VNHN - Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho hay, UBND thành phố và tập đoàn Alstom của Pháp (nhà thầu sản xuất tàu cho tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội) đã ký biên bản ghi nhớ về hợp đồng hiện tại và ra mắt đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro này. Như dự kiến, tháng 6/2020, đoàn tàu đầu tiên sẽ rời Valenciennes (Pháp) để đến Hà Nội.
Ngày 26/10, đoàn công tác do ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư, dẫn đầu đã tham quan nhà máy lắp ráp xe lửa ở Valenciennes (Pháp). Đây là nơi đang lắp ráp đoàn tàu đầu tiên của dự án Metro Nhổn - Ga Hà Nội.
Ngày 26/10, nhân chuyến thăm và làm việc tại Cộng hoà Pháp của Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, UBND TP Hà Nội và Tập đoàn Alstom (Pháp) đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp đồng hiện tại của Alstom tại Hà Nội, cũng như ra mắt đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu bước tiến mới của dự án sau hơn 2 năm triển khai.
Tập đoàn Alstom thực hiện nhiều thử nghiệm để đảm bảo đoàn tàu đáp ứng được các tiêu chuẩn của Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng cho rằng, nếu như đoàn tàu của Pháp được chạy giữa Thủ đô Hà Nội thì đây chính là biểu tượng của sự hợp tác giữa Pháp và Việt nam. Như dự kiến, tháng 6/2020, đoàn tàu đầu tiên sẽ rời Valenciennes (Pháp) để đến Hà Nội. Trong những tháng cuối năm 2020, 3 đoàn tàu còn lại sẽ có mặt ở Việt nam để chuẩn bị đưa vào khai thác.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký biên bản ghi nhớ với đối tác Alstom.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, tuyến đường sắt số 3 này là tuyến đường Chính phủ giao cho thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư và đây là một công trình trọng điểm của Hà Nội. Qua đó tin tưởng khi đưa vào vận hành sớm, nó cũng sẽ giảm đi ùn tắc giao thông hướng đi từ Nhổn đến trung tâm. Đoàn tàu thí điểm cho đoạn Nhổn - Ga Hà Nội được sản xuất hoàn toàn bằng chất liệu nhôm trọng lượng nhẹ và chạy bằng điện.
Tàu được sơn ngoài màu quả thanh long, loại quả mang tính biểu tượng cao của Việt Nam.
Thiết kế nội ngoại thất của tàu được lấy mô típ và màu sắc mang nhiều dấu ấn thiên nhiên Việt Nam. Tàu cũng chú trọng đến việc dành chỗ cho người tàn tật khi tham gia giao thông bằng hệ thống cửa rộng và có chỗ cho xe lăn. Alstom cam kết sẽ giữ đúng tiến độ để kịp bàn giao cho Hà Nội nhằm giảm bớt quả tải giao thông của Thủ đô.
Khoang trong của tàu.
Thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, cho biết Hà Nội sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ của dự án. TP đã giao cho Công ty Đường sắt Hà Nội phối hợp với Alstom để tiến hành đào tạo ngay các công nhân của đoàn tàu, và thực hiện việc bảo dưỡng sau khi được bàn giao. Chủ tịch UBND TP Hà Nội bày tỏ mong muốn đến tháng 8/2020, 4 đoàn tàu đầu tiên sẽ được chuyển đến Hà Nội và sẽ được tích hợp các bộ phận để có thời gian chạy thử trong 2 tháng.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, với tiến độ của hợp đồng dự án đến nay và qua trực tiếp khảo sát và thấy đoàn tàu đầu tiên đã được lắp đặt, phía bạn, tập đoàn Alstom cũng đã cam kết giao đúng các đoàn tàu đúng thời hạn cho thành phố Hà Nội, đặc biệt hôm nay tiến độ này sẽ được đẩy nhanh hơn từ 4 đến 5 tháng thì hoàn toàn tin tưởng dự án này sẽ được hoàn thành đúng tiến độ.
Đoàn đại biểu Việt Nam thăm quan tàu cao tốc đầu tiên tại Pháp
Theo thiết kế, đoàn tàu chạy với tốc độ thương mại 35 km/h và tốc độ tối đa 80 km/h. Quãng đường từ Nhổn - Ga Hà Nội có chiều dài 12,5 km, bao gồm 8,5 km đường sắt trên cao và 4 km ngầm từ Kim Mã tới Ga Hà Nội. 12 nhà ga được xây dựng cách đều với 8 ga trên cao và 4 ga ngầm.
Đoạn đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội có độ dài 12,5 km, dự kiến sẽ có 12 nhà gà và có khả năng chuyên chở lên tới 23.900 hành khách mỗi hướng mỗi giờ. Theo thiết kế, mỗi đoàn tàu của tuyến metro số 3 Nhổn - Ga Hà Nội sẽ có 4 khoang, với tổng chiều dài 78,27m, có 94 ghế được phân chia ra các khu vực cho người tàn tật và có thể chở tổng cộng 944 hành khách mỗi chuyến.
Giám đốc dự án Alstom - bà Sylvia Sannelli đánh giá đây là thiết kế độc đáo, và dành riêng cho dự án tại Hà Nội. Đoàn tàu được thiết kế để chống lại điều kiện thời tiết thất thường, nhất là gió mùa. Tập đoàn Alstom đã tiến hành nhiều thử nghiệm để đảm bảo đoàn tàu đáp ứng được các tiêu chuẩn của Việt Nam. "Về thiết kế bên ngoài, chúng tôi ưu tiên chọn màu sắc của quả thanh long, vốn là loại quả mang tính biểu tượng cao của Việt Nam. Ngoài ra, thiết kế mặt trước của khoang tàu cũng rất hiện đại, đây là 1 trong các thiết kế hiện đại nhất mà Alstom từng làm”, bà Sylvia Sannelli nói.