17/11/2024 lúc 22:29 (GMT+7)
Breaking News

Diễn đàn khoa học 'Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết Số 39-NQ/TW'

VNHN - Sáng 15/11/2018, LHH Việt Nam tổ chức Diễn đàn khoa học "Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết Số 39-NQ/TW". TS Phạm Văn Tân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam và ông Thang Văn Phúc đồng chủ trì Hội nghị.

VNHN - Sáng 15/11/2018, LHH Việt Nam tổ chức Diễn đàn khoa học "Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết Số 39-NQ/TW". TS Phạm Văn Tân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam và ông Thang Văn Phúc đồng chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, TS. Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch LHH Việt Nam nhận định, suốt 30 năm thực hiện đổi mới, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ổn định, có phẩm chất đạo đức, có năng lực thực thi công vụ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

TS Phạm Văn Tân phát biểu khai mạc Diễn đàn

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc quản lý biên chế chưa thực sự gắn với chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc, phạm vi phục vụ. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lặp...

Đặc biệt, hiện nay còn một số bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao, yếu kém về phẩm chất, đạo đức. Điều này làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ, giảm niềm tin cho người dân và doanh nghiệp… Theo TS Phạm Văn Tân, trên cơ sở Nghị quyết 39, cần đánh giá, rà soát lại các nguyên nhân khiến các mục tiêu này chưa đạt được, góp phần đưa Nghị quyết 39 vào cuộc sống.

Tại Diễn đàn đã có rất nhiều ý kiến phát biểu, trong đó tập trung nêu lên thực trạng của quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 39, những khó khăn, trở ngại, những nguyên nhân khiến NQ 39 chưa đạt được kết quả và mục tiêu đề ra; cũng như những giải pháp cần thực hiện để đưa NQ vào cuộc sống…

Ông Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho rằng, tinh giản biên chế và cơ cấu đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. "Nạn" tham nhũng là điều khiến nhiệm vụ này khó thực hiện. Lâu nay vẫn tồn tại tư tưởng "một người làm quan cả họ được nhờ". Khi làm lãnh đạo, cấp dưới đều là người nhà, người thân, quen nên không biết tinh giản người nào. Bên cạnh đó, nạn tham nhũng tiếp tục "làm khó" mục tiêu tinh giản biên chế dù lãnh đạo cơ quan được trao quyền hạn. "Có trường hợp người bị tinh giản biên chế liền quay sang làm đơn tố cáo đối với Thủ trưởng đơn vị đó, gây khó khăn cho công việc chung…  

Theo PGS.TS. Đặng Ngọc Dinh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, nguyên nhân chính khiến mục tiêu tinh giản biên chế chưa đạt được là cách thức quản trị lạc hậu, vẫn thực hiện cơ chế xin- cho, cơ chế xét tuyển công chức không thay đổi về bản chất khiến chất lượng đội ngũ cán bộ không cao. Mặt khác, hiện vẫn còn tồn tại quan điểm lạc hậu ở nước ta: được làm cán bộ, lãnh đạo không phải là mong muốn hoạt động chính trị của một người mà là mong muốn kiếm tiền, mong muốn quyền lực để đưa nhiều người ở gia đình, dòng tộc hưởng lương Nhà nước.

Điều này dẫn tới việc tinh giản biên chế trở nên khó khăn bởi không biết cắt giảm ai, cho ai về hưu sớm, chuyển người này đi đâu, giữ ai ở lại... Thay đổi hoàn toàn quan điểm quản trị, đổi mới thực chất việc xét tuyển cán bộ sẽ góp phần thay đổi quá trình thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 39.

TS. Lê Minh Tâm - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, tinh giản biên chế phải thật cẩn thận nếu không sẽ khiến chảy máu chất xám. Đội ngũ cán bộ ở lại chỉ toàn người thân quen, hoặc người chấp nhận mức lương cơ bản và ổn định lâu dài mà khả năng làm việc lại hạn chế.

TS. Thang Văn Phúc - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, cuộc cải cách về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là cuộc cải cách mang tính hệ thống, phụ thuộc mạnh mẽ vào ý chí của người đứng đầu. Ý chí của Đảng phải được cụ thể hóa bằng thể chế chính sách. Ông Phúc cũng cho rằng, qua 3 năm, cần phải có đánh giá, rà soát với các Nghị quyết để nhìn thấy rõ vướng mắc, thách thức để sửa đổi nhanh chóng, phù hợp, đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Ông Thang Văn Phúc phát biểu về việc thực hiện NQ 39 

Tham dự Diễn đàn, ông Đặng Đình Chấn - Ủy viên Hội đồng Quản lý, Chánh Văn phòng Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý cho rằng, vấn đề tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Trung ương là yêu cầu cần thiết hiện nay. Nhưng sau mấy năm triển khai thực hiện Nghị quyết, các số liệu thống kê cho thấy, không những chưa giảm được biên chế mà nhìn tổng thể, còn có xu hương tăng thêm…

Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng đó xuất phát từ chính các cơ quan quản lý cao nhất về vấn đề này, cụ thể là Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ. Một mặt, việc thực hiện NQ 39 phải được triển khai hiệu quả ngay tại Văn phòng  các cơ quan Trung ương (như một sự gương mẫu);

Mặt khác, phải xây dựng cho được một hệ thống “Ba rem” tương đối cụ thể, thống nhất và khoa học về cơ cấu đội ngũ cán bộ, về hệ thống các cơ quan, đơn vị đối với các Bộ, Ngành (Cục, vụ, viện, phòng, ban…) và đối với các tỉnh, thành phố (các sở, phòng, ban… ) theo tinh thần NQ 39 và kiên quyết chỉ đạo theo hướng đó. Nếu còn để các địa phương, các ngành tự vận dụng và xây dựng phương án về tinh giản biên chế và cơ cấu tổ chức mỗi nơi một khác (rồi đề nghị lên trên) như hiện nay thì NQ 39 sẽ khó được thực hiện đúng với yêu cầu và mục tiêu đề ra…

Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam sẽ tổng hợp đầy đủ nhưng ý kiến đóng góp để Báo cáo Trung ương trong thời gian tới./.