VNHN - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang dự thảo Thông tư hướng dẫn điều chỉnh tên nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ghi chưa đúng trong sổ bảo hiểm xã hội của người lao động.
Dự thảo nêu rõ nguyên tắc điều chỉnh tên nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ghi chưa đúng trong sổ bảo hiểm xã hội như sau: Chỉ thực hiện đối với người lao động thực tế làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nhưng tên nghề, công việc ghi trong sổ bảo hiểm xã hội của họ ghi chưa đúng tên nghề, công việc mà họ làm.
Ảnh minh họa
Việc xác định nghề, công việc ghi trong sổ bảo hiểm xã hội là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm căn cứ vào các nội dung sau: Đặc điểm về điều kiện lao động của nghề, công việc; các chế độ, chính sách đối với người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được áp dụng cho người lao động trong thời gian làm các nghề, công việc ghi trong sổ bảo hiểm xã hội (chẳng hạn như tiền lương, bồi dưỡng bằng hiện vật, nghỉ hằng năm, nghỉ ốm đau, nghỉ thai sản…).
Theo dự thảo, người sử dụng lao động có trách nhiệm đề nghị điều chỉnh thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 98 của Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, khi phát hiện sự việc hoặc khi có đề nghị của người lao động (bao gồm cả người đang làm việc, đã nghỉ việc hoặc chuyển nơi làm việc khác) về việc trong sổ bảo hiểm xã hội ghi chưa đúng tên nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Khi cơ quan bảo hiểm xã hội từ chối điều chỉnh, nếu người sử dụng lao động có các căn cứ xác định nghề, công việc ghi trong sổ bảo hiểm xã hội là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì gửi văn bản đề nghị công nhận là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm về bộ chủ quản hoặc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực tiếp quản lý, để các cơ quan trên kiểm tra, rà soát, thống nhất các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong ngành, lĩnh vực quản lý, có ý kiến đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết.
Trường hợp người sử dụng lao động không có bộ chủ quản hoặc không thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thì gửi văn bản đề nghị về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Trong văn bản đề nghị công nhận làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định tại những điều nêu trên phải nêu lý do ghi trong sổ bảo hiểm xã hội chưa đúng với tên nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành; đồng thời gửi kèm theo các tài liệu để chứng minh có căn cứ xác định nghề, công việc ghi trong sổ bảo hiểm xã hội là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, bao gồm:
1. Bảng tổng hợp nghề, công việc đã ghi trong sổ bảo hiểm xã hội và tên nghề, công việc nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tương ứng; kèm theo mô tả đặc điểm điều kiện lao động của từng nghề, công việc;
2. Bảng tổng hợp những người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm bị ghi chưa đúng tên nghề, công việc trong sổ bảo hiểm xã hội; kèm theo các chế độ, chính sách được áp dụng cho người lao động và các tài liệu khác liên quan (nếu có) để chứng minh là người lao động thực tế có làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
3. Đơn của người lao động có chữ ký của người lao động, đóng dấu xác nhận của người sử dụng lao động và ban chấp hành công đoàn cơ sở./.