07/01/2025 lúc 09:49 (GMT+7)
Breaking News

Đẩy mạnh xây dựng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số

Nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là nhân tố quan trọng hàng đầu, quyết định sự tồn tại, phát triển của mọi tổ chức, doanh nghiệp và nó càng quan trọng hơn khi thế giới đang bước vào kỷ nguyên số. Đây cũng là nội dung nằm trong chiến lược phát triển đã, đang được Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội đặc biệt chú trọng để thực hiện sứ mệnh: tiên phong, chủ lực chuyển đổi số quốc gia, kiến tạo xã hội số, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Ảnh minh họa.

Những thành tựu mà Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đạt được trong quá trình xây dựng, phát triển có một nguyên nhân rất cơ bản, đó là: Viettel đã quyết liệt, kiên trì, nhất quán thực hiện có hiệu quả chiến lược xây dựng, phát triển nguồn nhân lực. Hiện nay, trước bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như nền khoa học, công nghệ thế giới phát triển như vũ bão, chuyển đổi số trở thành xu thế tất yếu và diễn ra mạnh mẽ, mở ra cho Tập đoàn những cơ hội phát triển, không gian tăng trưởng mới, song cũng đặt ra những thách thức mới vô cùng to lớn. Để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030: “xây dựng Tập đoàn phát triển bền vững, giữ vững vị trí là một trong những tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, có đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước; tiên phong trong chuyển đổi số và kiến tạo xã hội số”, Viettel tiếp tục đặt lên hàng đầu việc thực hiện chiến lược xây dựng con người bên cạnh hàng loạt các chiến lược phát triển khác.
Xây dựng khung phạm vi, nội dung, chương trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung vào năng lực số, năng lực tự học; tiến hành đào tạo kiến thức, kỹ năng, thái độ và văn hóa số cho cán bộ, nhân viên; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo các khung chương trình cơ bản, dài hạn, chuyên sâu và đào tạo chuyển giao công nghệ, xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật, kinh doanh, công nghệ thông tin; chú trọng phát triển, xây dựng hệ thống học tập trực tuyến cung cấp cơ sở dữ liệu học tập thống nhất về chuyển đổi số, cẩm nang tư vấn chuyển đổi số, công nghệ 4.0... cho 100% cán bộ, nhân viên.
Để thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của mình, Viettel đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao hàng đầu tại Việt Nam và thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về các năng lực công nghệ số, nghiên cứu công nghệ cao; mỗi lĩnh vực ngành phải sở hữu ít nhất 03 - 05 chuyên gia hàng đầu khu vực (không bao gồm các ngành đặc thù của Tập đoàn), 30% nhân sự của Tập đoàn là nhân sự thuộc lĩnh vực công nghệ số, sẵn sàng làm việc trong môi trường toàn cầu.
Đồng thời, tích cực tạo nguồn bổ sung nhân lực chất lượng cao về sản xuất vũ khí, trang bị công nghệ cao, công nghệ thông tin, an toàn thông tin, an ninh mạng cho Bộ Quốc phòng. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Tập đoàn triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Theo đó, Tập đoàn đã, đang đẩy mạnh xây dựng các chương trình phát triển nguồn lực công nghệ số đồng bộ trên 04 khía cạnh: quản trị số, đào tạo kỹ năng số, nhân lực số và thu hút nhân tài số.
Về quản trị số, Tập đoàn tiến hành chuyển đổi từ thống kê dữ liệu sang chủ động phân tích, dự đoán xu thế sử dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác nhân sự. Tích hợp, đồng bộ kết quả đào tạo với hệ thống quản trị nhân sự, hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP). Từ đó, quản lý toàn diện hồ sơ đào tạo của học viên, từng bước đánh giá tác động trong dài hạn của công tác đào tạo đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ, chất lượng nguồn nhân lực tại các đơn vị.
Trong đào tạo kỹ năng số, Tập đoàn đã xây dựng khung phạm vi, nội dung, chương trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung vào năng lực số, năng lực tự học; tiến hành đào tạo kiến thức, kỹ năng, thái độ và văn hóa số cho cán bộ, nhân viên. Đồng thời, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo các khung chương trình cơ bản, dài hạn, chuyên sâu và đào tạo chuyển giao công nghệ, xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật, kinh doanh, công nghệ thông tin; thực hiện nghiêm quy định sử dụng tiếng Anh.
Về nhân lực số, Tập đoàn đưa hoạt động quản trị nhân tài vào áp dụng trong thực tế, cá thể hóa đến từng nhân sự; nâng cao chất lượng và mở rộng chương trình chuyển đổi số xuất sắc (Viettel DX Excellence) nhằm hình thành đội ngũ nhân tài đủ mạnh trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu công nghiệp - công nghệ cao. Tăng cường công tác đào tạo gắn với yêu cầu công việc, quy hoạch trong chiến lược phát triển của Tập đoàn; trong đó, ưu tiên ngành công nghệ thông tin, khoa học dữ liệu, khoa học công nghệ; các nội dung, chương trình nhằm chuyển đổi, nâng cao năng lực số. Đồng thời, quan tâm đào tạo nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, mạnh dạn bổ nhiệm cán bộ trẻ có năng lực đảm nhiệm chức vụ quản lý, chỉ huy. Thời gian tới, Tập đoàn triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động ngành: liên kết hồ sơ đào tạo với hồ sơ cán bộ, nhân viên, công cụ quản lý học tập cá nhân, nền tảng điện toán học tập, số hóa các hoạt động, quy trình triển khai đào tạo, đồng bộ hóa hệ thống lịch đào tạo với lịch công tác, khung năng lực phát triển nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên.
Thời gian tới, Viettel tiếp tục chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách tuyển dụng chuyên nghiệp, hiệu quả để thu hút chuyên gia, nhà quản lý hàng đầu tại Việt Nam và thế giới về làm việc, cộng tác, nhất là trong các lĩnh vực: Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, công nghệ thông tin, nghiên cứu và phát triển.

Ban hành, triển khai chính sách tuyển dụng nhân sự chất lượng cao, nhân sự người nước ngoài, thu hút tài năng công nghệ mới, thực tập sinh tài năng, tuyển chọn nhân sự xuất sắc cho các ngành trọng điểm; phấn đấu đến năm 2030 sẽ sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao hàng đầu tại Việt Nam và thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về các năng lực công nghệ số, nghiên cứu công nghệ cao.

 

Vũ Nhật