VNHN - Năm 2019 Việt Nam đã đón nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới tới thăm và với nhiều vị lãnh đạo, đây là lần đầu tiên thăm chính thức Việt Nam.
2019 tiếp tục là một năm thành công với ngành Ngoại giao Việt Nam trên các mặt hoạt động, nổi bật là hoạt động đón tiếp đoàn cấp cao các nước tới thăm song phương. Dưới đây là những nhà lãnh đạo thế giới tới Việt Nam trong năm 2019 này.
Ảnh: TG&VN
Tổng thống Argentina Mauricio Macri
Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống nước Cộng hòa Argentina Mauricio Macri và Phu nhân đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 19-21/2.
Đây là chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của ông Mauricio Macri trên cương vị là Tổng thống Argentina. Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, đặc biệt khi Việt Nam và Argentina vừa kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2018.
Trong chuyến thăm, hai bên nhất trí làm sâu sắc mối quan hệ Đối tác toàn diện vốn có, với tầm nhìn hướng tới thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Chuyến thăm cũng là bằng chứng sinh động về tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Argentina đối với châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng, nhất là sau khi Argentina vừa ký Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) với ASEAN đầu tháng 8/2018.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Từ 27-28/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai, tổ chức tại Hà Nội. Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hội đàm, chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa hai nước.
Tổng thống Donald Trump cảm ơn và đánh giá cao Việt Nam đã hỗ trợ rất chu đáo cho Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên mặc dù thời gian gấp rút. Ông Donald Trump cho rằng, việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, bởi Việt Nam là một minh chứng tốt đẹp về những thành tựu có thể đạt được nếu có tư duy đúng.
Ông Trump nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện phát triển thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới. Đây là lần thứ hai Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Việt Nam, kể từ sau lần đầu đến Việt Nam dự Hội nghị APEC và thăm chính thức Việt Nam năm 2017. Khi đó, Việt Nam là quốc gia châu Á đầu tiên mà Tổng thống Donld Trump thăm chính thức sau khi nhậm chức Tổng thống vào năm 2016.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un
Từ ngày 1-2/3, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã thăm hữu nghị chính thức Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Chuyến thăm của Chủ tịch Kim Jong-un đánh dấu lần thứ hai lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên thăm chính thức Việt Nam. Trước đó, ông nội của nhà lãnh đạo, cố lãnh tụ Kim Nhật Thành, từng thăm chính thức Việt Nam vào năm 1958, cũng như có một chuyến thăm không chính thức năm 1964.
Đây được coi là dấu mốc mới, rất quan trọng trong lịch sử quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, đồng thời là dịp tốt để lãnh đạo hai nước thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, trao đổi sâu về việc củng cố, phát triển quan hệ song phương cũng như về những vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah
Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 26-28/3. Trong chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo nhất trí nâng quan hệ lên Đối tác Toàn diện.
Đây là chuyến thăm chính thức lần thứ hai sau hơn 20 năm của Quốc vương Brunei. Chuyến thăm nhằm thắt chặt quan hệ hữu nghị, thúc đẩy hợp tác cả song phương và đa phương, hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1992 - 2022).
Trong chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tăng cường hợp tác, tiếp tục tạo thuận lợi cấp phép cho lao động Việt Nam sang làm việc tại Brunei Darussalam và ngược lại, trên cơ sở quy định, chính sách của mỗi nước. Đồng thời, hai bên xem xét kéo dài thời hạn miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông từ 14 ngày lên 30 ngày và cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ từ 14 ngày lên 90 ngày.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ngày 9/4, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của Thủ tướng Mark Rutte (lần đầu tiên vào năm 2014). Đây cũng là chuyến thăm châu Á lần thứ ba của Thủ tướng Mark Rutte kể từ khi nhậm chức Thủ tướng nhiệm kỳ 3 (tháng 10/2017), sau chuyến thăm Trung Quốc và Ấn Độ (năm 2018).
Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Mark Rutte tuy chỉ vỏn vẹn 12 tiếng nhưng có lịch trình dày đặc. Trong cuộc hội đàm, hai Thủ tướng đánh giá quan hệ hai nước còn rất nhiều tiềm năng để phát triển sâu rộng hơn nữa và khẳng định hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hà Lan lên Đối tác toàn diện.
Theo trang web Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, lịch trình ban đầu của Thủ tướng Mark Rutte là từ ngày 9-11/4 ở cả Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An và TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ngày 10/4, Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) phải họp Hội nghị Thượng đỉnh gấp để bàn về vấn đề Brexit do có diễn biến mới, vì vậy, Thủ tướng Mark Rutte buộc phải rút ngắn thời gian chuyến thăm để tham dự Hội nghị.
Tuy vậy, Thủ tướng Mark Rutte vẫn giữ kế hoạch thăm Việt Nam và gói gọn các hoạt động chính trong ngày 9/4 và các chương trình còn lại ủy quyền cho Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Cora van Nieuwenhuizen tham dự. 23h30 cùng ngày, Thủ tướng Mark Rutte đã rời Việt Nam. Cán bộ trong đoàn bạn cũng bật mí rằng, vì lịch trình dày đặc, Thủ tướng không hề lên phòng nghỉ tại khách sạn, đồ đạc vẫn để nguyên trên xe ô tô và lại trở ra sân bay luôn.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte
Thủ tướng Cộng hòa Italy Giuseppe Conte thăm chính thức Việt Nam từ ngày 5-6/6, theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Giuseppe Conte giúp thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Italy trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, năng lượng, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, du lịch; thúc đẩy phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, trao đổi các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Việt Nam và Italy chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/3/1973. Italy là nước Tây Âu đầu tiên tích cực ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và EU, trên các diễn đàn quốc tế lớn cũng như việc bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và các tổ chức tài chính, thương mại, tiền tệ quốc tế đầu những năm 90 của thế kỷ XX.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Phu nhân đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 4-7/7, theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Trong các cuộc tiếp xúc, hai bên khẳng định chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Nikol Pashinyan sẽ tạo bước ngoặt về chất trong quan hệ song phương, góp phần tăng cường hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Chuyến thăm cũng góp phần tiếp tục tăng cường trao đổi hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có tiềm năng như thương mại, đầu tư, giáo dục, đào tạo, văn hóa, du lịch; trao đổi một số vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Armenia tốt đẹp. Hai nước luôn phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế. Việt Nam và Armenia có cơ chế Ủy ban Liên chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật, đã họp khóa đầu tiên vào tháng 3/2017, tại Hà Nội.
Thủ tướng Australia Scott Morrison
Từ 22-24/8, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Phu nhân đã thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Đây là chuyến thăm riêng đầu tiên của một Thủ tướng Australia đến Việt Nam kể từ năm 1994 (các chuyến thăm khác thường tới một nhóm nước hoặc dự hội nghị quốc tế).
Chuyến thăm diễn ra sau hơn một năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, nhân chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 3/2018.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 của Quân đội nhân dân Việt Nam tại Học viện Quân y, có trụ sở tại Hà Nội. Tại đây, hai Thủ tướng nhấn mạnh, 21 năm qua, Australia và Việt Nam đã thiết lập, thúc đẩy hợp tác quốc phòng ngày càng bền chặt.
Trước chuyến thăm, Thủ tướng Morrison từng nhấn mạnh rằng, "Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công về kinh tế của khu vực trong thập kỷ qua, phản ánh những bước đi quan trọng cần có để tự do hóa nền kinh tế". Nhà lãnh đạo Australia nói thêm rằng mối quan hệ giữa 2 quốc gia đang mạnh mẽ chừa từng thấy.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad thăm Việt Nam từ ngày 26-28/8 theo lời mời của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Mahathir Mohamad kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 5/2018. Ông từng là Thủ tướng Malaysia giai đoạn 1981-2003.
Theo New Straits Times, chuyến thăm Việt Nam của vị Thủ tướng 94 tuổi nhằm tăng cường quan hệ song phương, mở ra các cơ hội để nâng kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2020.
Việt Nam và Malaysia thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, nâng cấp thành Đối tác chiến lược năm 2015. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước có nhiều tiến triển thuận lợi; quan hệ chính trị ngày càng gần gũi, tin cậy, hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực song phương và đa phương. Thủ tướng Mahathir Mohamad khẳng định, Malaysia ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021.
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith
Nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Lào thăm chính thức Việt Nam từ ngày 1-3/10.
Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba và chuyến thăm chính thức Việt Nam lần thứ hai của ông Thongloun Sisoulith từ khi nhậm chức Thủ tướng Lào năm 2016. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào đang phát triển mạnh mẽ.
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Thongloun Sisoulith cùng đoàn đại biểu cấp cao đã tham quan, tìm hiểu một số mô hình phát triển kinh tế tại Đà Nẵng. Tại khu sản xuất rau sạch công nghệ cao Afarm (xã Hoà Phú, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), đoàn đã tham quan các mô hình trồng rau, trái cây ứng dụng công nghệ hiện đại, hệ thống tưới nước tự động điều khiển bằng phần mềm điện thoại di động. Thủ tướng Thongloun Sisoul đánh giá đây là một mô hình nông nghiệp tốt, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần được đẩy mạnh triển khai tại Lào.
Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen
Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen đã thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 4-5/10. Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Hun Sen diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước không ngừng phát triển, kim ngạch thương mại năm nay dự kiến vượt 5 tỷ USD.
Quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Campuchia không ngừng được vun đắp, phát triển kể từ khi chính thức được thiết lập cách đây hơn 50 năm. Hai nước đang đẩy mạnh quan hệ theo phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài".
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Hun Sen và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia từ năm 2006 đến nay và Lễ ký hai văn kiện pháp lý về biên giới, bao gồm: Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia và Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới đất liền giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia./.