11/01/2025 lúc 03:12 (GMT+7)
Breaking News

Dịch nCoV: Chủ động chuyển hướng xuất khẩu nông sản

VNHN - Xuất khẩu nông sản theo đường biên mậu với Trung Quốc đang bị gián đoạn bởi tác động từ dịch viêm phổi cấp do chủng vi rút Corona mới (nCoV) gây ra. Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần nắm bắt tình hình, chủ động điều tiết kế hoạch tiêu thụ sản phẩm, từng bước chuyển hướng xuất khẩu theo đường chính ngạch, đa dạng hóa thị trường.

VNHN - Xuất khẩu nông sản theo đường biên mậu với Trung Quốc đang bị gián đoạn bởi tác động từ dịch viêm phổi cấp do chủng vi rút Corona mới (nCoV) gây ra. Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần nắm bắt tình hình, chủ động điều tiết kế hoạch tiêu thụ sản phẩm, từng bước chuyển hướng xuất khẩu theo đường chính ngạch, đa dạng hóa thị trường.

Thực tiễn từ Lạng Sơn

Dịc nCoV bùng phát, để ứng phó với dịch bệnh này, Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp chống dịch, bao gồm cả việc phong tỏa trao đổi thương mại biên giới, ngay lập tức hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Tại Lạng Sơn, kể từ ngày 31/1/2019, khi thị trường Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) đóng cửa các cặp chợ biên giới phục vụ dập dịch nCoV, việc xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu phụ Tân Thanh, Cốc Nam... đã bị “tê liệt” hoàn toàn. Hiện thời gian cụ thể thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu phụ ở Lạng Sơn nói riêng và các tỉnh biên giới phía Bắc nói chung bình thường trở lại vào thời điểm nào chưa biết.

Chúng tôi có mặt tại Cửa khẩu Tân Thanh ngày 8/2/2020, chứng kiến một khung cảnh yên tĩnh, vắng vẻ, không mấy khi nơi đây như vậy. Cửa khẩu này vốn luôn nhộn nhịp người, xe, buôn bán, trao đổi hàng hóa sôi động, nay luồng xuất nhập cảnh qua cửa khẩu không một bóng người hay xe cộ. Tại Cửa khẩu Cốc Nam, khung cảnh cũng tương tự. Bãi tập kết phương tiện, hàng hóa trao đổi giữa thương nhân hai bên ngày thường vốn luôn nhộn nhịp, nay cũng trống vắng.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Triệu Quang Hòa - Cán bộ thuộc Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tân thanh cho biết: Hải quan đã phối hợp với cơ quan chức năng khác, thường xuyên nắm tình hình chính sách của Trung Quốc, tình hình chống dịch nCoV của Trung Quốc tác động làm gián đoạn xuất khẩu hàng hóa biên mậu, tuyên truyền đến doanh nghiệp để họ điều tiết kế hoạch tiêu thụ sản phẩm. Thế nhưng, kể từ ngày mùng 2 Tết Nguyên đán Canh Tý (26/1/2020) đến ngày 9/2/2020, các doanh nghiệp vẫn đưa lên Cửa khẩu Tân Thanh 265 xe thanh long xuất khẩu, ước tính khối lượng khoảng 4.000 tấn, tất cả vẫn nằm đợi chưa thể thông quan.

Ông Triệu Quang Hòa - Cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tân Thanh

Để “giải cứu” cho xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc trong bối cảnh dịch nCoV tác động. Cấp trung ương đã chỉ đạo các ngành, địa phương, lực lượng chức năng liên quan, trao đổi với phía Trung Quốc nối lại thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu bình thường, trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các qui định về chống dịch... Giải pháp này đã được thực hiện, song cũng mới chỉ gỡ khó được phần nào cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa (gồm nông sản) đi theo đường chính ngạch qua cửa khẩu quốc tế mà thôi. 

Tỉnh Lạng Sơn đã đưa ra sáng kiến chỉ đạo, khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi tổ chức các đội lái xe, bốc xếp hàng hóa chuyên nghiệp làm dịch vụ đưa hàng hóa thông quan sang Trung Quốc, trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các qui định chống dịch, sau đó quay về thực hiện khử trùng phương tiện, cách ly người tại cửa khẩu 14 ngày, nếu không nhiễm dịch, mới được vào sâu nội địa... Song, biện pháp này xem ra rất khó khả thi, bởi cần phải có sự đồng ý của chủ hàng, chủ xe phía Việt Nam, cũng như của bạn hàng và cơ quan chức năng phía Trung Quốc. Vì khi đưa hàng sang Trung Quốc, lái xe và người bốc xếp hàng hóa của Việt Nam nếu có dấu hiệu nhiễm dịch nCoV, Trung Quốc có thể giữ lại để cách ly, chưa kể hàng hóa xuất khẩu sẽ tăng thêm chi phí, rồi những qui định chống dịch phải thực hiện nghiêm ngặt khi về Việt Nam.

Trước thực trạng nêu trên, các cơ quan chức năng đã đưa ra khuyến cáo với doanh nghiệp, hạn chế đưa hàng lên cửa khẩu thời điểm này để tránh thiệt hại do chưa thể thông quan vào thị trường Trung Quốc. Đối với các trường hợp người, phương tiện và hàng hóa đã đưa lên cửa khẩu đang bị tồn ứ, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và doanh nghiệp kinh doanh bến bãi, dịch vụ phục vụ xuất nhập khẩu ở cửa khẩu tạo điều kiện thuận lợi cho lái xe, chủ hàng… về chỗ ăn, chỗ nghỉ đảm bảo sức khỏe tốt nhất trong khi chờ đợi thông quan hàng hóa.

Đoàn xe chở trái cây chờ thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh

Hướng đi bền vững

Nhìn tổng thể, Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông sản lớn, tiềm năng của Việt Nam. Các giải pháp hiện nay vẫn chỉ mang tính tình thế, chỉ tháo gỡ được một phần nào khó khăn, cần phải có các giải pháp thiết thực hơn, để khai thác một cách hiệu quả và bền vững thị trường này. 

Hiện nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phần lớn vẫn theo phương thức trao đổi biên mậu, rủi ro liên quan đến chính sách quản lý và các rào cản kỹ thuật từ nước nhập khẩu là rất lớn. Nếu phía Trung Quốc chưa mở cửa khẩu (chợ biên giới), dịch nCoV vẫn diễn biến phức tạp, Trung Quốc chưa bãi bỏ phong tỏa trao đổi biên mậu (hiện chưa rõ cụ thể thời điểm nào) để dập dịch, thì nông sản, hoa quả Việt Nam xuất khẩu vẫn không thể thông quan để vào thị trường Trung Quốc theo con đường “tiểu ngạch”. 

Ngay cả khi chưa có dịch nCoV cũng đã thấy, do xuất khẩu theo đường biên mậu, chỉ cần phía Trung Quốc thay đổi về chính sách quản lý hay biến động liên quan từ phía Trung Quốc, lập tức nông sản xuất khẩu Việt Nam gặp khó khăn. Chẳng hạn, đối với mặt hàng trái cây, năm 2019, khi Trung Quốc tăng cường kiểm tra truy xuất nguồn gốc, áp dụng các yêu cầu về đóng gói, ghi nhãn, thay đổi qui trình kiểm tra hàng hóa, tại Tân Thanh hàng trăm xe thanh long xuất khẩu ùn ứ lại cả tuần không thông quan kịp, doanh nghiệp phải gánh chịu thiệt hại tăng chi phí, nông dân khó bán được sản phẩm và bị thua lỗ.

Ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến nghị: Hướng đi bền vững cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc là từng bước chuyển sang phương thức xuất khẩu chính ngạch. Bởi đây là phương thức kinh doanh thương mại quốc tế văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp, phù hợp xu thế hội nhập, tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn, qui chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, kiểm dịch… 

Các ngành chức năng, địa phương… cần định hướng cho nông dân và doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông sản sạch, chuyên canh, qui mô lớn, kết nối đồng bộ từ sản xuất đến xuất khẩu. Các Hiệp hội doanh nghiệp nông sản, cần quan tâm kết nối, phối hợp với các Hiệp hội phía Trung Quốc để nắm bắt thông tin chính sách phía bạn, qua đó khuyến cáo tới người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu.

Ngoài ra, để tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, việc đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu cũng là một hướng đi quan trọng. Trong những nỗ lực để đa dạng hóa kênh tiêu thụ nông sản, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để mở thêm các thị trường xuất khẩu mới cho nông sản Việt Nam./.