17/01/2025 lúc 22:01 (GMT+7)
Breaking News

Di sản Văn hóa Thành Nhà Hồ: Niềm Tự hào của miền đất Xứ Thanh

VNHN - Di sản Thành nhà Hồ thuộc địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam và có giá trị, độc đáo nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới, trải qua hơn 600 năm, những bức tường thành vẫn đứng vững. Ngày 27 tháng 6 năm 2011, Thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản Văn hóa thế giới.

VNHN- Tết đến, Xuân về, một chuyến du hành đầu xuân đã trở thành thông lệ, để mọi người được cùng nhau vãn cảnh, tái tạo năng lượng, cầu bình an hạnh phúc cho một năm mới. Chắc chắn nhiều người đã lên kế hoạch hoàn hảo cho chuyến du lịch cùng bạn bè, người thân. Nhưng nếu bạn đang còn phân vân bởi quá nhiều lựa chọn thì quần thể di sản Thành nhà Hồ hứa hẹn sẽ là điểm du xuân lý tưởng cho bạn cùng gia đình.

Di sản Thành nhà Hồ thuộc địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam và có giá trị, độc đáo nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới, trải qua hơn 600 năm, những bức tường thành vẫn đứng vững. Ngày 27 tháng 6 năm 2011, Thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản Văn hóa thế giới.

Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ

Ngược dòng lịch sử, nước Đại Việt vào năm Đinh sửu 1397, khi đó Hồ Qúy Ly là thái sư đương triều Trần đã chỉ đạo xây dựng thành Tây Đô hay còn gọi là Thành nhà Hồ, với ý định sẽ dời đô vào Thanh Hóa. Để xây dựng thành, Hồ Qúy ly đã huy động dân phu đào đắp tới 80.000m3 đất, khai thác tới 20.000 - 25.000 m3 đá phiến xây thành, có phiến nặng đến vài chục tấn. Một công trình kỳ vĩ như vậy được xây dựng trong vòng 3 tháng, cho chúng ta hình dung sự gian khổ của những người dân lao động cuối thời Trần.

Dân gian trong vùng còn truyền lại câu chuyện rằng, công cuộc đo đạc, đắp thành, đào hào, lập nhà tông miếu tại Thành Nhà Hồ được tiến hành hết sức gấp rút và nghiêm ngặt. Trần Cống Sinh (chồng nàng Bình Khương) là người được giao phụ trách việc xây dựng đoạn tường thành phía Đông, song bản thân ông cũng không biết vì lý do gì đoạn thành cứ xây gần xong lại bị sụt lở. Sau vài lần xây lại đổ, xây lại đổ, Trần Cống Sinh bị Hồ Quý Ly nghi ngờ có mưu làm phản, nên cố ý chậm trễ việc xây thành. Vậy là Hồ Quý Ly đã ghép cho Cống Sinh tội làm phản và sai người vùi thân chàng vào tường thành cửa Đông. Tương truyền, nàng Bình Khương nghe tin chồng bị chôn sống liền tìm tới động An Tôn. Khi biết chồng đã chết, nàng quá đau đớn và uất hận đã đập đầu vào đá để kêu oan cho chồng. Cái chết tiết liệt và ám ảnh để đòi lại công bằng cho chàng Cống Sinh của nàng Bình Khương đã khiến triều đình lúc bấy giờ phải tiến hành tra lại nguyên nhân khiến một đoạn tường thành phía Đông cứ xây lên cao lại đổ. Sau khi đào sâu xuống dưới người ta phát hiện ra chân đoạn tường thành phía Đông có mạch nước ngầm lớn thường có cát đùn, nên địa chất không ổn định. Đây là lý do khiến đoạn tường cứ xây xong lại bị sụt lở. Sau cùng, để khắc phục sự cố, Hồ Nguyên Trừng - Tổng chỉ huy xây thành, đã cho lát một phiến đá to, rộng dưới chân móng. Từ đó, đoạn thành phía Đông mới được xây lên.

  Đền thờ nàng Bình Khương - Di tích gắn liền quá trình xây dựng thành nhà Hồ

Câu chuyện về nàng Bình Khương tưởng chừng cứ thế mà bị lãng quên, cũng như tòa thành đá từng có giai đoạn chìm vào quên lãng khi đã kết thúc vai trò lịch sử của nó. Mãi đến năm 1903, tổng đốc Thanh Hóa lúc bấy giờ là Vương Duy Trinh trong một đêm nằm mộng đã gặp người phụ nữ khóc lóc kêu oan cho chồng. Sau khi hỏi thăm người trong vùng và được biết đó là nàng Bình Khương, ông liền cho quyên tiền xây dựng ngôi đền khang trang để thờ nàng và cho dựng bia ghi lại sự tích Cống Sinh - Bình Khương: “Tấm lòng trinh tiết in vào đá/ Lưu mãi muôn đời vạn tiếng thơm”. Lần theo câu chuyện, chúng tôi tìm đến di tích nổi tiếng, gắn với câu chuyện bi thương nhưng đầy cảm động. Suốt một thời gian dài, ngôi đền thờ người phụ nữ tiết liệt đã bị nắng mưa bào mòn, cùng sự tác động của con người mà bị hủy hoại nghiêm trọng. Sau này, khi đền được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Thành Nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho trùng tu, tôn tạo lại di tích, để trả lại cho ngôi đền cơ ngơi như hiện nay, gồm một tiền điện và một gian hậu cung. Sự tồn tại của ngôi đền có thể xem như một minh chứng về một đoạn sự thật lịch sử đẫm nước mắt trong cả “cuộn sử” được dùng để ghi lại quá trình hình thành, tồn tại cùng những giá trị bất biến của Thành Nhà Hồ. Đồng thời, đó cũng là chứng tích nhằm lưu lại và đề cao tiết hạnh, phẩm giá của nàng Bình Khương nói riêng và vẻ đẹp đức hạnh của người phụ nữ Việt Nam.

Trong suốt thời kỳ nhà Hồ, Làng cổ Đông Môn (hay gọi là Cửa Đông) thuộc xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc đóng vai trò là “phố ngoại thành" kinh đô của triều Hồ, làng là nơi tập luyện của binh lính, cất giấu vũ khí, lương thực và là nơi vận chuyển nguyên vật liệu để xây thành bằng đường thủy nhờ hệ thống hào thành nhà Hồ cho đào với mục đích vừa bảo vệ thành, vừa dùng để vận chuyển, đi lại. Hiện nay dấu tích hào thành vẫn còn.

Đình cổ làng Đông Môn

Cùng với các di sản văn hóa vật thể, làng Đông Môn còn lưu giữ một số lễ hội truyền thống. Tiêu biểu là lễ tế Thành hoàng làng vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm, tại đình Đông Môn. Trưởng làng tổ chức lễ hội và có đội tế. Đây là di sản văn hóa có từ lâu đời và duy trì phát triển đến ngày nay.

Năm 2010, đại diện tổ chức ICOMOS, Giáo sư Akira Ono (Nhật Bản) đã có chuyến công tác thực tế tại Di sản để  thẩm tra hồ sơ di sản Thành Nhà Hồ. Qua khảo sát Giáo sư nhận định đình Đông Môn là một di tích quan trọng trong hệ thống các di tích phụ cận của di sản Thành Nhà Hồ, có ý nghĩa lớn trong việc gắn kết cộng đồng làng xã. Đình Đông Môn cũng chính là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của nhân dân, chính quyền địa phương và chuyên gia quốc tế trong việc bảo tồn và gìn giữ Di sản Thành Nhà Hồ.

Bên cạnh những làng cổ khác của cố đô xưa, còn có làng cổ Tây Giai thuộc xã Vĩnh Tiến huyện Vĩnh Lộc vẫn giữ được những nét đẹp và dáng dấp của một địa danh đã từng là trung tâm phát triển của đất nước. Người dân vẫn giữ được thói quen ngày mùng 6 hàng tháng lại về với phiên chợ Tây với đủ các loại hàng hóa phong phú. Đặc biệt hơn nữa ở đây còn có các công trình văn hóa lưu giữ những giá trị lịch sử, nghệ thuật độc đáo: nhà cổ ông Phạm Ngọc Tùng, đình Tây Giai… là địa chỉ được du khách thập phương thích thú tìm đến mỗi khi dừng chân tham quan tại Di sản Thành Nhà Hồ.

Lễ hội truyền thống của vùng

Ngoài ra du khách thập phương còn được thưởng thức các đặc sản của vùng như: Bánh răng bừa, chè lam phú quảng, bánh đúc sốt.. Tham gia các lễ hội truyền thống của các địa phương như: Lễ hội Trần Khát Chân ngày 24/4 âm lịch hàng năm. Lễ hội “Kỳ Phúc” được diễn ra vào ngày 6/2 âm lịch và lễ hội “Kỳ Thần” diễn ra ngày 14/11(âm lịch) hàng năm tại thôn Cẩm Hoàng 1, xã Vĩnh Quang huyện Vĩnh Lộc,.. Nội dung chủ yếu là cầu thành hoàng làng phù hộ cho mọi thành viên trong làng khỏe mạnh, gia đình an khang thịnh vượng, lễ hội truyền thống đã chở thành bản sắc văn hóa của các địa phương, tô đậm thêm vào nền văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt Nam.

Những giá trị văn hóa, lịch sử quý giá ấy đã tô điểm thêm cho lịch sử hào hùng, vẻ vang của vùng Di sản thế giới nói riêng và nhân dân Thanh Hóa nói chung, là điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư và du khách thập phương trong nước và quốc tế./.