06/12/2024 lúc 00:11 (GMT+7)
Breaking News

Để khoa học và công nghệ thực sự là nền tảng và động lực phát triển đất nước trong thời kỳ mới

Có một thực tế rằng, tài nguyên tự nhiên luôn có giới hạn và nhân loại hiện đang đứng trước sự khan hiếm tài nguyên nghiêm trọng. Vì vậy, nếu chúng ta vẫn tiếp tục trông chờ vào nguồn tài nguyên hữu hạn đó thì nguồn lực cho tăng trưởng sẽ sớm cạn kiệt, tăng trưởng sẽ đi đến trạng thái dừng và thậm chí suy giảm. Nhưng may thay, có một loại tài nguyên đặc biệt, không bao giờ cạn, đó chính là sự sáng tạo của con người mà kết quả chính là khoa học và công nghệ.

Đây được coi là nền tảng và động lực phát triển của các quốc gia.

Ảnh minh họa - TL

Vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ

Thực tiễn cho thấy, khoa học và công nghệ (KH&CN) góp phần rất quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tác động đến tổng cung và tổng cầu; các sản phẩm KH&CN đóng góp trực tiếp vào GDP. Sự phát triển của KH&CN có tác động mang tính quyết định đối với tăng trưởng dài hạn và chất lượng tăng trưởng. Sở dĩ như vậy vì KH&CN tạo điều kiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Mặt khác, trong KH&CN, sự ra đời của hàng loạt công nghệ mới, hiện đại như: vật liệu mới, công nghệ nano, công nghệ sinh học, điện tử viễn thông… đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu vào; làm tăng các yếu tố của sản xuất - kinh doanh, theo đó làm tăng thu nhập và dẫn đến sự gia tăng chi tiêu cho tiêu dùng dân cư và tăng đầu tư cho cả nền kinh tế. Không những thế, KH&CN phát triển còn làm tăng khả năng tiếp cận của con người với tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ qua các phương tiện thông tin và dịch vụ vận chuyển.

Trong sản xuất, KH&CN giúp làm thay đổi cơ cấu sản xuất, phân công lao động ngày càng sâu sắc hơn và phân chia thành các ngành nhỏ, làm xuất hiện nhiều ngành nghề mới, lĩnh vực mới; ngay cả cơ cấu trong nội bộ ngành cũng thay đổi. Khi thay đổi sản xuất theo hướng tăng năng suất và hiệu quả, nghĩa là có áp dụng KH&CN, sẽ tạo ra khả năng thay đổi cơ cấu tiêu dùng do thu nhập tăng. Tỷ trọng và vị trí GDP của công nghiệp và dịch vụ tăng dần, nông nghiệp giảm dần… Nhờ tác động của các yếu tố như đổi mới công nghệ, hợp lý hóa quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ cải tiến phương pháp quản lý, nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc của người lao động…, sẽ giúp cải thiện và nâng cao chất lượng tăng trưởng, từ đó góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu.

Bên cạnh đó, trong nền kinh tế thị trường, mục tiêu và động lực của doanh nghiệp là lợi nhuận. Do đó, các doanh nghiệp luôn hướng tới giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm; muốn đạt được mục tiêu đó buộc phải áp dụng các tiến bộ KH&CN thì mới nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, tạo lợi thế cạnh tranh không chỉ ở thị trường trong nước mà cả thị trường ngoài nước, từ đó tối đa hóa lợi nhuận.

Từ chủ trương phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu

Nhận thức vai trò đặc biệt quan trọng của KH&CN, từ rất sớm, Đảng và Nhà nước ta đã thường xuyên quan tâm xây dựng tiềm lực phát triển khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã đưa khoa học và công nghệ từ “giữ vai trò then chốt, là động lực thúc đẩy phát triển đất nước” trong Hiến pháp năm 1992 trở thành “Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”. Văn kiện Đại hội XII của Đảng xác định nhiệm vụ phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, làm cho khoa học, công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại. Việt Nam xác định đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ cao là một nội dung cốt lõi của quá trình công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, gắn với xây dựng quốc gia khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển nhanh - bền vững đất nước.

Cùng với việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, trong những năm qua, tiềm lực khoa học và công nghệ được tăng cường. Mỗi năm, đầu tư cho khoa học và công nghệ chiếm khoảng 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Ngoài ra còn có các nguồn từ doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài và các quỹ về khoa học và công nghệ…

Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban có Quyết định số 569/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, KH&CN và đổi mới sáng tạo được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, nâng cao đóng góp của KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) vào tăng trưởng kinh tế thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đóng vai trò quan trọng phát triển công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo. Chiến lược thể hiện xuyên suốt, đồng bộ trong 5 nội dung chính, gồm: (1) Quan điểm phát triển KH, CN&ĐMST; (2) Mục tiêu phát triển KHCN&ĐMST; (3) Định hướng chủ yếu phát triển KH, CN&ĐMST; (4) Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển KH,CN&ĐMST; (5) Tổ chức thực hiện.

Sau gần 40 năm đổi mới, KH&CN nước ta đã có sự chuyển biến tích cực với nhiều thành tựu trong nghiên cứu, điều tra, góp phần tạo luận cứ khoa học cho việc xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường. KH&CN gắn bó với sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của tất cả các ngành, lĩnh vực. KH&CN đã thể hiện rõ vai trò là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước. Nhờ áp dụng KH&CN, năng suất lao động được nâng lên thể hiện qua chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp TFP tăng dần qua các năm; tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu cũng tăng.

Hiện 3 khu công nghệ cao quốc gia là Hòa Lạc, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã thu hút hàng trăm dự án đầu tư với số vốn hàng chục tỷ USD. Nguồn lực tài chính từ xã hội và doanh nghiệp cho KH&CN tăng, thể hiện qua tỉ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp là 52/48 so với tỉ lệ 70/30 của hơn 5 năm trước. Những đóng góp của KH&CN còn thể hiện qua chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tục tăng, đưa Việt Nam vươn lên dẫn đầu nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 ASEAN.

Vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo ngày càng trở nên quan trọng. Thị trường công nghệ được thúc đẩy phát triển, cả nước có 15 sàn giao dịch công nghệ, 50 vườn ươm công nghệ, 186 tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp và mạng lưới các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, cơ chế quản lý KH&CN từng bước đổi mới phù hợp với thực tiễn. Trình độ nhận thức và ứng dụng KH&CN của toàn xã hội ngày càng được nâng cao.

Một số hạn chế, bất cập trong phát triển KH&CN

Bên cạnh những thành tựu đạt được KH&CN nước ta còn những hạn chế rất cần được khắc phục sớm, cụ thể là: Trình độ phát triển công nghệ của Việt Nam vẫn còn chậm và cách biệt rất lớn so với các nước. Trình độ lao động chuyển dịch từ lao động nông nghiệp, công nghệ thấp sang công nghệ cao, đổi mới sáng tạo còn chậm, đặc biệt các lĩnh vực công nghiệp điện tử, dịch vụ… Hạn chế nữa là các chính sách, luật pháp của nước ta chưa thực sự đưa được vào thực tiễn mạnh mẽ, cùng với thực trạng phát triển của nhiều doanh nghiệp còn non trẻ, quy mô chưa xứng tầm đã thể hiện nhiều mặt hạn chế trong triển khai nhanh chóng đưa KHCN vào thực tế ứng dụng, thu hút đầu tư các doanh nghiệp lớn, phát triển các lĩnh vực phụ trợ các công nghiệp trọng điểm trên thế giới, đặc biệt trong phát triển xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… Để hội nhập kinh tế, ngoài năng lực nội sinh của một quốc gia thì KHCN sẽ dẫn lối con đường vận dụng tư duy con người trong sử dụng hiệu quả các công cụ để đạt những thành tựu sáng tạo, bắt kịp nhanh tri thức mới để phát triển nhanh nền kinh tế.

Mặt khác, một số quy định còn có những hạn chế và phức tạp trong quá trình đăng ký, tiến hành nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới. Thủ tục pháp lý còn phức tạp: Quá trình xin giấy phép, báo cáo và tuân thủ có thể phức tạp và đòi hỏi quá nhiều tài liệu, làm tăng chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp muốn thực hiện các dự án KHCN. Thiếu các chính sách khuyến khích hoặc cơ chế kích thích các doanh nghiệp sử dụng và phát triển công nghệ KHCN. Điều này có thể làm giảm động lực của doanh nghiệp để đầu tư và sáng tạo trong lĩnh vực này. Thiếu sự tương tác giữa các bộ phận chính phủ và doanh nghiệp; có thể làm giảm tính linh hoạt và khả năng thích ứng của các đạo luật đối với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Thiếu các nguồn lực tài chính và hỗ trợ để các doanh nghiệp thực hiện các dự án sáng tạo và ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực kinh tế xanh và bảo vệ môi trường…

Giải pháp cho phát triển KH&CN trong điều kiện mới

Để thúc đẩy KH&CN phát triển tạo tiền đề tăng nhanh quy mô phát triển kinh tế đất nước, cần phải đổi mới với một số định hướng trọng tâm sau:

1. Tạo dựng hệ sinh thái khoa học và công nghệ trong mọi cấu trúc, trụ cột phát triển. Theo cấu trúc chiều ngang, mọi thành phần, chủ thể kinh tế, thành phần cấu trúc cấu thành xã hội phải coi khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực để tạo đà phát triển của chính tổ chức, cá nhân đó. Theo cấu trúc chiều dọc, trong một thành phần, chủ thể kinh tế, khoa học và công nghệ phải đóng vai trò là “sợi dây” liên kết tạo ra mỗi quan hệ hữu cơ, chuỗi giá trị.

2. Coi trọng công tác đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ, bảo đảm đầy đủ về độ tuổi, trình độ cán bộ khoa học và công nghệ đáp ứng cho mọi ngành, lĩnh vực và giai đoạn phát triển của xã hội.

Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ, góp phần tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi cho sự phát triển khoa học và công nghệ. Cơ chế tài chính phải minh bạch, chặt chẽ, phù hợp với thời kỳ mới. 

3. Xác định, lựa chọn một số ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ cốt lõi, trụ cột, thiết yếu, mũi nhọn để đầu tư phát triển theo tiêu chuẩn hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, coi đào tạo khoa học và công nghệ là thị trường thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước…

4. Đẩy mạnh công tác truyền thông khoa học và công nghệ; Lan tỏa và phát huy tinh thần nghiên cứu, học tập ứng dụng khoa học và công nghệ trong toàn bộ hệ thống chính trị, đoàn thể quần chúng trong mọi hoạt động xã hội. Tạo môi trường cạnh tranh trong hoạt động khoa học và công nghệ, tạo sự linh hoạt trong chuyển đổi nghề nghiệp từ nghiên cứu khoa học và công nghệ sang các ngành, nghề khác...

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện và thúc đẩy thị trường KH&CN phát triển. Đẩy mạnh huy động vốn đầu tư cho phát triển KH&CN; đẩy mạnh xã hội hóa và đa dạng hóa các nguồn vốn cho hoạt động KH&CN, đặc biệt tăng cường nguồn vốn từ doanh nghiệp. Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ KH&CN, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài; đẩy nhanh và đào tạo lại đội ngũ cán bộ KH&CN, nhất là cho các ngành kinh tế trọng yếu và các ngành khoa học cơ bản, các ngành công nghệ cao. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ; đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ./.

Ths. Hoàng Văn Luân

...