23/11/2024 lúc 10:58 (GMT+7)
Breaking News

Điện Biên: Huyện Mường Ảng không ngừng nỗ lực phát triển KTXH, xây dựng quê hương ngày một mạnh giàu

Được thành lập từ năm 2007 trên cơ sở chia tách từ huyện Tuần Giáo, đến nay đã 16 năm huyện Mường Ảng vượt qua khó khăn, thách thức vươn lên xây dựng và phát triển, đã đạt được những thành tựu đáng tự hào về kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, nâng cao đời sống nhân dân…

Thành quả từ sự vượt khó

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong điều kiện của một huyện miền núi vốn có xuất phát điểm thấp về kinh tế, nhưng dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy, sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao của các phòng, ban chuyên môn, sự chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương, trong thời gian qua, huyện Mường Ảng đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào phát triển sản xuất nông nghiệp, chú trọng phát triển cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả…nên kinh tế, xã hội của Mường Ảng đã có sự phát triển khá nhanh và đồng đều trên các lĩnh vực.

Gian hàng giới thiệu các sản phẩm cà phê Mường Ảng tại Hội thảo phát triển cà Việt Nam phê chất lượng cao và Hội chợ triển lãm chuyên nghành cà phê 2023 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk

Trong quá trình đó, với mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế, huyện Mường Ảng đã tập trung chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tác phong làm việc. Điểm Chỉ số cải cách hành chính (Par index) năm 2022 của huyện đạt 83,672/98 điểm, xếp thứ 3/10 huyện, thị trực thuộc tỉnh, tăng 06 bậc so với năm 2021. Kết quả đó là minh chứng cho những nỗ lực rất lớn Đảng bộ, Chính quyền và hệ thống chính trị huyện Mường Ảng.

Trong thời gian tới, huyện Mường Ảng tiếp tục tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ rà soát, triển khai lập, điều chỉnh nhiều đồ án, phương án quy hoạch trên địa bàn đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, có tầm nhìn, làm cơ sở cho việc xây dựng chủ trương và thu hút đầu tư các dự án trên địa bàn. Đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các dự án trọng điểm; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của huyện. Tăng cường kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư theo Kế hoạch hành động của huyện, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư khảo sát địa hình, đánh giá khí hậu, địa chất, thị trường và các thủ tục đầu tư các dự án trên địa bàn huyện.

Kết quả của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong thời gian qua huyện Mường Ảng đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, vận động chủ thể và người dân tích cực tham gia các sản phẩm OCOP, đi đôi với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm đối với sản phẩm OCOP nhằm đảm bảo tăng năng suất, tăng diện tích và chất lượng theo đúng tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP; từng bước phát triển các sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh trên thị trường nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân.

Cà phê  Arabica- sản phẩm OCop 3 sao của công ty TNHH Hải An

Huyện đã Hỗ trợ các tổ chức kinh tế phát triển sản phẩm OCOP hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm đã có với các nội dung cụ thể như: hoàn thiện công bố tiêu chuẩn chất lượng; xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu; cải tiến mẫu mã, bao bì, máy móc, trang thiết bị, hỗ trợ tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, câu chuyện sản phẩm. Phát triển ý tưởng sản phẩm mới, đánh giá thị trường, nghiên cứu phát triển tạo sản phẩm mẫu, thiết kế bao bì nhãn mác, sản xuất thử nghiệm, thử nghiệm và xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm (nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm), công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đánh giá hoạt động phân phối của sản phẩm trên thị trường, hoàn thiện sản phẩm và sản xuất đại trà. Hỗ trợ các nội dung theo quy định của Bộ Tài chính và chính sách của tỉnh đối với chủ thể tham gia Chương trình có sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh; Tư vấn về thiết kế, phát triển mẫu mã bao bì cho 04 sản phẩm đăng ký đạt sản phẩm OCOP năm 2023; Tư vấn về các quy định, tiêu chuẩn về xuất khẩu; Tư vấn về phát triển mẫu mã bao bì…

Để chương trình đi vào chiều sâu, Huyện đã phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới của tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách lĩnh vực OCOP, các ban, đoàn thể xã, các chủ thể có sản phẩm tiềm năng. Đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phát triển các sản phẩm OCOP thông qua việc tuyên truyền trong các Hội, Hội viên, trong thực hiện nhiệm vụ; định hướng, hướng dẫn phát triển các ý tưởng, các sản phẩm tiềm năng. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm được tỉnh công nhận đạt từ 3 - 4 sao; Tham gia các Hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, lắp đặt các pano, biển hiệu quảng bá các sản phẩm, hiện đang triển khai xây dựng 1 gian hàng trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP của huyện.

Nhờ những nỗ lực thực hiện chương trình, trong giai đoạn 2019-2022 trên địa bàn huyện Mường Ảng đã có 07 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh chứng nhận; cụ thể: Năm 2019 có 03 sản phẩm cà phê Hải An đã được xếp hạng năm 2019 (Sản phẩm xếp hạng 3 sao: Cà phê túi nhúng SMILE SINGLE BAR COFFEE; Cà phê đen phin giấy MOM BLACK COFFEE DRIP BAG; Cà phê pha phin Arabica Mường Ảng - Điện Biên); năm 2022 có 04 sản phẩm OCOP (2 Sản phẩm xếp hạng 4 sao: Cà phê bột Hà Chung (bột pha phin); Trà San tuyết P.H 14.; 02 sản phẩm xếp hạng 3 sao gồm: Bưởi da xanh Mường Ảng; Thịt Trâu gác bếp Chung Phước). Đặc biệt, năm 2023 trên địa bàn huyện đã phát triển thêm 05 sản phẩm OCOP gồm: Cà phê Minh Duy với mục tiêu đạt OCOP 3 sao; Cà phê hòa tan Hải An vố mục tiêu đạt OCOP 3 sao; Cà phê chế biến tự nhiên Chị Em với mục tiêu đạt OCOP 3 sao; Rượu nếp lọc Thành Thủy với mục tiêu đạt OCOP 3 sao; và Trà xanh hữu cơ Phan Nhất với mục tiêu đạt OCOP 4 sao.

Để phát triển sản phẩm OCOP bền vững, trong thời gian tới huyện Mường Ảng tiếp tục hỗ trợ chủ thể xây dựng phát triển sản phẩm và đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP đạt xếp hạng sản phẩm 3 sao; tập trung vào các sản phẩm về thực phẩm như: Cà phê, tinh dầu sả, thịt sấy, thịt vịt, rượu,…; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để gia hạn cho các sản phẩm đã hết kỳ hạn. Tổ chức các hoạt động quảng bá, tiếp thị cho các sản phẩm OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng từ huyện đến cấp xã, ưu tiên hỗ trợ, cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, định hướng áp dụng công nghệ 4.0 trong quảng bá và tiếp thị. Lồng ghép giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong các hội chợ thương mại tổ chức trên địa bàn huyện. Tổ chức các hội chợ liên xã, cấp huyện, vào các dịp lễ hội trên địa bàn huyện. Các xã, thị trấn lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng lợi thế để tập trung chỉ đạo phát triển và hoàn thiện sản phẩm. Tổ chức Hội nghị đánh giá, xếp hạng và công nhận, đề nghị công nhận các sản phẩm đạt sao (từ 3 sao trở lên).

Ngọc Linh