Chiều nay 08/12/2020 tại Đà Nẵng, Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch Đầu tư đã chủ trì một phiên đối thoại giữa các doanh nghiệp Hàn quốc và các cơ quan quản lý chức năng địa phương, chuyên môn về xúc tiến đầu tư, và một số doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tổ chức đầu tư, cung ứng dịch vụ hạ tầng đầu tư ở các tỉnh thành miền Trung – Tây Nguyên.
Quang cảnh Hội thảo Đối thoại doanh nghiệp Hàn quốc.
Ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng cục Đầu tư nước ngoài bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng, đây là sự kiện cần thiết nhằm kết nối các điều kiện, cơ hội, cơ chế mời gọi đầu tư tại các tỉnh thành miền Trung – Tây Nguyên với các nhà đầu tư đến từ Hàn quốc, dựa trên thực tế hoạt động đầu tư lâu nay và từ thực trạng bối cảnh đầu tư kinh tế đang bị nhiễu tác động bất lợi của dịch bệnh và chuyển hóa kinh tế hiện nay. Đặc biệt, bối cảnh năm 2020 là năm có quá nhiều diễn tiến bất lợi, chịu nhiều tác động lớn từ thực tiễn dịch bệnh toàn cầu và suy thoái kinh tế ở nhiều khu vực, việc vận động, xúc tiến đầu tư gặp nhiều bất lợi, ách tắc. Do đó, động thái kêu gọi, tạo môi trường đối thoại, cùng bàn thảo hướng tháo gỡ, xử lý các khó khăn, trì trệ từ thực tiễn kinh tế suy thoái, giữa các nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư kinh tế Việt Nam, trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế sâu sắc, là cực kỳ cần thiết.
Đánh giá từ cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, 9 tháng đầu năm 2020, Hàn quốc vẫn là quốc gia có nhiều dự án đầu tư phát triển vào Việt Nam, đã có 23 dự án đăng ký đầu tư mới với số vốn 79,41 triệu đô la Mỹ. Lũy kế đến nay, Hàn quốc có 368 dự án đầu tư tại miền Trung – Tây Nguyên với tổng vốn đăng ký hơn 4,38 tỷ đô la Mỹ. Các doanh nghiệp Hàn quốc hoạt động trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp nặng, bất động sản, du lịch, dệt may, sản xuất gia công chế biến, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp…
“Từ thực sự tiềm năng đầu tư của cả hai bên, có thể thấy quan hệ kết nối các tỉnh thành miền Trung – Tây Nguyên với các doanh nghiệp Hàn quốc vẫn còn chưa tương xứng, đòi hỏi cần có những hoạt động đối thoại rõ ràng hơn, tìm hiểu đúng hơn các cơ chế, chính sách để cùng có tiếng nói chung, kết nối, thúc đẩy hiệu quả công tác đầu tư nước ngoài vào miền Trung – Tây Nguyên trong thời gian tới”. Ông Chung nhấn mạnh như vậy.
Ông Chung cũng vạch ra 4 vấn đề cần thiết với các doanh nghiệp Hàn quốc và các cơ quan quản lý, các tỉnh thành trong vấn đề kết nối và lắng nghe, đối thoại về môi trường xúc tiến đầu tư, qua đó sẽ giúp thực hiện cải thiện môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp khi dịch chuyển dòng đầu tư vào Việt Nam.
Thứ nhất, các địa phương cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu đưa chỉ số PCI và PAPI đứng trong top 15 của cả nước, với các chỉ số thành phấn được cải thiện thực chất hơn.
Thứ hai, các địa phương cần chủ động, tích cực phối hợp các bộ ngành tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về đầu tư cơ sở hạ tầng, quỹ đất sạch, nguồn nhân lực có chất lượng, dịch vụ hậu cần và hỗ trợ đồng bộ để đón các dòng vốn đầu tư nước ngoài chuyển dịch, trong đó có các doanh nghiệp Hàn quốc.
Thứ ba, các địa phương cần xây dựng tiêu chí cho các dự án đầu tư phù hợp với Nghị quyết 50 Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và thời gian tới.
Cuối cùng, cần có sự phối hợp chặt chẽ Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch Đầu tư với các doanh nghiệp, địa phương trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động và có trọng điểm, ưu tiên phát triển các dự án đầu tư có quy hoạch, phù hợp định hướng phát triển, tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương.