, cây cói gắn bó với con người và vùng đất Kim Sơn mặn mòi vị biển. Nghề cói Kim Sơn là nghề thủ công truyền thống được những nghệ nhân nơi đây gắn bó suốt hơn 200 năm. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề cói ngày càng khẳng định vị thế của mình; được gìn giữ, phát triển cho đến ngày nay. Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa Nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

https://dulichninhbinh.com.vn/mypicture/images/2023/COI-KIM-SON-1.jpg

Gìn giữ tinh hoa trăm năm nghề cói Kim Sơn

Huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) là vùng đất nổi tiếng với nghề trồng cói, làm đồ cói đã có từ lâu đời. Nghề dệt cói Kim Sơn gắn liền với thiên nhiên, bởi nguyên liệu để làm nên những sản phẩm từ cói cũng giản dị như thiên nhiên và con người nơi đây. Nơi vùng đất Kim Sơn, cây cói tưởng chừng như không có giá trị lại có được độ mềm mại, óng ả lý tưởng, có vai trò là sợi nối giữa biển với bờ, giữa những con người cần cù, khoẻ mạnh với thiên nhiên trù phú, bao la, rất thích hợp để đan, dệt nên thành những sản phẩm mỹ nghệ thủ công khéo léo, tinh xảo. Để có được một sản phẩm cói mỹ nghệ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, kỹ thuật trồng và sản xuất cói của Kim Sơn cũng khá đặc biệt. Đó là cả một quy trình công phu, tỉ mỉ và chính xác ngay từ lúc trồng và thu hoạch cói, chọn cói, chẻ cói, phơi cói, nhuộm cói cho đến khâu cuối cùng là đan, dệt và hoàn thiện.

coi kim son

Nói đến chiếu cói Kim Sơn là nói tới sự hội tụ những tuyệt kỹ tinh xảo nhất của một chiếc chiếu, từ sự cầu kỳ về nguyên liệu đến việc lên khung dệt.

Nổi bật nhất trong số các sản phẩm được hoàn thành dưới đôi bàn tay của những người thợ lành nghề nơi đây phải kể đến chiếu cói. Dệt chiếu cói là một quá trình lao động sáng tạo, vất vả, đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, chăm chút từ khâu chọn cói, phơi cói, nhuộm cói sao cho cói có màu đỏ tươi và bền màu. Đặc biệt là khâu dệt cải hoa của chiếu nữa. Người dệt hoa cải thao tác phải nhanh, uyển chuyển, mềm mại, mắt phải tinh, tay cải phải chính xác, thuộc từng nét cải để không đan lỗi.

Chiếu cói Kim Sơn và những sản phẩm được làm từ cây cói là truyền thống trăm năm của mảnh đất Kim Sơn, những sản phẩm này đã trở nên nổi tiếng cả trong nước và nước ngoài với chất lượng tốt, độc đáo, gần gũi với cuộc sống và thiên nhiên. Người dân Kim Sơn có đặc thù sống trong cái nôi làng nghề cói từ cách đây hàng trăm năm nên có đầy đủ tố chất của một người thợ thủ công chân chính, một bàn tay khéo léo, sự nhạy bén, tính linh hoạt cao, sự nhanh nhạy và đam mê nghề nghiệp. Những tố chất này giúp cho họ đáp ứng được những đòi hỏi dù là khắt khe của nghề, tạo dựng nên nghề trồng, chế biến cói ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, được người tiêu dùng trong và ngoài nước rất ưa chuộng.

Theo thống kê, mỗi năm doanh thu từ chế biến cói của huyện Kim Sơn đạt trên 200 tỷ đồng. Nghề đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho gần 30.000 lao động địa phương. Ngoài chiếu cói, những người dân địa phương còn sản xuất ra những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu với nhiều mẫu mã đa dạng, phong phú như: mũ, dép, thảm, làn, khay, hộp, túi xách…

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vươn tầm ra thế giới

Trải qua hơn 2 thế kỷ tồn tại với bao thăng trầm, đến nay Nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một dấu mốc quan trọng trong việc nhận diện, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Góp phần nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế. Qua đó, thúc đẩy KT-XH địa phương ngày càng phát triển. Việc nghề cói Kim Sơn được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã mang lại niềm tự hào cho cộng đồng người làm nghề cói; đồng thời tiếp thêm động lực để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của địa phương.

https://kimson.ninhbinh.gov.vn/source/2024/T5/nc.jpgNghề dệt cói Kim Sơn

Người dân Kim Sơn đã dùng cây cói làm ra nhiều sản phẩm như: chiếu, thảm, làn, khay, hộp, đĩa, cốc, tách, túi xách, mũ… rất bền, đẹp và có giá trị kinh tế cao.

Khi nền kinh tế bước vào thời kỳ hội nhập thì những làng nghề thủ công truyền thống như nghề dệt, đan cói cũng ít nhiều bị mai một. Với đầu ra cho các sản phẩm ấy bị thu hẹp thì rất nhiều nghệ nhân đã không thể tiếp tục duy trì nghề truyền thống của dòng tộc và họ chuyển sang nhiều ngành nghề khác để kiếm kế sinh nhai. Thế nhưng ở Kim Sơn vẫn còn giữ được làng nghề truyền thống đã có từ hơn 2 thế kỷ này. Cây cói qua bàn tay khéo léo của người dân Kim Sơn đã trở thành những sản phẩm vô cùng độc đáo. Các sản phẩm nơi đây vô cùng đa dạng về mẫu mã và màu sắc hoa văn vô cùng bắt mắt. Nghề trồng cói, chế biến cói ngày càng nổi tiếng, sản phẩm của làng nghề được người tiêu dùng trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Cho đến nay, sản phẩm cói mỹ nghệ Kim Sơn đã được xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sở dĩ sản phẩm cói mĩ nghệ của Kim Sơn được thị trường, nhất là thị trường nước ngoài ưa chuộng là vì sản phẩm được làm bằng nguyên liệu thiên nhiên, thân thiện với môi trường, bền đẹp, đa dạng về kiểu dáng và màu sắc mà giá thành lại rẻ. Từ những sợi cói dài loằng ngoằng tưởng như không có nhiều giá trị, nhưng chỉ qua bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người dân nơi đây đã tạo ra những sản phẩm hữu dụng độc, lạ và có giá trị mà nơi khác không có được.

Đối với người dân Kim Sơn nói riêng và Ninh Bình nói chung, nghề cói Kim Sơn là một tài sản quý giá, là kết tinh tâm hồn Việt thuần phác. Đó chính là nét hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước đến thăm. Tin rằng với bản lĩnh và tình yêu vô cùng lớn đối với nghề qua thăng trầm hàng trăm năm, người dân nơi đây sẽ luôn son sắt một niềm tin tiếp tục đưa nghề truyền thống này ngày một phát triển lớn mạnh.

Trần Hiếu - Thanh Nhàn