07/01/2025 lúc 21:14 (GMT+7)
Breaking News

Điện Biên cần phát triển du lịch văn hóa-lịch sử

VNHNO - Tỉnh Điện Biên cần phát huy các tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh như phát triển du lịch văn hóa - lịch sử, chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; tăng cường quản lý, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực văn hóa, thông tin...

VNHNO - Tỉnh Điện Biên cần phát huy các tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh như phát triển du lịch văn hóa - lịch sử, chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; tăng cường quản lý, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực văn hóa, thông tin...

Đó là chỉ đạo trong thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên.

Thông báo kết luận nêu rõ, đến 30/6/2018, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Điện Biên (GRDP) tăng 6,28%, thu ngân sách đạt 53,1% kế hoạch; đã giải ngân được 894 tỷ 272 triệu đồng, đạt 41,4% kế hoạch vốn giao, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện từng vùng, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hình thành và tạo liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng; chỉ số cải cách hành chính của tỉnh đạt 24/63 tỉnh, thành phố (năm 2016 là 42/63); đã triển khai có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, nâng tổng số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới lên 16 xã; thực hiện tốt các chính sách với người có công, người nghèo.

Điện Biên cần phát triển du lịch văn hóa-lịch sử

Các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, lao động việc làm tiếp tục được quan tâm và có nhiều tiến bộ, cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư, mở rộng; mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và tăng cường; công tác phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; chủ quyền biên giới Quốc gia được giữ vững.

Tuy nhiên, Điện Biên còn rất nhiều khó khăn tỷ lệ hộ nghèo cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém và chưa đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn; quy mô các doanh nghiệp của Tỉnh nhỏ, sức cạnh tranh thấp; các sản phẩm dịch vụ du lịch trên địa bàn còn hạn chế...

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Điện Biên tiếp tục triển khai, thực hiện tốt Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,7% của năm 2018. Đồng thời rà soát kỹ khả năng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018, tạo đà phát triển cho các năm tiếp theo.

Đồng thời tập trung phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp theo quy hoạch, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa để thúc đẩy phát triển một số ngành nghề sản xuất, mặt hàng thủ công, mỹ nghệ có lợi thế về nguyên liệu.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hình thức liên kết hợp tác, nhất là trong nông nghiệp, nông thôn gắn với hợp tác xã và doanh nghiệp, thúc đẩy tạo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản mà nòng cốt là hợp tác xã và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của Tỉnh giai đoạn đến năm 2020 theo hướng thực chất, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó, tập trung ưu tiên xây dựng nông thôn mới cho vùng khó khăn bằng đầu tư cơ sở hạ tầng hợp lý, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế, văn hóa, phong tục của người dân trên địa bàn. Khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, sản xuất các sản phẩm theo Chương trình OCOP.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Điện Biên phát huy các tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh như phát triển du lịch văn hóa - lịch sử, chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; tăng cường quản lý, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực văn hóa, thông tin; tăng cường quảng bá, xúc tiến, phát triển các loại hình du lịch, hình thành các khu, tuyến, điểm du lịch và có kết nối các tuyến du lịch của địa phương khác.

Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển y tế, giáo dục, nâng cao chỉ số giáo dục ở tất cả các cấp học, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp tục có các giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.