Chiều 3/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên về công tác phòng, chống dịch.
Ảnh minh họa
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa phải mở “chiến dịch” mạnh mẽ, tập trung dập dịch dứt điểm, không để dịch bệnh “dây dưa” đến một mức nào đó sẽ không kiểm soát được tình hình. Hai tỉnh phải xem xét lại công tác xét nghiệm, kết hợp hài hoà hai loại xét nghiệm để đẩy nhanh tốc độ trên tinh thần tiết kiệm triệt để, hiệu quả tối đa. Đối với những vùng đã tầm soát cho thấy nguy cơ cao, rất cao phải thực hiện các biện pháp mạnh, tăng cường xét nghiệm nhanh, kết hợp xét nghiệm PCR quét nhiều lần để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Không chỉ vây các vùng đỏ mà phải khoanh giữ bằng được vùng xanh.
Trong công tác điều trị, Phó Thủ tướng lưu ý Phú Yên, Khánh Hòa phải chú trọng đến các khu tiếp nhận người nhiễm (F0) không triệu chứng, đặt ở những nơi thông thoáng, chăm lo đầy đủ sức khỏe, tinh thần, cấp phát thuốc đông y, tây y để tăng cường thể trạng, giảm tối đa tỷ lệ chuyển sang có triệu chứng. Các cơ sở điều trị F0 có triệu chứng và có dấu hiệu chuyển nặng phải có hệ thống ô-xi tập trung, máy thở ô-xi dòng cao… để giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ chuyển sang nặng, rất nặng, nguy kịch…
Trước tình trạng người từ TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam về nhiều, Phú Yên, Khánh Hòa cần thực hiện triệt để “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để nắm bắt và thực hiện các biện pháp y tế, phòng dịch với những người này, không để sót bất kỳ ai về mà không phát hiện được...
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo đánh giá chuỗi lây nhiễm Covid-19 tại các chợ và cảng cá ở Phú Yên, Khánh Hòa có mối nguy cơ dịch bệnh rất lớn. Do vậy lưu ý hai địa phương cần tận dụng thời điểm đang đóng của các chợ, cảng cá để có phương án tổ chức lại hoạt động; xét nghiệm cho các tiểu thương, quy định số người bán hàng - mua hàng theo ngày, thực hiện giãn cách… Mặt khác, tổ chức hợp lý các khu chợ ngoài trời cung cấp lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân.
Tỉnh Bình Dương đã khánh thành và đưa vào hoạt động hai bệnh viện dã chiến có quy mô 8.300 giường, phục vụ điều trị người bệnh Covid-19 trên địa bàn. Tại lễ khánh thành, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị: tỉnh Bình Dương cần tranh thủ thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để nhanh chóng bóc tách người nhiễm Covid-19 ra khỏi cộng đồng; cần sử dụng test nhanh kháng nguyên để có kết quả sớm. Bộ Y tế sẽ tiếp tục hỗ trợ Bình Dương xây dựng trung tâm hồi sức tích cực 500 giường, với đội ngũ chuyên gia của bộ, kết hợp hệ thống bệnh viện dã chiến của tỉnh sẽ đáp ứng đủ nhu cầu điều trị thời gian tới.
Ngày 3/8, tại buổi làm việc với UBND các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Bạc Liêu về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Các tỉnh cần chủ động phối hợp đoàn công tác Bộ Y tế đánh giá mức độ nguy cơ, từ xã, phường cho đến thành thị, từ đó đưa ra các giải pháp chống dịch phù hợp.
TP Hồ Chí Minh đã tiêm được hơn 900.000 liều vắc-xin Covid-19 đợt 5 trong vòng 10 ngày, hoàn thành mục tiêu đề ra và bước vào đợt tiêm thứ 6, dự kiến kéo dài hết tháng 8. Nếu được cung cấp vắc-xin đầy đủ, thành phố cố gắng đạt mục tiêu tiêm cho 70% người dân trên 18 tuổi trên địa bàn trong tháng này.
Tỉnh Quảng Bình có văn bản gửi các ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo xem xét miễn chi phí cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 cho người khó khăn trở về quê tránh dịch.
TP Hải Phòng quyết định hỗ trợ người dân Hải Phòng ở TP Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn do dịch bệnh 2 triệu đồng/hộ. Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng giao Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phối hợp Hội đồng hương Hải Phòng tại TP Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan chuyển kinh phí hỗ trợ đến các hộ dân. Đồng thời, tiếp tục phối hợp Hội đồng hương Hải Phòng tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg rà soát những người Hải Phòng đang gặp khó khăn, đề xuất thành phố hỗ trợ kịp thời. Từ 0 giờ ngày 5/8, TP Hải Phòng tạm dừng tiếp nhận công dân từ các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau đã phát động quyên góp được 5,6 tỷ đồng cho Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19, nhằm góp thêm nguồn lực phục vụ mua vắc-xin, máy thở, trang thiết bị y tế và hỗ trợ người dân trong và ngoài tỉnh có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cùng ngày, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sóc Trăng thăm và tặng 100 phần quà cho người nghèo, lực lượng chống dịch Covid-19 trên địa bàn khu vực biên giới biển thuộc thị xã Vĩnh Châu, các huyện Trần Đề và Cù Lao Dung của tỉnh Sóc Trăng. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sóc Trăng tặng mỗi chốt kiểm soát phòng, chống dịch và các khu cách ly 2 triệu đồng.
Sáng 3/8, tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Bộ Y tế), ông David McNaught - Tham tán Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam - đã trao 415 nghìn liều vắc-xin AstraZeneca do Chính phủ Anh tài trợ giúp Việt Nam chống dịch Covid-19. Tại lễ tiếp nhận, Bộ Y tế trân trọng cảm ơn Chính phủ Anh tặng Việt Nam số vắc-xin nêu trên.
Bộ Y tế đã có công văn hướng dẫn tiêm hai liều vắc-xin phòng Covid-19. Theo đó, những người đã tiêm mũi một với loại vắc-xin nào thì tốt nhất tiêm mũi hai bằng vắc-xin đó. Trong trường hợp nguồn vắc-xin hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi hai vắc-xin Pfizer/BioNtech cho người đã tiêm mũi một bằng vắc-xin AstraZeneca (nếu người được tiêm chủng đồng ý) khoảng cách giữa hai mũi tiêm là từ 8 đến 12 tuần.
Tuy nhiên, yêu cầu không sử dụng vắc-xin do Moderna sản xuất hoặc các vắc-xin khác để tiêm mũi hai cho người đã tiêm mũi một vắc xin AstraZeneca. Những người đã tiêm mũi một bằng vắc-xin do Sinopharm, Pfizer, Moderna sản xuất thì mũi thứ hai chỉ tiêm vắc-xin cùng loại. Khoảng cách giữa hai mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Chiều 3/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long có cuộc làm việc với ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam. Tại cuộc họp, Ông Kidong Park đánh giá đợt dịch thứ 4 rất khó khăn với tốc độ lây nhiễm mạnh của biến thể Delta, nhưng Việt Nam đã “đi đúng hướng” trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời tin tưởng Việt Nam có thể vượt qua đại dịch với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân... Đặc biệt, đánh giá cao việc Bộ Y tế đã khẩn trương thành lập các Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch nhằm giảm tỷ lệ tử vong.
Trưởng đại diện WHO khẳng định: WHO tại Việt Nam sẵn sàng đồng hành với Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế trong công cuộc phòng, chống dịch; sẵn sàng hỗ trợ Bộ Y tế trong việc tăng cường đào tạo tập huấn chuyên môn cho cán bộ, các biện pháp dự phòng lây nhiễm cho nhân viên y tế. Về vắc-xin, ông Kidong Park cho biết: Tất cả các loại vắc-xin Covid-19 đã được tổ chức này phê duyệt đều bảo đảm an toàn và hiệu quả. WHO tại Việt Nam khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Bộ Y tế trong việc nâng cao năng lực, thử nghiệm đánh giá, cấp phép với vắc-xin sản xuất trong nước qua hệ thống quản lý quốc gia về vắc-xin theo đúng các quy định.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngày 3/8 cả nước ghi nhận 8.429 ca mắc Covid-19, trong đó 52 ca nhập cảnh và 8.377 ca ghi nhận trong nước tại 46 tỉnh, thành phố, trong đó có 1.570 ca trong cộng đồng. Trong ngày, có 3.866 người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) thông báo bổ sung 376 người chết từ ngày 25/7 đến 3/8 tại các địa phương TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hà Nội, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Long An, Đồng Nai, An Giang. Tính đến nay, Việt Nam có 170.190 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 2.324 ca nhập cảnh và 167.866 ca mắc trong nước.