27/01/2025 lúc 20:55 (GMT+7)
Breaking News

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ giúp chống Covid-19

VNHN - Với đại dịch lần này, các quốc gia đối mặt thách thức trong một tâm thế khác khi con người đã sở hữu trong tay lợi thế to lớn tới từ sự phát triển chưa từng có của khoa học công nghệ - một loại “vũ khí” quan trọng trong cuộc chiến cam go hiện nay.

VNHN - Với đại dịch lần này, các quốc gia đối mặt thách thức trong một tâm thế khác khi con người đã sở hữu trong tay lợi thế to lớn tới từ sự phát triển chưa từng có của khoa học công nghệ - một loại “vũ khí” quan trọng trong cuộc chiến cam go hiện nay.

"Cái chết đen" (dịch hạch) xảy ra giữa thế kỷ XIV là một trong những đại dịch kinh hoàng nhất trong lịch sử, ước tính khiến 75-200 triệu người thiệt mạng và xóa sổ 1/3 dân số châu Âu. Đến đầu thế kỷ XX, con người lại phải đương đầu với dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát khiến gần 1/3 dân số thế giới nhiễm bệnh, với ít nhất 50 triệu người tử vong. Kiến thức y học nghèo nàn, những biện pháp chữa trị kém hiệu quả khiến dịch bệnh ập đến như một cơn sóng thần quét qua những thành phố đông đúc nhất.

Ngày nay, sự tiến bộ của khoa học công nghệ giúp người bệnh được chăm sóc, chữa trị và từ đó hạn chế thương vong. Chỉ trong một thời gian ngắn kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, các nền tảng quan trọng như xây dựng hệ thống nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, phân lập, giải mã bộ gen và tìm hiểu cặn kẽ cấu trúc phân tử của vi rút đã được các nhà khoa học thực hiện thành công, tạo tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển vắc xin, cũng như đưa ra các biện pháp dự phòng hiệu quả hơn.

Công nghệ hiện đại cũng giúp việc cách ly và kiểm soát dịch trở nên dễ dàng hơn nhiều so với hàng trăm năm về trước. Nếu như trong đại dịch "Cái chết đen", việc các gia đình có người nhiễm bệnh không được ra khỏi nhà trong một tháng gần như là án tử thì ngày nay, thông qua mạng internet, người dân có thể làm việc, học tập ở nhà mà không gặp quá nhiều trở ngại. Mạng xã hội giúp mọi người luôn kết nối với cộng đồng và cập nhật thông tin nhanh chóng. Các hoạt động “không tiếp xúc” dựa trên hạ tầng công nghệ sẵn có trở nên sôi động hơn bao giờ hết.

Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ giúp các nước ứng phó hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống Covid-19. Ảnh: Internet

Chính phủ Singapore đã cho ra mắt ứng dụng có tên TraceTogether, sử dụng tín hiệu giữa các thiết bị điện thoại thông minh để xem liệu người nghi ngờ mang mầm bệnh có tiếp xúc gần với người khác không. Trong khi đó, hai "ông lớn" công nghệ là Apple và Google đang hợp tác phát triển hệ thống theo dõi tiếp xúc Covid-19, giúp mô hình hóa những người mà bệnh nhân đã gặp trong từng thời gian cụ thể. Còn ở Việt Nam, 2 ứng dụng khai báo y tế, gồm NCOVI dành cho người dân Việt Nam và Vietnam health declaration dành cho người nước ngoài nhập cảnh được áp dụng, cung cấp thông tin và tương tác hai chiều giữa toàn thể người dân với cơ quan y tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định đây là thời cơ của ngành công nghệ thông tin, đồng thời yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện, đưa vào sử dụng phần mềm giám sát và truy vết đối tượng lây nhiễm Covid-19, không để xảy ra lỗi trong quá trình hoạt động. Nỗ lực phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại trong chủ động phòng, chống dịch Covid-19 đang góp phần mang lại hiệu quả cho các biện pháp cách ly xã hội, nghiên cứu vắc xin... và sức mạnh công nghệ cần được khai thác triệt để nhằm củng cố tấm lá chắn giữa con người với dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại quỹ đạo ban đầu.

Tại Hàn Quốc, sau khi có thông báo về ca tử vong đầu tiên do Covid-19, nhu cầu mua sắm hàng hóa trực tuyến của người dân tăng vọt. Hàng loạt công ty, doanh nghiệp trên khắp thế giới yêu cầu người lao động làm việc tại nhà để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Không phải đến văn phòng, mọi người vẫn có thể trả lời email, ứng dụng các phần mềm như Slack hay Zoom để trao đổi, xử lý công việc, giúp người lao động bảo đảm thu nhập trong khi doanh nghiệp giảm bớt thiệt hại. Trong nỗ lực làm giảm tốc độ lây lan của vi rút, công nghệ hiện đại đã được các chính phủ tận dụng triệt để theo dõi và ngăn chặn các ca lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Nhiều thành phố tại Trung Quốc sử dụng hệ thống giám sát đa chức năng bằng máy bay không người lái, phát hiện người có triệu chứng sốt mà không cần tiếp xúc trực tiếp để đưa ra cảnh báo sớm và hỗ trợ kiểm soát dịch.