VNHNO - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Chiến lược phát triển lĩnh vực viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong năm thập kỷ qua, công nghệ viễn thám đã có những thành tựu hết sức to lớn trong lĩnh vực nghiên cứu Trái Đất và trở thành một công cụ quan trọng cho việc đánh giá và quản lý tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, phòng chống thiên tai và an ninh quốc phòng.
Ở nước ta, trong suốt quá trình phát triển, lĩnh vực viễn thám phục vụ điều tra cơ bản, quản lý và quy hoạch lãnh thổ, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; quản lý, giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường; cứu hộ, cứu nạn; nâng cao dân trí, tiến bộ xã hội và nhiều mục tiêu cộng đồng khác đã đem lại những kết quả đáng khích lệ và khẳng định tính ưu việt của công nghệ viễn thám về mọi mặt.
Ảnh minh họa
Trên thực tế, trong những năm qua ở nước ta không có chiến lược, chính sách và quy hoạch phát triển chung trong lĩnh vực viễn thám và thiếu sự quản lý, điều phối chung của nhà nước khiến cho công nghệ viễn thám ở nước ta phát triển chậm và kém hiệu quả.
Lĩnh vực viễn thám vẫn bộc lộ nhiều hạn chế chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn như: Công tác đào tạo có vị trí quan trọng, nhưng ở Việt Nam chưa có cơ sở đào tạo chuyên về viễn thám, cán bộ viễn thám chủ chốt của các ngành hầu như đều được đào tạo ở nước ngoài. Các hoạt động ứng dụng viễn thám mới chỉ phổ biến tại các cơ quan trung ương, bằng nguồn kinh phí của trung ương, chưa triển khai mạnh mẽ tại các địa phương bằng nguồn ngân sách địa phương.
Các sản phẩm, dịch vụ viễn thám đang được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực kinh tế xã hội, tuy nhiên chất lượng các sản phẩm dịch vụ này chưa được quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng cũng như chưa có cơ quan kiểm định dẫn đến sự sai lệch trong các kết quả xử lý thông tin viễn thám, dẫn đến việc ứng dụng không đồng bộ, sai lệch các kết quả dự báo, không có cơ sở thừa nhận các kết quả viễn thám giữa các đơn vị xử lý thông tin viễn thám, ảnh hưởng đến việc phát triển và ứng dụng viễn thám đặc biệt là ảnh hưởng đến việc quản lý nhà nước và đưa ra các quyết định quản lý không bảo đảm sự kịp thời, chính xác trong các trường hợp khẩn cấp.
Bên cạnh đó, sự đầu tư của nhà nước cũng như của các doanh nghiệp cho hoạt động ứng dụng công nghệ viễn thám còn dàn trải, chưa có trọng tâm trọng điểm. Về cơ chế chia sẻ còn chưa được quy định rõ ràng, đồng bộ dẫn đến khó khăn trong quá trình khai thác ứng dụng viễn thám, dễ tùy tiện, cảm tính, tạo cơ chế xin-cho, không góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng theo một thể thống nhất...
Để khắc phục các hạn chế trên, cần có một định hướng lâu dài và xuyên suốt để làm kim chỉ nam cho việc phát triển lĩnh vực viễn thám trong thời gian tới. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất xây dựng dự thảo “Chiến lược phát triển lĩnh vực viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040” nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động liên quan đến viễn thám, đồng thời nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý tài nguyên, giám sát môi trường, thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là trong hoàn cảnh, công nghệ viễn thám không chỉ được áp dụng ở các cơ quan, tổ chức nhà nước mà còn ở các đơn vị tư nhân, tổ chức nước ngoài bằng việc xây dựng định hướng phát triển viễn thám thám tại Việt Nam.
Theo dự thảo, sẽ đề xuất, dự thảo trình Quốc hội ban hành Luật viễn thám; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển lĩnh vực viễn thám quốc gia giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030; phát triển nguồn nhân lực và cơ cấu tổ chức ngành viễn thám. Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển mạng lưới trạm thu nhận dữ liệu viễn thám (trạm cố định, trạm di động và trạm ảo), trạm điều khiển; hệ thống lưu trữ, xử lý dữ liệu viễn thám và mạng lưới truyền dẫn dữ liệu viễn thám để cung cấp dữ liệu viễn thám cho các bộ, ngành, địa phương.
Đầu tư chế tạo và phóng lên quỹ đạo 2 vệ tinh viễn thám cung cấp dữ liệu ảnh quang học độ phân giải cao và siêu cao; 2 vệ tinh viễn thám cung cấp các dữ liệu ảnh viễn thám radar độ phân giải cao và siêu cao. Cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia để cung cấp cho người sử dụng, trong đó, dữ liệu ảnh viễn thám có độ phân giải cao được cập nhật hàng năm, dữ liệu ảnh viễn thám có độ phân giải siêu cao được cập nhật 5 năm một lần phủ trùm lãnh thổ Việt Nam.
Đồng thời, có chính sách khuyến khích công bố các kết quả nghiên cứu khoa học về viễn thám trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới. Khuyến khích, thúc đẩy phát triển, ứng dụng viễn thám, chuyển giao công nghệ với các nước trong khu vực ASEAN và các nước trên thế giới thông qua Chương trình hợp tác quốc tế về viễn thám với các nước trong khu vực, các nước phát triển trên thế giới./.