17/01/2025 lúc 14:29 (GMT+7)
Breaking News

Đình Thạch Tân – Địa đạo Kỳ Anh: "Địa chỉ đỏ" để phát triển du lịch về nguồn   

VNHN - Đình Thạch Tân – Địa đạo Kỳ Anh thuộc xã Kỳ Anh, huyện Bắc Tam Kỳ nay là xã Tam Thăng, (thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Không chỉ là nơi thờ cúng các bậc Tiền hiền, Hậu hiền, các anh hùng liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, mà còn là nơi ghi dấu những chiến công hiển hách mà quân và dân các xã vùng Đông nói chung, xã Kỳ Anh nói riêng. Trong đó Địa đạo dài hơn 10 km cùng hàng trăm công sự và hầm hào được xuất phát ngay dưới nền của ngôi đình này là một minh chứng hùng hồn.

VNHN - Đình Thạch Tân – Địa đạo Kỳ Anh thuộc xã Kỳ Anh, huyện Bắc Tam Kỳ nay là xã Tam Thăng, (thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Không chỉ là nơi thờ cúng các bậc Tiền hiền, Hậu hiền, các anh hùng liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, mà còn là nơi ghi dấu những chiến công hiển hách mà quân và dân các xã vùng Đông nói chung, xã Kỳ Anh nói riêng. Trong đó Địa đạo dài hơn 10 km cùng hàng trăm công sự và hầm hào được xuất phát ngay dưới nền của ngôi đình này là một minh chứng hùng hồn, đây được xem là "Địa chỉ đỏ" để phát triển du lịch về nguồn .

 Cổng đình Thạch Tân, một chốt điểm quan trọng của Địa đạo Kỳ Anh - Di tích lịch sử quốc gia tại tp.Tam Kỳ, Quảng Nam. (Ảnh Nguyễn Điện Ngọc).

Hồn thiêng quê hương

Ông Lê Khắc Phiến – Nhân chứng lịch sử hiện đang ở tại thôn Thạch Tân, (xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ) cho biết, Đình Thạch Tân được hình thành vào đầu thế kỷ XVIII. Trải qua hơn 300 năm ngôi đình đã được tu sửa, thay hình đổi dạng từ tranh tre, cây lá đến ngói gỗ, gạch đá. Tuy đã nhiều lần di chuyển và bị chiến tranh tàn phá khốc liệt làm ngôi đình xuống cấp, thay đổi kết cấu. Các văn tự và các sắc phong bị thất lạc nhưng sau khi được Nhà nước quan tâm đầu tư trùng tu hiện nay ngôi đình giữ được vẻ uy nghiêm với các bức bình phong và những tấm phù điêu long, lân, quy, phụng được chạm trổ công phu. Nhân dân và bà con các Tộc họ làng Thạch Tân phấn khởi vui mừng đón nhận công trình lịch sử, văn hoá vô giá này như giữ được hồn thiêng của quê hương. Hiện nay, ngoài việc thờ cúng Tiền hiền, những bậc Tiền bối, Thuỷ tổ của các dòng Tộc, những người có công với dân, với nước, Đình Thạch Tân còn là nơi để cho các vị bô lão hội họp, luận bàn tìm cách làm hay, việc làm tốt góp phần tích cực vào việc an sinh xã hội. Hàng năm vào dịp lễ, tết những người con quê hương ở mọi miền đất nước tề tựu về đình không chỉ để thắp nén nhang tỏ lòng thành kính đối với những người đã có công khai cơ lập nghiệp làm nên một Thạch Tân ngày nay mà đây còn là dịp để con cháu ôn lại truyền thống cách mạng của quê hương.

 Phòng họp trong lòng địa đạo được phục dựng để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ. (Ảnh Nguyễn Điện Ngọc).

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngoài việc làm kho chứa lương thực, thuốc men, đạn dược, đình Thạch Tân còn làm chỗ nấu ăn phục vụ cán bộ, giáo viên và học viên trường Bổ túc văn hoá Công nông. Đồng thời làm chỗ trú quân an toàn cho Trung đoàn 108 chủ lực quân khu, Khu uỷ khu V trong chiến dịch hè 1952-1953. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây là địa điểm an toàn để hội họp, mittinh. Dưới nền đình là hầm cứu thương và kho chứa lương thực để chuyển qua Quốc lộ 1A tiếp tế cho các đội công tác và các đơn vị vũ trang. Địch nhận thấy đây là địa điểm quá lợi hại nên bọn chúng điên cuồng đánh phá, lấy xích sắt buộc vào chân cột dùng xe tăng kéo hòng làm sập đình song nhân dân vẫn kiên cường trụ bám chở che, gìn giữ đình làng trụ vững với thời gian. Mặc dù đã qua 45 năm kể từ ngày quê hương hoàn toàn giải phóng nhưng các chân cột của ngôi đình vẫn còn hằn sâu tội ác của quân thù. Ông Lê Khắc Phiến cho biết thêm.

Các em học sinh trên địa bàn thành phố Tam Kỳ thường xuyên về đình Thạch Tân để nghe các chứng nhân lịch sử kể về một thời gian lao mà anh dũng của quân và dân ta nhằm giáo dục cho các em hiểu về truyền thống cách mạng của quê hương. (Ảnh Nguyễn Điện Ngọc).

Tinh thần dân tộc

Lúc sinh thời Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Châu Thanh Truyền - Nguyên Huyện đội phó - Huyện Bắc Tam Kỳ kể: Trước sự đánh phá tàn bạo của địch và vì sự sống còn của phong trào Cách mạng ở địa phương. Không còn cách nào khác là phải quyết tâm làm địa đạo, mở ra con đường hầm trong lòng đất, để nhân dân trụ bám chống lại chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ. Đây là một chủ trương táo bạo của Đảng bộ và là đỉnh cao về tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm của nhân dân xã Kỳ Anh. Với tinh thần đó, tháng 2.1965 đồng chí Trần Tuân - Bí thư Chi bộ xã Kỳ Anh trực tiếp chỉ huy Trung đội du kích xã làm thí điểm 200m địa đạo ở thôn Tân Thái. Địa đạo được đào sâu dưới lòng đất, dọc theo các bụi tre và bố trí theo hình chữ Z, nhờ đó quân ta đã chặn đứng được một số trận càn của địch. Xét thấy, việc làm này có hiệu quả, Chi bộ xã Kỳ Anh tiếp tục triển khai đồng loạt trên toàn xã, trở thành cao trào làm địa đạo ở địa phương. Ngoài việc tự nguyện đóng góp tiền của, tiếp tế cơm nước nhiều người còn lo cảnh giới địch để bảo vệ an toàn thành quả. Cảm phục nhất là có nhiều cụ ông, cụ bà, tuổi cao sức yếu vẫn xung phong đi đào địa đạo thâu đêm, ban ngày ngồi cảnh giới bảo đảm an toàn tuyệt mật để cán bộ và du kích yên tâm nghỉ ngơi và hội họp trong lòng địa đạo. Bên cạnh đó còn có phong trào hủ gạo tiết kiệm và phong trào “Nồi cơm Cách mạng” dành cho du kích và bộ đội ăn để đánh giặc. Nhờ sự quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân, sau 2 năm phấn đấu cật lực, đến cuối tháng 10 năm 1966 địa đạo Kỳ Anh được xây dựng thành công. Với hơn 5 vạn ngày công đã làm nên một đường hầm dài 10 cây số và hàng trăm công sự, hầm hào khác đi qua 8 thôn trên địa bàn xã. Đây là một công trình vĩ đại trong lịch sử chiến đấu của huyện Bắc Tam Kỳ, giúp Đảng bộ và nhân dân xã Kỳ Anh có thêm niềm tin, sức mạnh mới để chiến đấu và chiến thắng quân thù.

Ông Nguyễn Thành Lợi - Nguyên Huyện đội trưởng, Huyện Bắc Tam Kỳ bồi hồi nhớ lại. Địa đạo Kỳ Anh được hình thành như một làng chiến đấu trong lòng đất, chia ra nhiều đoạn, bao bọc xung quanh các xóm dân cư, dọc theo bờ tre, mương nước để tạo nên các lối vào, lối ra thuận tiện và bí mật. Riêng bên trong địa đạo, nơi nào cũng có chỗ chứa lương thực, thực phẩm, súng đạn, điều trị thương bệnh binh và nuôi giấu cán bộ, bộ đội đi chiến đấu hoặc những lúc hành quân qua đường mỗi khi bị địch đánh phá. Đặc biệt, dưới nền đình Thạch Tân còn là nơi tiếp nhận và chuyển phát thông tin từ các nơi báo về một cách an toàn và tuyệt mật. Từ ngày địa đạo Kỳ Anh được xây dựng trở thành vành đai kiên cố và là tuyến quân sự nối dài từ vùng Đông Tam Kỳ đến vùng Đông Thăng Bình, tạo thành bàn đạp để quân ta tiến công vào Tỉnh đường Quảng Tín. Đồng thời làm tê liệt các trận phản kích của địch ở vùng giải phóng và làm hậu thuẩn cho các cuộc đấu tranh chính trị với hàng chục ngàn người tập kết tại đây để tiến vào thị xã tấn công địch. Riêng đối với vùng Đông Tam Kỳ, địa đạo Kỳ Anh đã hỗ trợ trực tiếp cán bộ, du kích và nhân dân trụ bám đánh giặc. Đặc biệt, hỗ trợ các đội vũ trang công tác nội ô thị xã Tam Kỳ đưa các hoạt động của ta vào sâu trong nội thị. Bảo vệ an toàn tuyệt mật con đường giao liên độc nhất của ta nối liền từ vùng Đông Thăng Bình đến vùng Đông Tam Kỳ qua đường Quốc lộ IA về phía Tây. Dựa vào lợi thế đó các đơn vị vũ trang thường xuyên đứng chân ở đây mở ra nhiều trận đánh lớn trên mảnh đất Kỳ Anh, Kỳ Phú, tiêu diệt nhiều sinh lực địch và phương tiện chiến tranh hiện đại của bọn chúng góp phần cùng đồng bào cả nước làm nên đại thắng mùa xuân lịch sử năm 1975.

 Với thành tích đạt được, địa đạo Kỳ Anh đã được Bộ VH-TT nay là Bộ VH-TT&DL công nhận di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia vào tháng 5.1997. Đình Thạch Tân trở thành địa chỉ đỏ, được nhiều người biết đến, qua những lần tham quan hoặc qua những câu chuyện kể như huyền thoại. Để có được niềm vinh dự đó, ngoài việc ngưỡng vọng các bậc Tiền nhân, các vị Tiền hiền của 11 Tộc họ mà cán bộ, nhân dân và các thế hệ người Thạch Tân còn ghi lòng tạc dạ công ơn của hơn 20 Bà mẹ VNAH, gần 230 liệt sĩ cùng hàng trăm đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân./.

Hàng năm vào dịp lễ, tết những người con quê hương ở mọi miền đất nước, những em học sinh tựu về đình để thắp nén nhang tỏ lòng thành kính các thế hệ cha anh. (Ảnh Nguyễn Điện Ngọc).

Xem các hiện vật được trưng bày tại nhà truyền thống ở địa đạo Kỳ Anh. (Ảnh Nguyễn Điện Ngọc).

 

 

 Các em học sinh đi vào trong lòng Địa đạo Kỳ Anh. (Ảnh Nguyễn Điện Ngọc).