20/01/2025 lúc 00:01 (GMT+7)
Breaking News

Điện Biên: Tham gia ý kiến về chính sách bảo hiểm xã hội

Chiều ngày 27/10, trong phiên thảo luận trực tuyến tại chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đã tham gia đóng góp ý kiến về chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2020.

Chiều ngày 27/10, trong phiên thảo luận trực tuyến tại chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đã tham gia đóng góp ý kiến về chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2020.

Tại điểm cầu tỉnh Điện Biên, đại biểu Lò Thị Luyến - Phó trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH đã nêu rõ những kết quả trong công tác thực hiện chính sách, chế độ BHXH những năm qua. Cụ thể, số người tham gia BHXH tự nguyện và bắt buộc trên địa bàn tỉnh đều có xu hướng gia tăng; số người tham gia BHXH tự nguyện đã đạt 2,33%, cao hơn 2 lần so với năm 2019 (so với lực lượng lao động cùng độ tuổi); hoạt động tuyên truyền, phổ biến luật về BHXH cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đại biểu Lò Thị Luyến tham gia phát biểu ý kiến tại chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV - Nguồn ảnh: baodienbienphu.info.vn

Bên cạnh những thành tựu đáng chú ý trong việc thực hiện chính sách BHXH xã hội tự nguyện thì vẫn tồn tại nhiều hạn chế sau: So với kỳ vọng thì kết quả đạt được còn chưa đủ để đáp ứng, mức thu nhập bình quân thấp nên việc lựa chọn để tính đóng bảo hiểm giảm (giảm xuống 19,28% so với năm 2019); nhận thức về BHXH của người lao động còn chưa cao. Do đó, để khắc phục, chính phủ và chính quyền địa phương cần phân tích, tìm hiểu lý do tại sao người lao động chưa nhận thức được vai trò và ý nghĩa của việc tham gia BHXH tự nguyện. Thậm chí, dù chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn (Nhà nước hỗ trợ tiền bảo hiểm: Hộ nghèo nhận được 30%, hộ cận nghèo được 25%; đối tượng khác 10%) nhưng đại đa số đều không biết tới hoặc không hiểu, không nắm rõ được quyền lợi và cách thức sử dụng bảo hiểm. Mặt khác, công tác triển khai tuyên truyền diễn ra còn chưa sâu rộng và triệt để, phần lớn chỉ tập trung vào đối tượng lao động và người sử dụng lao động trong khu vực doanh nghiệp, còn ở khu vực khác thì chưa thực sự chú ý, quan tâm nên số lượng người dân tham gia đóng BHXH tự nguyện còn thấp.

Để sớm giải quyết được những vấn đề hạn chế và tiếp tục duy trì, phát huy các kết quả đã đạt được, đại biểu Lò Thị Luyến đã nêu ra ý kiến đóng góp như sau: Cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tăng cường nâng cao nhận thức của người dân về những chính sách ưu việt của BHXH. Giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị cần có sự liên kết, phối hợp với mạng lưới cộng tác viên để đưa BHXH đến tận từng thôn, phố, bản vùng sâu, vùng xa của địa phương. Chính phủ cần nghiên cứu và điều chỉnh các chính sách BHXH tự nguyện theo hướng thiết kế để bổ sung thêm nhiều chế độ phù hợp cho nhân dân. Ngoài ra, để thu hút thêm đối tượng tham gia đóng BHXH, Nhà nước cần xem xét nâng mức đóng hỗ trợ BHXH với các đối tượng khác lên 20% (trước đó là 10%)./.