17/01/2025 lúc 14:20 (GMT+7)
Breaking News

Doanh nghiệp xoay xở tự cứu mình

VNHN - Trước cảnh nguy biến đe dọa bởi cơn dịch COVID-19, các doanh nghiệp du lịch, ẩm thực Đà Nẵng đang nỗ lực tìm đủ cách xoay xở, hạn chế những tổn thất trong đầu tư hoạt động, mong hồi phục lại cơ hội cùng khách hàng càng sớm càng tốt.

VNHN - Trước cảnh nguy biến đe dọa bởi cơn dịch COVID-19, các doanh nghiệp du lịch, ẩm thực Đà Nẵng đang nỗ lực tìm đủ cách xoay xở, hạn chế những tổn thất trong đầu tư hoạt động, mong hồi phục lại cơ hội cùng khách hàng càng sớm càng tốt.

Đà Nẵng mong khẳng định vẫn là điểm đến an toàn với du khách.

Chỉ với 1 hóa đơn thanh toán 600.000 đồng, thực khách sẽ nhận 1 thư cảm ơn, mời dùng bữa ăn miễn phí với 9 món cho bàn 4 – 5 người”. Đó là thông điệp mà chuỗi nhà hàng Mì Quảng Ếch Bếp Trang vừa đưa ra tuần này, với mục tiêu thu hút lại lượng thực khách, đang có dấu hiệu suy giảm trầm trọng bởi ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Ông Phan Hoàng Huy, đại diện chuỗi nhà hàng này nhấn mạnh rằng, tháng 2 hàng năm vẫn là giai đoạn suy thoái khách tại các địa chỉ ẩm thực, nhất là các địa chỉ gắn với du khách. Điều này có tính tất yếu bởi sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tham quan du lịch không có nhiều.

Tuy nhiên năm nay, tình hình lại có diễn biến đáng lo hơn. Những tác động từ tình hình dịch bệnh đang gây áp lực lớn với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch. Đặc biệt từ sau rằm Nguyên tiêu, bởi những thông tin đồn thổi bất lợi về dịch bệnh, hàng loạt tour tuyến về Đà Nẵng đều bị hủy, khiến các cơ sở lưu trú, lữ hành đều lao đao vì vắng khách hàng.

“Trong bối cảnh đó, những cơ sở ẩm thực chúng tôi đều dự báo sẽ thêm khó khăn, không tự lo xoay xở tìm cách đối phó, thì chỉ có đóng cửa”. Ông Huy nhấn mạnh như vậy.

Ông Phan Hoàng Huy: Doanh nghiệp phải tự xoay xở vượt qua khủng hoảng thời dịch bệnh.

Giải pháp được ông Huy đề ra với chuỗi nhà hàng của mình, là lập tức cắt giảm những nhân sự, thực đơn, thậm chí điểm kinh doanh không hiệu quả; điều chuyển lại nhân sự hiệu quả hơn, và tăng thêm điều kiện phục vụ tốt cho khách hàng. Nhà hàng không chủ trương giảm giá, mà chuyển qua tặng kèm nhiều quà tặng, như phần ăn thêm, các dịch vụ hỗ trợ khác… Đặc biệt, doanh nghiệp quyết định định vị lại phân khúc ưu thế, từ mảng du khách đã có, hướng mạnh về bữa ăn gia đình, khai thác chính phân khúc nhu cầu ẩm thực của người dân sở tại.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc sở Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận, lựa chọn thay đổi như Bếp Trang, đang là giải pháp tình thế rất cần thiết cho bối cảnh kinh doanh du lịch hiện nay. Không hẹn mà cùng, nhiều nhà hàng, quán ăn tại Đà Nẵng đều đang cùng lo tổ chức, cơ cấu lại, tinh chỉnh nhân sự, món ăn cũng như tăng cường thêm các dịch vụ chăm sóc khách hàng. Nhất là các nhà hàng hải sản dọc bờ biển Đà Nẵng, trước Tết Nguyên đán đã chịu những tác động thay đổi từ Nghị định 100, đến nay trước vấn nạn dịch bệnh, lại càng phải lo tính toán cho kỹ bài toán tổ chức hoạt động.

Ở mảng lữ hành lưu trú, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó giám đốc Vitour cho biết, hiện tượng hủy tour của nhiều nhóm khách rộ lên những ngày gần đây thật sự tạo áp lực cho các đơn vị. Nhiều đối tác Vitour đến nay đã phải cắt giảm hơn 50% nhân sự, số còn lại cũng tiết giản lịch làm việc, chỉ còn giữ nhân sự tối thiểu như buồng phòng, lễ tân. Đối với khách hàng, các khách sạn, đơn vị lữ hành cũng đều tăng thêm ưu đãi phục vụ, như du khách đặt phòng tiêu chuẩn 3 sao, có thể nâng cấp lên dùng phòng tiêu chuẩn 4 sao, giá không đổi...

Các đơn vị du lịch Đà Nẵng tăng cường thêm các dịch vụ ưu đãi cho du khách.

Một số đơn vị còn bàn tính hợp tác chia khách, có thể ưu tiên hôm nay cho khách sạn này đón khách, ngày mai đến lượt khách sạn kia. “Đây là sáng kiến nhất thời nhưng hữu hiệu, cần sự chung tay của cả hiệp hội khách sạn, du lịch. Bởi lẽ khi đón khách, khách sạn phải bật hết thiết bị phục vụ, trong khi khách lại quá ít ỏi, thành ra lãng phí, tăng chi phí điện nước, điều hòa… không cần thiết”. Ông Tùng lý giải như vậy.

Điều quan trọng mà các doanh nghiệp đang cùng kiến nghị ngành du lịch địa phương khẩn trương triển khai, là phải mạnh dạn xác lập vị trí điểm đến an toàn của Đà Nẵng. Theo các doanh nghiệp, những đồn thổi thời gian qua về môi trường du lịch Đà Nẵng, như có nhiều người Trung Quốc lưu trú, hay có xuất hiện đối tượng lây nhiễm dịch bệnh… đã tạo tâm lý hoang mang với nhiều du khách.

Thư mời khẳng định Đà Nẵng vẫn là điểm đến an toàn do sở Du lịch Đà Nẵng phát hành.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc sở Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận, những thông tin, đánh giá như vậy là không chính xác, rất cần được truyền thông cải chính minh bạch. Để làm điều này, ngành du lịch Đà Nẵng cần có sự chung tay của mọi tổ chức, cá nhân hoạt động, nhất là giới báo chí truyền thông, miêu tả thực tiễn an toàn, môi trường thanh sạch bình yên tại địa phương. Mới đây, đích thân bà Hạnh đã ký thư mời, công bố Đà Nẵng vẫn là điểm đến an toàn, không có dịch bệnh với các đại lý, doanh nghiệp du lịch, vận tải… trong và ngoài nước. Nhiều hoạt động xúc tiến, trao đổi thông tin với báo chí, cung cấp thông tin tìm hiểu cho các du khách bên ngoài, cũng đang được Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng tổ chức trong thời gian tới. Theo bà Hạnh, kết hợp với những hoạt động này, các doanh nghiệp nỗ lực tìm cách tự xoay xở, hy vọng du lịch Đà Nẵng sẽ nhanh chóng lấy lại nhịp điệu đã có, tiếp tục phát triển bền vững và tích cực.

Theo sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, trong tháng 2 và 3/2020, tổng lượt khách tham quan, du lịch Đà Nẵng ước giảm 31.2% so với cùng kỳ 2019, trong đó khách quốc tế giảm 17,6%, khách nội địa giảm 43,8%.

Công suất khối lưu trú chỉ đạt 25 - 30%, giảm 45-50% so cùng kỳ 2019; và có thể chỉ còn 20% trong tháng 3. Các đơn vị lữ hành cũng sẽ còn khoảng 25 – 30% lượng khách, trong đó khách quốc tế giảm 70%, khách nội địa giảm 80 – 85%.

Tính đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã làm các doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng thiệt hại khoảng 685 tỷ đồng; trong đó khối lữ hành, vận chuyển khoảng 285 tỷ đồng, khối lưu trú khoảng 400 tỷ đồng.