Độc đáo mô hình đình làng bằng gỗ gụ nhỏ nhất Việt nam "Có người trả tiền tỉ nhưng tôi không bán"
Dành 5 năm để nghiên cứu và chế tác, một nghệ nhân 67 tuổi ở làng Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) đã cho ra đời một ngôi đình làng bằng gỗ gụ siêu nhỏ, độc đáo, có tỉ lệ 1/1.000, nặng vỏn vẹn 60kg.
Ông Hùng bên mô hình đình làng Hữu Bằng do chính ông chế tác
Chủ nhân của ngôi đình mô hình bằng gỗ gụ độc nhất ấy là ông Phan Lạc Hùng - 67 tuổi, xóm Chùa, xã Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội. Sinh ra và lớn lên ở ngôi làng có nghề gỗ truyền thống, nhà nhà trong làng đều làm nghề mộc, gia đình ông cũng có tiếng trong làng, nhiều đời gắn bó với “cái chày, cái đục”.
Riêng bản thân ông Hùng cũng đã có 50 năm gắn bó với nghề mộc, nhà lại gần ngay ngôi đình làng Hữu Bằng có niên đại gần 350 năm. Nên từ nhỏ mọi thăng trầm, vui buồn trong cuộc sống gần như đình làng là nơi "chứng kiến" cùng ông. Vì vậy, ngôi đình làng luôn được người nghệ nhân già trên dành cho một tình cảm đặc biệt.
Mô hình đình làng Hữu Bằng được ông Hùng tìm tòi, lên ý tưởng và hoàn thiện
"Tôi tự hào vì đến nay quê tôi còn giữ được một ngôi đình cổ có kiến trúc tương đối đẹp, với dân làng tôi thì đây là một kỷ vật của quê hương. Mọi công việc lớn nhỏ trong làng ngôi đình gần như đều "chứng kiến", vì vậy tôi đã ấp ủ và đau đáu việc thu nhỏ ngôi đình làng mình thành một mô hình được làm từ gỗ", ông Hùng chia sẻ.
Những chi tiết được ông Hùng chăm chút nhất là mộng cửa, then chốt và lớp ngói lợp trên mái đình...
"Làm 100.000 viên ngói nhưng phiên bản mô hình đình làng Hữu Bằng chỉ sử dụng khoảng 70.000 viên. Mỗi ngày chỉ dập được 1.500 viên và mất khoảng 2 tháng mới làm xong chi tiết mái ngói", nghệ nhân Lạc Hùng cho hay.
Theo tìm hiểu, ngôi đình mô hình trên có tỉ lệ 1/1.000 so với ngôi đình làng Hữu Bằng, có trọng lượng khoảng 60kg và được xem là mô hình đình bằng gỗ nhỏ nhất Việt Nam.
Theo ông Hùng, mô hình này tạo nên cũng một phần lý do là bởi mong muốn bảo tồn, lưu giữ lại kiến trúc ngôi đình làng cổ quê nhà, để lại cho con cháu sau này, để họ biết quý trọng những nét đẹp văn hóa truyền thống.
"Khi hoàn thiện xong tôi thấy rất vui, có người hỏi mua tiền tỉ nhưng tôi không bán, tôi muốn dành di sản này cho con cháu tôi, để giáo dục con cháu trong nhà biết yêu văn hoá truyền thống quê hương", ông Hùng nói thêm.
Đình làng Hữu Bằng ngày nay