Thơ anh đòi hỏi người đọc kỹ tính, kiên nhẫn dõi theo những thi ảnh lạ, lắng nghe nhịp điệu gập ghềnh của câu để khám phá thế giới nội tâm nhiều trắc ẩn, đôi khi khó nắm bắt” (Hữu Việt). “Mưa ký ức” (Nxb Hội Nhà văn, 2021) là tập thơ thứ tư của Đoàn Mạnh Phương tiếp tục khẳng định giọng thơ riêng biệt của ông, một giọng thơ hòa quyện giữa truyền thống và cách tân.
Nương theo ánh sáng của bài thơ/ câu thơ trong tập thơ “Mưa ký ức”, bài viết nhỏ này của tôi nhằm khám phá vẻ đẹp thơ Đoàn Mạnh Phương trong cách thể hiện thế giới nội tâm nhiều trắc ẳn của con người.
Con người trong “Mưa ký ức” không phải là con người với số phận và cuộc đời đầy bi kịch hoặc con người bị tha hóa mà là con người đa mang nhiều nỗi suy tư trăn trở trước hiện thực cuộc sống đương thời. Con người đó không ai khác chính là “tôi”, chủ thể trữ tình, trực tiếp hiện diện để đối thoại với bạn đọc về bản thể .
Hiện thực cuộc sống trong “Mưa ký ức” không phải là hiện thực ngổn ngang phơi bày những cái ác, cái xấu, cái tiêu cực… mà chỉ là lát cắt về bản chất cuộc sống thời đại cách mạng 4.0.
Tập thơ “Mưa ký ức” đã cho tôi hình dung một con người luôn lặng lẽ quan sát và chiêm nghiệm cuộc sống. Cuộc sống thực tại qua cái nhìn của chủ thể trữ tình là cuộc sống nhanh, vội với “tốc độ lao chóng mặt/ những chiếc bóng dịch chuyển cơ học”, “Thành phố ngợp thở/ Giữa những tín hiệu và ký hiệu”. Đó còn là cuộc sống: Khởi động từng sát na suy tính/ Suy tính bước chân đi/ Suy tính về đích đến/Suy tính cả những lần lỡ hẹn (Tốc độ)
Thủ pháp điệp từ kết hợp với tiết tấu nhanh khiến người đọc ngỡ như đang chứng kiến vận động viên “suy tính” chạy đua từng “sát na”. Thật quá nhiều suy tính. Suy tính “bước chân đi”, suy tính “ đích đến” là điều hiển nhiên nhưng “những lần lỡ hẹn” mà cũng nằm trong “suy tính” thì thật là chua chát. Chữ tín, lòng tin bị bào mòn từ “những lần lỡ hẹn” nằm trong “suy tính”, đó chính là tín hiệu khởi nguồn cho sự gian trá lên ngôi. Đáng sợ hơn nữa là “Mưu toan đâm cành tỏa nhánh/ Rậm rạp xum xuê như rừng” (Giới hạn). Bằng cách nói hình ảnh giàu sức gợi, Đoàn Mạnh Phương đã khiến cho ta lo sợ trước cuộc sống đầy đe dọa bởi mưu toan vây bủa.
“Siêu thị thông tin” cũng là đặc tính của cuộc sống thành phố thời hội nhập. Này đây: “Vỉa hè cho tôi một bữa sáng/ trong quán ăn/ vô tận thông tin/ Khuấy vào tôi/ một ly cà phê đắng/ ngợp trong dòng tin tức mánh mung. (Ăn sáng vỉa hè). Quả là “một bữa sáng” đặc biệt. Ăn sáng mà “tai” lại bị “bội thực” thông tin. Những “dòng tin tức mánh mung” không muốn nghe vậy mà vẫn cứ bị “ngợp”. Một người suy tư, trăn trở về cuộc sống làm sao không bị “Khuấy vào tôi/ một ly cà phê đắng”. Tâm tư bất ổn, cảm thấy đắng lòng khi bị thực tế cuộc sống va đập được tạo nên từ trường liên tưởng (khuấy ly cà phê đắng) thật là ấn tượng.
Còn đây: “Giẫy đạp khỏi mọi lo toan mà lo toan luôn mới/ Thẩm thấu giữa thấy, nghe, nếm, ngửi/ Cuộc sống/ mỗi ngày một vị cay” (Chạm). Khô khốc, sắc lạnh, pha chút hằn học. Cũng đúng. Đó là thái độ của người muốn giẫy thoát lo toan mà không thoát được. Những trải nghiệm “thấy”, “nghe”, “nếm”, “ngửi” để rốt cùng đưa đến kết luận thật “cay”:“Cuộc sống/ mỗi ngày một vị cay”. Một sự “thẩm thấu” như thế sẽ dẫn “tôi” đi về đâu?- Giấc mơ. Phải, giấc mơ. Nhưng tìm đến giấc mơ không phải là lối thoát. Bởi: Những giấc mơ ẩm ướt của đêm qua/ Như chưa hề ráo nước… (Ngọn nến giấc mơ)
“Giấc mơ ẩm ướt” phải chăng là giấc mơ thấm đẫm nước mắt của người mơ? Một giấc mơ như thế mà sao cứ muốn đêm về để… mơ? Câu trả lời là đây “Dưới ban mai tiệc nắng/ Nơi thực dụng gặm mòn mơ mộng”. Ra thế, cứ ngỡ “ban mai” là khao khát của con người “Muốn thở căng lồng ngực mình/ bằng sự tươi tắn của ban mai” (Giữa) nhưng không ngờ “ban mai” là “Nơi thực dụng gặm mòn mơ mộng” thì quả là đáng buồn. “Giấc mơ ẩm ướt” là giấc mơ buồn. Mặc dù thi sĩ không hề trực tiếp nói đến buồn mà buồn cứ vây kín tâm tư: Buổi chiều mọc hoang trong ý nghĩ/ Hình dung một thực đơn hoàng hôn (Sau)
Một cách biểu đạt nỗi buồn rất mới, rất Đoàn Mạnh Phương. Thật đã xa “Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều/ Lòng không sao cả hiu hiu khẽ buồn” (Xuân Diệu), “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà) (Huy Cận) của một thời Thơ Mới và cũng không bóng dáng của thơ cùng thời “là khi tỉnh giấc trong đêm/ một mình ta thấy ngồi bên: Nỗi Buồn” (Nguyễn Trọng Tạo). Đây là hai câu thơ chủ thể sáng tạo dùng làm đề từ cho phần đầu tập thơ, khái quát tâm tư của chủ thể trữ tình trước cuộc sống thực tại đương thời.
Song hành cùng nỗi buồn là nỗi sợ lo. Đánh mất mình là nỗi sợ lớn nhất: - Ngày ngày soi gương/ chạm cái mặt ham sống của mình/ tự thấy mình mỗi ngày mỗi lạ/ - Cho đến một ngày giật mình: Nhìn tường không thấy bóng! (Đối diện)
“Giật mình” cũng phải. Đến cả cái “bóng” của mình mà cũng không thấy thì quả là đáng sợ. Cái “giật mình” của Đoàn Mạnh Phương cũng tựa cái “giật mình” tỉnh ngộ của “ta” trong thơ Nguyễn Duy khi được quá khứ đánh thức “Ánh trăng im phăng phắc/ Đủ cho ta giật mình” (Ánh trăng). Sống, đừng quên quá khứ nghĩa tình, hãy lấy quá khứ soi chiếu mỗi bước đi của hiện tại. Đó cũng là tâm niệm của nhà thơ họ Đoàn: “Một dùi trống đánh vào cảm giác/Cho tôi này/ đi gặp lại tôi xưa/ “Cho tôi này trở lại một tôi xưa”/(Đối diện)
“Tôi xưa”có ý nghĩa như thế nào mà sao “tôi” cứ khát khao “đi gặp lại”, “trở lại”? Thì đây: “Có một ngày xưa khóc cười thành thật/ Có một ngày xưa hót như ngậm lửa” (Thanh xuân). Có một ngày xưa như thế bảo sao “tôi” chẳng “Thèm ngày xưa bấm huyệt tâm hồn”. Và khát khao: “Thở một ngày thưa/ Một ô cửa cổ/ Một mình ngồi/ ăn vã ngày xưa…” (Ngày xưa). Không biết trong “thực đơn hoàng hôn” kia có còn cho “tôi’ được “ăn vã ngày xưa” dù chỉ “một ngày thưa”? Xem ra trong cuộc sống thực dụng, cái món để “ăn vã” kia thật hiếm. Để có được cái cảm giác “Ngày xưa vọng về hôm nay/ Chạm vào rưng rưng xưa cũ./ Hỏi sao khóe mắt mình cay” (Bên bức ảnh Hà Nội), “ta khẽ đặt tay lên ngực/ Nơi ta từng thốt lên lời yêu/ Đã thở mòn ký ức” (Thanh xuân).Vâng, “một ký ức/ chảy trong tĩnh mạch mình” (Về) khi chạm vào nó sẽ bừng sống dậy.
“Những ký ức đẹp đẽ là nền tảng, động lực để bạn vượt qua mọi thử thách, khó khăn trong cuộc sống hiện tại” (Danh ngôn). Đoàn Mạnh Phương cũng thấy ký ức là một thứ nhan sắc luôn khơi dậy bao điều tươi mới cho tâm hồn“Giữa nhan sắc của ký ức/ Ngày mới như một hấp lực”, “Mỗi góc phố mang hình hài xưa cũ, nhắn nhủ bao điều về những nếp nhân gian”, “Những nét duyên thầm của Thăng Long ta đó, rót vào tim một ký ức ngọt ngào” (Những mảnh ghép ký ức). Bên cạnh những ký ức ngọt ngào là “Ký ức may chiếc túi rộng, đựng đầy bi kịch tha phương”. Và, “Những câu chuyện buồn xưa đã thu trong góc tối của làng và sáng bằng nước mắt”. Để rồi “Mỗi khi nhớ về làng, úa vàng câu hỏi cũ:-Đêm đêm, lũ chuột chạy trong bồ còn ăn vụng giấc mơ?” (Chuyện của làng).
Ký ức dù vui hay buồn, dù “ngọt ngào” hay “đựng đầy bi kịch” thì cũng là ký ức đáng trân trọng. Và, thiêng liêng như lịch sử quê hương được viết bằng “Mỗi cái chết” của “bao người ra đi và ngã xuống” của Ngày hôm qua(*) “ Đã bao người ra đi và ngã xuống/ Mỗi cái chết như một chữ cái/ Ghép tên bài lịch sử quê hương…”
“Ký ức” là khái niệm được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong tập thơ. Xin đơn cử thêm: - Ký ức đã sao tẩm thực tại/bằng mùi thơm của kỷ niệm (Cảm thức); - Ngày xưa thẫm từng nếp nhăn/Trong ký ức đầy tinh khiết/ - Tuổi thơ vẫn luôn luôn mới/Ký ức vẫn chưa chịu già (Ngày đầu năm);- Có một con hổ ký ức/ vừa no say nỗi buồn vừa đói khát niềm tin… (Soi); - Va quệt rất nhiều ký ức (Về); - Từ chói chang ký ức/ Huế ngửa mặt nhìn trời (Huế); - Bao ký ức gửi Sài Gòn cất giữ (Sáng Sài Gòn)...
“Ký ức” xuất hiện với tần suất dày như vậy bởi đó là “Mưa ký ức”. “Mưa ký ức” được tạo nên từ trường liên tưởng về “mưa”. Ký ức nhiều như mưa, và ký ức cũng tựa như những cơn mưa làm dịu đi cái ngột ngạt khi phải sống giữa “siêu thị âm thanh”, giữa “những thống kê lạnh lùng”. “Mưa ký ức”sẽ thanh tẩy tâm hồn con người giữa “mưu toan đâm cành tủa nhánh”; sẽ làm vơi bớt vị cay từ “những ngọn lưỡi xảo ngôn”.
Khi được “Mưa ký ức” tưới vào hồn cũng là lúc con người tìm được lối về. Về đâu? “Cúi đầu tìm về quê hương” (Chạm). Về với quê hương chính là về với cội nguồn sinh dưỡng của mỗi người. Thật chí lý! “Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người” Đỗ Trung Quân đã từng nhắc ta cái đạo lý này. “Nhớ để về/ Về để nhớ nhiều hơn” Đoàn Mạnh Phương cũng luôn nhắc nhở mình như thế. Và, có một nẻo về, người thơ cũng đặc biệt quan tâm: “về ngôi chùa cổ/ đựng đầy tiếng chuông… (Về). “Về ngôi chùa cổ” không có nghĩa gửi thân vào cửa thiền mà là về bằng “tâm thiện niệm”. Về với nơi “đựng đầy tiếng chuông” gọi dậy an nhiên, thức tỉnh con người thoát cơn mê lạc, lòng vọng hướng thiện lành…, thử hỏi còn có nẻo về nào tốt hơn.
Tâm thức luôn ấp ủ ý muốn “tìm về”. Nhưng “về” bằng cách nào? SỐNG CHẬM. Phải, sống chậm là ý thức thường trực của chủ thể trữ tình.
Trong bài thơ “Sống chậm trong thành phố của mình”, tác giả nhiều lần nhắc đến cụm từ “Thật chậm rãi” như một thông điệp khẩn thiết phải sống chậm: Thèm khát một lắng sâu để duỗi thẳng mọi cảm giác/ để lắng nghe/ để cảm nhận/ để như thấm vào mình/cái cọ má của hơi thở Hà Nội từng ngày
Tiết tấu nhanh, trọng âm rơi vào “để” dồn dập gọi dậy cái “thèm khát” được “lắng sâu”. Để có được “một lắng sâu” thì phải “lắng nghe”, “cảm nhận”, và “thấm”. Cái điều nhà thơ muốn nhấn mạnh, đặt để ở hàng đầu là “lắng nghe”. “Đôi khi ta lắng nghe ta” nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nói thế. Chỉ là “đôi khi” thôi nhưng nếu không biết lắng nghe chính mình thì e rằng “Cho đến một ngày giật mình: Nhìn tường không thấy bóng!” như Đoàn Mạnh Phương đã từng dự cảm.
Biết rằng thành phố “trôi theo lực cuốn của thời gian”, con người cũng phải cuốn trôi theo vòng xoáy đó nhưng không phải không có cách cứu vãn nếu biết sống chậm. Bài thơ “Giây phút ” tiếp tục trình hiện cái tư duy đó. Xin dẫn nguyên văn bài thơ: Chầm chậm thôi/mặc thời gian thở dốc/ mặc bàn chân dũi đất bước đi/ chầm chậm lại/ dù chỉ trong ý nghĩ Vừa đủ ấm trong tim mình tiếng hót/Vừa đủ thơm đơm một cánh hoa mềm/ Vừa đủ nhớ một góc chiều đáng nhớ/ Vừa đủ tìm một ký ức thiêng liêng/ Chầm chậm lại/ dù chỉ trong ý nghĩ/bàn tay mình/đặt lên ngực đêm đêm…
“Chầm chậm thôi” là thông điệp “sống chậm” tác giả đặt ngay đầu bài thơ. Thật dứt khoát “mặc thời gian thở dốc/ mặc bàn chân dũi đất bước đi” vẫn phải sống chậm lại. Nhưng có vẻ như “bàn chân dũi đất” kia vẫn không nghe lời, vẫn cứ “bước đi” nên mệnh lệnh “Chầm chậm lại” vang lên. Cái mệnh lệnh ấy cũng có vẻ như không đủ mạnh để ngăn cản sức lao của bước chân nên đành nhượng bộ “Dù chỉ trong ý nghĩ”. Suy nghĩ soi chiếu cho hành động. Suy nghĩ đúng sẽ dẫn đến hành động đúng. Chậm lại trong suy nghĩ tất yếu sẽ làm chậm lại bước chân. Nên, sống chậm “dù chỉ” nằm “trong suy nghĩ” thôi cũng rất quý. Cuộc sống cứ đi lên không cho phép ta “dừng lại” nhưng “chầm chậm lại” là điều nên làm, phải làm. Cứ thế, người thơ tiếp tục thuyết phục mình: Vừa đủ ấm trong tim mình tiếng hót/ Vừa đủ thơm đơm một cánh hoa mềm/ Vừa đủ nhớ một góc chiều đáng nhớ/Vừa đủ tìm một ký ức thiêng liêng
“Tiếng chim hót”, “cánh hoa thơm” là những hình ảnh tượng trưng cho hạnh phúc, là cái đích đến của con người khi dấn thân vào cuôc sống. Một kỷ niệm đẹp “Một góc chiều đáng nhớ” và “ký ức thiêng liêng” là những tài sản tinh thần phải “nhớ”, phải “tìm về”. Cả Quá khứ và Hiện tại đều đặt vào đôi quang gánh mắc trên vai mà “sống chậm” chính là cái đòn gánh. Không nặng, nhẹ bên nào, tất cả đều “vừa đủ”. “Vừa đủ” còn là mức định lượng hưởng thụ hợp lý được lặp lại nhiều lần như lời nhắc con người đừng quá tham lam. Sống chậm làm ta cân bằng cuộc sống, giúp ta dung hòa được cả Hiện tại và Quá khứ: “Ký ức sao tẩm thực tại/ bằng mùi hương của kỷ niệm” (Cảm thức). Chấp nhận Hiện tại nhưng không quên Quá khứ là nội hàm của “sống chậm”. Và, đó cũng là cách lựa chọn lối sống đúng đắn của con người thời hội nhập.
Đến khổ thơ cuói, một lần nữa tác giả nhắc “Chầm chầm lại/ dù chỉ trong ý nghĩ” như muốn khắc sâu cái tư duy sống chậm. Nhưng bạn đọc lại muốn khắc sâu hình ảnh này hơn: “bàn tay mình/ đặt lên ngực đêm đêm…”. Bàn tay đặt lên ngực, nơi có trái tim biết rung động, biết yêu thương, biết “rưng rưng” khi “chạm vào xưa cũ”. Đấy là “tín hiệu” của tính người. Trong một bài thơ khác, Đoàn Mạnh Phương có nói “Đêm bảo lưu những dấu vết của ngày/ Ngày đã từng ngậm đầy bóng tối”, “Trắng đen/ từng uống nhau” (Trắng đen) đã khiến cho con người phải “nửa đêm mắt còn thức”. Nếu mắt còn thức nửa đêm làm nhức nhối lòng người bao nhiêu thì “bàn tay đặt lên ngực đêm đêm” làm an lòng bấy nhiều. Bởi đây là lời nhắc: Dù có cuốn vào cuộc sống đầy rẫy mưu toan, suy tính, con người cũng đừng đánh mất nhân tính. Hình ảnh “bàn tay mình/ đặt lên ngực đêm đêm” tựa ngọn đèn đặt vào bóng đêm của cuộc sống để con người nhận diện mình, nhận biết con đường mình đi… Cái tứ thơ “sống chậm” được người thơ thi triển đã gây ấn tượng bất ngờ bằng hình ảnh đặc sắc “bàn tay mình đặt lên ngực đêm đêm” ở cuối bài thơ.
Còn ấn tượng hơn nữa là cái tiêu đề “Giây phút” thi sĩ đặt cho bài thơ. Nếu nói tiêu đề gói trọn hồn vía bài thơ thì “Giây phút” có liên quan gì đến “sống chậm”? Có đấy. Nói đến “Giây phút” là nói đến thời gian. Nhiều người vì bận chạy đua với tốc độ cuộc sống mà quên tất cả ( bản thân, gia đình và mọi chung quanh) và đổ lỗi cho thời gian không cho phép họ sống chậm. Nhưng họ đâu biết rằng chỉ “giây phút” chậm lại bước chân, để nhìn lại mình, để lắng nghe ta, chắc sẽ không phải “giật mình:Nhìn tường không thấy bóng”. Chỉ “giây phút” lắng lòng khi nghĩ về “Con còn mãi nợ mẹ nợ cha” thì sẽ thấy “trong con còn rơi lệ” (Tạ lỗi). Chỉ “giây phút” sống chậm thôi mà lòng rộng mở, vị tha.. “Soi cho tỏ mặt người để không phải người dưng” (Giữa). Cuộc đời dài rộng không bị lao dốc nếu chỉ “giây phút” sống chậm. Chỉ có “giây phút” thôi mà làm nên những giá trị lớn lao cho đời mình. Lấy cái cực ngắn của thời gian (Giây phút) để khẳng định giá trị cực lớn của sống chậm là ý nghĩa của tiêu đề bài thơ. Một cái tiêu đề tạo nhiều sự liên tưởng độc đáo.
Bài thơ “Giây phút”, theo tôi, là bài thơ tiêu biểu cho cách viết của Đoàn Mạnh Phương trong tập thơ này thể hiện ở cách cấu tứ, chọn hình ảnh, từ ngữ biểu đạt, tiết tấu, nhịp điệu bài thơ…
Riêng hai câu thơ: Vừa đủ nhớ một góc chiều đáng nhớ/ Vừa đủ tìm một ký ức thiêng liêng tác giả dùng làm đề từ cho phần 2 của tập thơ được xem là khải thị cho tư tưởng của “Mưa ký ức”.
Sống chậm là chìa khóa mở ra cánh cửa tư duy, ý nghĩ tích cực cho con người tự nhận diện chính mình, tự quyết định lựa chọn hướng đi:“bắt đầu một khởi động mới/ Bằng những giấc mơ đã từng làm cháy bóng tối” (Khởi giác). Chủ thể sáng tạo lại nhắc đến giấc mơ nhưng không phải “giấc mơ ẩm ướt” mà là “giấc mơ làm cháy bóng tối”. Một giấc mơ hừng hực khát khao khai sáng, khám phá cuộc sống “để mọc lên một ánh sáng/ một an yên, bình dị, hôm nay”. Một giấc mơ tuyệt đẹp của những con người muốn “giẫy đạp” ra khỏi “những toan lo luôn mới” của cuộc sống.
Và, giấc mơ đó được xem là một “khởi động mới” thực hiện những dự định “Duỗi thẳng mình/ Dưới nắng xanh/ Trong giá rét/ giữa mưa phùn ẩm ướt của mùa xuân/ để thấy thật rõ mình trong đó/ Còn hơn để bàn tay mò mẫm trong đêm/ tìm mãi không ra công tắc để bật đèn” (Cảm thức). Và, “Ban mai đang cố làm đầy lên nó/ Còn tự mình/ mà rắn chắc mình thôi” (Khởi động).
Một con người như thế đương nhiên phải lạc quan. Đây, màu lạc quan hiện ra qua hình ảnh mùa xuân: “Mùa xuân mọc thêm chùm rễ mới/ Đón những cơn mưa từng cười ngập cỏ/ Ngày thản nhiên xanh/ Giữa những mở phơi và khai lộ (Khởi giác). Với bài thơ “Cảm xúc” thi sĩ đã “Thả từng cánh chim ngôn ngữ/ tung vẫy tầng trời xa” để mang cả mùa xuân tinh khiết ập vào lòng. “Mở rộng các ô cửa/ đón bước xuân tinh khiết vào nhà”, “Lắng nghe ngày xanh cuống lá/ trong thẳm sâu hoài vọng thì thầm/ Xê dịch từng nhịp sống phẳng/ Mùa xuân như người thân trở về”. Lòng người có “xanh” thì mới “Lắng nghe ngày xanh”, mới thấy “Ngày thản nhiên xanh”. Lấy “xanh” của mùa xuân để nhuộm “xanh” tâm hồn người, thật khéo! Càng khéo hơn nữa: “Mở cánh hoa đào cảm xúc/ Nảy sắc hồng tư duy”. Cảm xúc thì phải “mở”, tư duy thì phải “nảy” ra và phải “hồng” rực sáng để soi chiếu hành động. Liên tưởng từ cánh hoa (mở) và hoa đào (nảy, nở) phô sắc hồng, thi sĩ đã biểu đạt về cảm xúc và tư duy thật độc đáo. Dù rằng “dấu hỏi cứ đặt dọc ngang” trên mỗi bước chân vào cuộc sống nhưng nhà thơ luôn tâm niệm“Mỗi ngày nâng niu một niềm vui nho nhỏ. Một yêu thương và lòng tốt kề bên” (Không có gì là không thể). Vâng, “niềm vui” luôn đi liền với “yêu thương” và “lòng tốt”. Hay nói cách khác “niềm vui” chính là quà tặng cho người biết “yêu thương” và có “lòng tốt”. Chỉ một câu thơ mà khái quát được lẽ sống đẹp “mình vì mọi người”.
Qua “Mưa ký ức”, Đoàn Mạnh Phương đã bày tỏ thái độ thẳng thắn trực diện nhằm lý giải một cách chính xác nhất bản chất, chân tướng của cuộc sống. Chọn cách nói bộc trực đập mạnh vào cảm giác trực tiếp người đọc. Tất cả làm hiển lộ chân dung một công dân trong tâm tư thế đầy trách nhiệm trước cuộc sống thời hội nhập. Biết cân bằng cuộc sống giữa Hiện tại và Quá khứ. Năng động, sáng tạo, trí tuệ, bản lĩnh trong mỗi bước đi lên của hiện tại nhưng luôn soi mình trong ký ức. Biết sống chậm, luôn lạc quan, tin tưởng ở ngày mai nhưng không quên tìm về nguồn cội. Và, còn có cả chân dung thi sĩ nặng lòng với con chữ “Những chữ cái trò chuyện cùng tôi về thị cảm/ …Những chữ cái áp ngực tôi ấm nóng” và “Sớm nay/ tôi bí từ/ Chữ cái giúp tôi/ bấm vào huyệt tứ”(Cuộc trò chuyện của những chữ cái). Người đọc bắt gặp ở Đoàn Mạnh Phương hòa quyện cả hai chân dung này.
Bảo rằng “Mưa ký ức” là tập thơ mang cảm thức thế sự, thời cuộc? Đúng. Mà thơ viết về thế sự, thời cuộc thì thường khô khan? Cũng đúng. Nhưng không hẳn thế. Bạn đọc có thể bắt gặp ở “Mưa ký ức” vài đoạn thơ/câu thơ có cách biểu đạt hiển ngôn nhưng xuyên suốt 56 bài thơ trong tập thơ này, hầu hết vấn đề được biểu đạt hàm ngôn, được nói bằng hình ảnh giàu sức gợi, giàu liên tưởng. Như, “Con hổ ký ức/ vừa no say mồi vừa đói khát niềm tin”, “thủ đoạn đâm cành, tỏa nhánh ” “Nợ mùa đông năm trước/ Cầm cố cả con đường”…. Ngôn ngữ của “Mưa ký ức” tựa những hạt mưa rơi tự do, tự nhiên nhưng thực chất được thi sĩ chắt lọc kỹ lưỡng và được sử dụng linh hoạt, nhuần nhuyễn với nhiều sáng tạo; giàu chất suy luận. Nhiều kết hợp hình ảnh, ngôn từ của ông làm người đọc thấy vừa lạ vừa quen, đầy bất ngờ.
Thơ Đoàn Mạnh Phương rất tỉnh táo nhưng cũng rất đắm mê. Và, đắm mê mới là tư chất thi sĩ: “Những mái phố nghiêng nghiêng nắng vàng/ Thả chậm rãi mùa thu xao xuyến” (Những mảnh ghép ký ức), “Ngày cư trú trong từng cơn gió bấc/ ấm lên bằng sương tan” (Cảm xúc)….Tỉnh táo nhưng thấm đẫm nỗi niềm thương cảm: “Chiến tranh đã tạnh rồi, cây cỏ đã hồi tươi/ Vết thương trong lòng quê còn đau sau cuộc chiến”, “Mỗi khi nhớ về làng, úa vàng câu hỏi cũ:- Đêm đêm, lũ chuột chạy trong bồ còn ăn vụng giấc mơ?” (Chuyện của làng), “Bao toa đời/ chở chật những buồn vui/ Anh lên nhầm toa nước mắt” (Chấm).
Giọng điệu độc thoại - trữ tình xuyên suốt tập thơ, luôn thay đổi. Khi như triều dâng dữ dội, lúc tựa gió thì thầm u hoài, ẩn ức, lại có khi trong trẻo tựa ban mai sáng ấm. Rắn rỏi và dịu êm; hân hoan và say đắm, cuộn trôi theo từ trường cảm xúc mạnh mẽ và nhất quán, thơ Đoàn Mạnh Phương tạo được hiệu ứng thẩm mỹ và làm bật lên sức liên tưởng mạnh mẽ.
Bước vào không gian “Mưa ký ức” là bước vào không gian tâm trạng của chủ thể trữ tình. Một không gian đa tầng, phức cảm. Thẳm sâu ký ức, dọc ngang hiện tại, thẳng hướng tương lai. Không suy tính thiệt - hơn, được-mất, chỉ muốn cân bằng, “vừa đủ” cho cuộc ĐI và VỀ trong hành trình nhân sinh.
Tuệ Mỹ
Bình Định, 30/8/2022
(*) là tên bài thơ trong tập thơ “Mưa ký ức”