VNHN- Đi tìm chiều sâu của bề dày văn hóa, là tìm về tiếng gọi lịch sử của ngàn năm thuở trước. Có lẽ Sa Huỳnh, một địa danh thuộc hai xã Phổ Châu và Phổ Thạnh nằm về phía cực nam của tỉnh Quảng Ngãi được hình thành như sự vô tình hay duyên phận đã gắn kết mảnh đất này với bề dày văn hóa của những lớp cư dân nối tiếp nhau qua hàng ngàn năm lịch sử, từ người Sa Huỳnh cổ, đến Chăm Pa, Đại Việt. Để rồi đất và người Sa Huỳnh như cái gạch nối, tiếp biến, giao thoa làm sáng hơn thêm gương mặt của một làng quê Việt bên bờ biển xanh.
Biển Sa Huỳnh
Từ dãy Trường sơn, núi cứ kéo dài, ăn thông ra biển tạo nên hình cánh cung từ gò Ma Vương xã Phổ Thạnh đến đảo Châu Me xã Phổ Châu hình thành nên làng quê Sa Huỳnh, được ra đời từ nhiều thế kỷ trước. Người dân ở xóm Cồn, xóm Thạch Bi xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quãng Ngãi cho rằng : “ Sa Huỳnh là một làng chài đã bị thần biển bỏ quên nơi bãi cát vàng, sau chuyến du hành ngoạn cảnh dọc bờ biển xanh màu ngọc bích…”. Song ngược về lịch sử đất phương Nam, từ triều đại nhà Hồ đến nhà Lê và sau này là Chúa Nguyễn đã có những cuộc di cư lớn vào miền biên viễn tạo nên phên dậu vững chắc cho công cuộc xây dựng xứ Đàng Trong. Đối với vùng đất Nam – Ngãi phải kể đến những cuộc di cư mang tính quy mô nhất dưới thời Bùi Tá Hán làm trấn thủ Quảng Nam ( 1545 – 1568 ). Ông đã kêu gọi nhân dân từ những làng quê Thanh – Nghệ - Tỉnh vào khẩn hoang lập làng xóm. Đất đai được mở rộng, làng quê có tên gọi, các tộc họ bản quán cùng tụ cư bên lũy tre đình làng trên vùng đất mới. Và làng quê Sa Huỳnh cũng bắt đầu từ đó.
Và hơn thế nữa, trong thăm thẳm của buổi bình minh sơ sử, mảnh đất này đã có những dấu chân con người hiển hiện với nền văn minh rực rở. Vào những năm đầu thế kỷ 20 các nhà khảo cổ học người Pháp đã tìm ra những dấu tích cổ xưa đã bị thời gian và gió cát vùi lấp sâu dưới lòng đất. Với hàng trăm hiện vật được phát hiện tại gò Ma Vương xã Phổ Thạnh vào năm 1909, gồm nhiều ngôi mộ chum với khá nhiều công cụ lao động, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt cũng như nhiều đồ trang sức, được người cổ xưa làm ra một cách công phu và tinh xảo đến ngạt nhiên. Qua nghiên cứu các nhà cổ học cho thấy người cổ xưa có nền kinh tế đa thành phần gồm trồng trọt, đi biển, sản xuất đồ thủ công và giao lưu buôn bán với các dân tộc trong khu vực Đông Nam Á. Đồng thời đi đến kết luận dải đất từ đèo Ngang cho đến Đồng Nai và lên cả Tây Nguyên từ sơ kỳ đồng thau đến sơ kỳ đồ sắt, nơi hiện diện một nền văn hóa độc đáo của nhân loại và được các nhà khảo cổ học định danh bằng khái niệm “ Văn hóa Sa Huỳnh ”.
Lọ gốm cách đây 2500 - 2000 năm
Lần theo lịch sử của ngàn năm, phía sau lớp văn hóa Sa Huỳnh, ở mảnh đất này người ta còn tìm thấy những dấu tích của những cư dân Chăm Pa một thời phồn thịnh. Qua di tích bia cổ được khắc trên đá và qua những giếng nước của người Chăm còn để lại dọc ven biển Sa Huỳnh. Các nhà khảo cổ học cho rằng họ là hậu duệ của lớp người cổ Sa Huỳnh, rất giỏi nghề đi biển. Mà điều đó ngày nay ta có thể tìm thấy ở cư dân làng biển Sa Huỳnh trong tín ngưỡng thờ bà xứ sở, cũng như nghề đi biển của người dân Sa Huỳnh ngày nay, họ được tiếp thu và phát triển qua hàng trăm năm tung hoành ngang dọc biển đông kể từ ngày họ theo chân vua Lê và Chúa Nguyễn dựng làng lập ấp nơi miền biên viễn này .
Làng chài Sa Huỳnh nhìn từ xa như một cánh buồm căng gió vươn ra biển. Biển trong xanh với bãi cát vàng trải dài óng ánh, với độ dài chừng 6km uốn lượn từ Đầm An Khê đến biển Châu Me, và nhiều nơi vẫn còn tìm thấy được vẻ đẹp hoang sơ của biển. Có lẽ những lớp người xưa trong quá trình đi tìm vùng đất mới họ không khỏi ngỡ ngàn trước thắng cảnh thiên nhiên đầy sức quyến rũ, để rồi họ dừng chân ăn đời ở kiếp với mảnh đất này. Từ những cánh đồng lúa xanh bên dãy Trường sơn đổ về biển với những ngọn núi nhấp nhô bên chân sóng đã để lại trong tâm hồn nhiều người với những cảm xúc khó quên. Điều đó có thể thấy qua cảm xúc của nhà thơ Xuân Diệu : “ Hỏi mình biển đẹp vô ngần. Sóng xanh như đến dừng chân Sa Huỳnh ”.
Làng biển Sa Huỳnh
Hoang sơ Sa Huỳnh
Tìm về Sa Huỳnh là tìm về với những giá trị văn hóa đặc trưng dường như được lắng đọng qua các lễ hội truyền thống, qua phong tục tập quán nơi bến nước đình làng trong mỗi ngõ thôn.
Về Sa Huỳnh vào dịp sang xuân, mùa biển sắp bắt đầu ra khơi, ta sẽ chứng kiến nhiều lễ hội, nhiều làn điệu dân ca qua các câu hò điệu hát. Trong hệ thống các lễ hội ở Sa Huỳnh, trong đó phải kể đến lễ hạ thủy hay còn gọi là lễ nhúng lưới nước đầu năm thật hấp dẫn. Tương truyền vào một đêm mưa gió có một ngư dân trong làng trong lúc kéo lưới đã vớt được tượng Bà và cho rằng đây là điềm thiêng, dân làng mới đem về xây dinh trên núi Cấm để thờ. Một câu chuyện lung linh sắc màu huyền ảo, nhưng thật ra là câu chuyện thờ nữ thần Pô Inư Nagar của người Chăm, được các cư dân dọc ven biển Miền Trung tín ngưỡng. Song đối với cư dân Sa Huỳnh thì câu chuyện thờ bà còn được gắn với một lễ hội nhúng lưới nước thật độc đáo mà ít nơi có được. Vào ngày đầu năm khi cây nêu đầu làng chưa hạ thì người dân khắp nơi đổ về cửa biển Sa Huỳnh để xem lễ hội. Lễ được bắt đầu từ sáng sớm, ông vạn trưởng mang lễ vật sang dinh Bà để làm lễ tế trời đất, thần linh. Sau phần lễ là lần lượt hàng trăm tàu thuyền với cờ xí rợp trời vươn mình ra biển trong tiếng reo hò trống dục của người dân đôi bờ.
Về Sa Huỳnh vào mùa lễ hội ta còn được nghe âm thanh tùng tùng, cắt cắt… vang vọng khắp xóm làng đến từng hộ gia đình. Đó là tiếng trống hội sắc bùa và những câu hát đồng dao của lũ trẻ “ Sắc bùa là sắc bùa hòe, trông cho đến tết ăn chè với xôi…” Đội hát sắc bùa gồm một hay ba người làm cái và từ sáu đến tám người làm con trở lên. Mặc đồng phục, khăn chít đầu, thắt lưng nhiều màu. Cái xướng, con phụ họa. Bài hát dài hay ngắn tùy theo người soạn, tùy theo tính chất của những bài hát. Đội đi đến từng gia đình và sắc với nội dung bài hát thường bày tỏ niềm vui và chúc tụng những điều may mắn tốt lành nhất đến với gia chủ và làng vạn.
Không biết từ bao giờ, hát sắc bùa đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người Sa Huỳnh. Và có lẽ làn điệu Sắc bùa đã theo chân các bậc tiền nhân từ thuỡ ấy để rồi nó dừng chân và phát triển thành những sắc thái riêng cho người Quảng Ngãi. Người già nói rằng, đội sắc bùa ở làng Tân Diêm và làng Thạch Bi Sa Huỳnh đã cùng song hành với nhiều đội sắc bùa khác trong tỉnh Quảng Ngãi qua hàng trăm năm. Vào những năm 50 của thế kỷ trước ở Quảng Ngãi đã có hẵn một phường hát sắc bùa đi biểu diễn nhiều nơi trong và ngoài tỉnh Bình Định, Phú Yên và ra cả Hội An Quảng Nam.
Hát sắc bùa
Nằm ở bên kia vùng núi lỡ sông bồi, xóm Cồn được nổi lên như một ốc đảo, một bên là núi Cấm, một bên là dòng chảy từ đầm Nước Mặn đổ ra cửa biển Sa Huỳnh. Người Sa Huỳnh còn gọi đây là vạn Câu, bởi hơn ba trăm năm trước ông tổ của nghề câu từ miền ngoài đến xóm Cồn dựng làng với nghề câu trên biển. Và từ đó nghề câu như gắn bó bao số phận đời người với biển cho tận đến bây giờ. Nhưng có điều về xóm Cồn với bao câu chuyện về thần Nam Hải (cá voi) giúp dân vạn Câu thoát khỏi những hiểm nguy trên biển vẫn được người dân truyền tụng nhau sau mỗi chuyến biển đi về. Và họ kể rằng cách đây lâu lắm rồi “ Ông ” chọn ngày lành tháng tốt để lụy vào xóm Cồn và người dân lập lăng thờ Ông. Đó là những câu chuyện truyền thuyết về loài cá voi được người dân biển tôn kính và phong thần Nam Hải. Tục thờ cúng cá Ông không chỉ ở vạn Câu mà khắp các vạn chài Sa Huỳnh đều có lăng thờ . Trong đó phải kể đến lăng Ông làng Thạch Bi là một trong những lăng lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, mặt dù nhiều lần lăng Thạch Bi bị sơ tán do chiến tranh, nhưng hài cốt của Ông vẫn được bảo vệ nguyên vẹn đến bây giờ.
Khác với nhiều nơi, ở Sa Huỳnh người ta tế lăng mỗi năm ba lệ vào tháng giêng, tháng ba và tháng tám âm lịch. Lễ có nhiều công đoạn : Lễ cầu kinh, lễ vọng, lễ nghinh ông và lễ tế cô hồn. Lễ chính được tiến hành lúc nữa đêm về sáng, gồm những nghi thức dâng hương, dâng rượu, đọc văn tế và hóa vàng. Và trong lễ tế thần Nam Hải vẫn không thể thiếu phần diễn xướng những điệu hò Bả trạo, đưa linh hồn cá ông về nơi cực lạc. Đây là loại hình diễn xướng nghi lễ tổng hợp bao gồm các yếu tố múa và hát với đạo cụ là mái chèo. Những câu hò đưa linh có đượm màu bi ai, nhưng ta vẫn cảm nhận được tinh thần lạc quan, yêu đời của ngư dân trước đại dương mênh mông.
Hát bả trạo
Theo các tài liệu xưa cho thấy, Sa Huỳnh là một hải tấn quan trọng dưới thời nhà Nguyễn để canh phòng mặt biển, đồng thời cũng là nơi giao thương bằng đường biển trong khu vực. Đến khi người Pháp xâm lược nước ta, mở tuyến đường sắt Bắc – Nam và cho xây nhà ga xe lửa tại Sa Huỳnh để vận chuyển muối từ Sa Huỳnh đi nơi khác. Do đó Sa Huỳnh sớm có điều kiện giao thương phát triển về kinh tế trong khu vực.
Cần phải nói thêm rằng, vào những năm đầu thế kỷ 20, Sa Huỳnh là một vựa muối lớn, cung cấp cho khu vực Miền Trung và cả nước. Thương hiệu muối Sa Huỳnh từ lâu đã để lại trong lòng người dân bao miền quê xứ Quảng. Song đời muối Sa Huỳnh cũng không ít thăng trầm theo thời gian, có lúc hạt muối được định giá thấp nhất trong các loại hàng hóa bán mua. Đời sống diêm dân dù có mặn lòng với muối nhưng vẫn không ít khó khăn. Mãi đến những năm gần đây, với phương thức sản xuất theo công nghệ mới, cũng như được sự quan tâm của nhà nước, nên muối Sa Huỳnh giờ đã được ổn định trên thị trường.
Sống thủy chung với biển ngay từ buổi đầu dựng làng lập ấp, nên biển cũng trả nghĩa ân tình cho người Sa Huỳnh với những mùa biển bội thu. Về Sa Huỳnh từ trong tiếng sóng biển, ta vẫn còn nghe đâu đây tiếng rẽ sóng ra khơi của lớp người thuỡ trước. Từ những chiếc ghe bầu, ghe nan của một thời dong thuyền biển lộng, giờ đây với những con tàu hiện đại, ngang dọc đại dương hàng tháng trời và thu về hàng tỉ đồng sau mỗi chuyến biển. Song người Sa Huỳnh từ nhiều thế hệ vẫn luôn ý thức được việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước trong những chuyến vươn khơi.
Chẳng biết đất có đời riêng hay không mà Sa Huỳnh từng là nơi gặp gỡ của nhiều nền văn hóa tộc người. Từ người Sa Huỳnh cổ, Chăm Pa, Đại Việt, và ở mỗi thời đại đều in lại bóng hình lên đất, để rồi theo thời gian đất hóa thân thành hồn quê nuôi dưỡng lòng người./.