10/01/2025 lúc 19:39 (GMT+7)
Breaking News

Đẩy mạnh tín dụng chính sách, xóa tín dụng đen

VNHNO - Thời gian qua, hoạt động tội phạm núp bóng tín dụng đen, cho vay nặng lãi đang ngày càng phức tạp. Bộ Công an đã xác định, hoạt động của tín dụng đen là một trong những nguyên nhân đẩy tình hình tội phạm tăng cao. Tội phạm này vừa là loại tội phạm hình sự, nhưng núp bóng công ty, nhóm hoạt động liên quan kinh tế. Do vậy, ranh giới rất khó phân biệt.

VNHNO - Thời gian qua, hoạt động tội phạm núp bóng tín dụng đen, cho vay nặng lãi đang ngày càng phức tạp. Bộ Công an đã xác định, hoạt động của tín dụng đen là một trong những nguyên nhân đẩy tình hình tội phạm tăng cao. Tội phạm này vừa là loại tội phạm hình sự, nhưng núp bóng công ty, nhóm hoạt động liên quan kinh tế. Do vậy, ranh giới rất khó phân biệt.

Bản chất tín dụng đen có đặc điểm không có đăng ký kinh doanh, thường phục vụ vay vốn nhanh, điều kiện cho vay nhanh gọn, lãi suất cao theo thỏa thuận mà không cần cam kết. Hoạt động này chủ yếu cho vay dân sự ngoài tổ chức cho vay theo quy định của luật.

Theo phân tích của cơ quan chức năng, tội phạm tín dụng đen ngày càng phát triển là do tiền nhàn rỗi trong dân rất lớn. Bên cạnh đó, nhu cầu của người dân cần vốn làm ăn, phát triển sản xuất, nhưng lại đang gặp khó trong tiếp cận các tổ chức tín dụng. Các hoạt động tín dụng ngân hàng với nhiều thủ tục rườm rà, nguồn vốn chưa phong phú, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của người dân, dẫn đến tín dụng đen có đất phát triển.

Ảnh minh họa

Đứng đầu các tổ chức tín dụng đen đều là đối tượng cộm cán, lập băng nhóm tiến hành các hoạt động siết nợ, đòi nợ thuê, truy sát con nợ dẫn đến chết người, gây thương tích. Tại nhiều địa phương, khi con nợ mất khả năng chi trả vì “lãi mẹ đẻ lãi con”, bọn chúng cho người tới đòi nợ, uy hiếp, đập phá, tịch thu tài sản. Nhiều vụ việc dẫn tới đổ máu, chết người, gây bức xúc trong nhân dân. Chưa kể, nhiều tổ chức lợi dụng, núp bóng doanh nghiệp để thực hiện hành vi phạm tội.

Nhằm hạn chế hoạt động của loại tội phạm này, trước hết cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân không nhẹ dạ cả tin, tin theo những hợp đồng, với thủ tục đơn giản, gọn nhẹ mà “nhắm mắt ký liều”. Được biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nhằm xử lý quyết liệt tình trạng này, nhất là ở khu vực nông thôn đã đưa ra quy định lãi suất cho vay, nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng chính thức mở chi nhánh ở địa bàn, thông qua các kênh cho vay, nhằm góp phần giải quyết nhu cầu tiếp cận vốn của nhân dân. Ngân hàng Nhà nước cũng đã và đang tiếp tục tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân mở chi nhánh, áp dụng công nghệ mới để tiếp cận vốn thanh toán, tạo điều kiện cho quỹ tín dụng nâng cao chất lượng hoạt động, đơn giản hóa thủ tục cho vay...

Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tại các địa phương từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác có vốn đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Nhờ đó, nhiều gia đình đã xóa nghèo vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, bình quân mỗi năm giảm 3% hộ nghèo.

Thực tế cho thấy, tín dụng chính sách không những đã đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thời gian tới, cùng với các chính sách của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội các địa phương cần tiếp tục cử cán bộ tín dụng được giao theo dõi địa bàn tham gia các buổi sinh hoạt tổ dân phố tại cơ sở, phối hợp tuyên truyền các chương trình tín dụng chính sách để nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn biết tới sự hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn vay lãi suất thấp, không phải đi vay nóng nặng lãi, tránh sập bẫy tín dụng đen…

Theo Báo Nhân Dân