03/01/2025 lúc 01:38 (GMT+7)
Breaking News

Đầu tư công: Không thêm thủ tục mới, quy trình đơn giản nhất

VNHN - Việc chỉnh sửa Luật đầu tư công nhằm quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả đầu tư công, gắn với cơ cấu lại thu chi ngân sách, phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền, cố gắng đơn giản nhất quy trình thủ tục,  không "đẻ" ra những quy trình thủ tục mới và có chế tài xử lý vi phạm.

VNHN - Việc chỉnh sửa Luật đầu tư công nhằm quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả đầu tư công, gắn với cơ cấu lại thu chi ngân sách, phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền, cố gắng đơn giản nhất quy trình thủ tục,  không "đẻ" ra những quy trình thủ tục mới và có chế tài xử lý vi phạm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ. Ảnh: VGP.

Chiều 16/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Việc chỉnh sửa nhằm tháo gỡ những vướng mắc của Luật, đã làm quá trình giải ngân vốn đầu tư công luôn không đạt kế hoạch và có xu hướng chậm lại trong những năm qua. 

Đại biểu Quốc hội của đoàn Phú Thọ Hoàng Quang Hàm, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách nhấn mạnh mong muốn của ban soạn thảo là phân cấp mạnh và giảm thủ tục đầu tư. Nhưng thiết kế nhiều điều khoản của Luật chưa đáp ứng được yêu cầu đó.

Cụ thể, dự thảo Luật điều chỉnh phân loại dự án quan trọng quốc gia có mức sử dụng vốn đầu tư công từ 35.000 tỷ đồng trở lên (quy định hiện hành là 10.000 tỷ đồng) để giảm việc trình Quốc hội mà Chính phủ có thể quyết nhanh hơn. Đại biểu Hàm cho rằng chưa đủ căn cứ vì không có biến động lớn về chỉ số giá tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh chưa nhìn nhận ưu điểm là trình Quốc hội sẽ có ngay mức vốn và chắc chắn được bố trí đủ vốn.

Cũng theo ông Hàm, nếu thật sự muốn phân cấp thì nên giao quyền cho địa phương tự quyết toàn bộ phần vốn bổ sung có mục tiêu của Trung ương cho địa phương. Địa phương có trách nhiệm sử dụng hiệu quả, đúng mục tiêu và báo cáo lại để kiểm soát (hậu kiểm). Chính phủ sẽ kiên quyết thu hồi và xử lý trách nhiệm nếu sử dụng sai mục đích. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ nên tham gia vào các dự án 100% vốn Trung ương.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đề nghị lần sửa đổi này cần đánh giá toàn diện, sâu sắc, đầy đủ các vấn đề thực tiễn đặt ra để tạo khung khổ pháp lý ổn định, có sức sống lâu bền. Theo bà Mai, dự thảo Luật cần bổ sung các tiêu chí lựa chọn dự án, gắn phân bổ nguồn lực với hiệu quả đầu ra, và quy định về trách nhiệm trực tiếp của tổ chức, cá nhân với hiệu quả dự án. 

Trong khi đó, đại biểu Bùi Văn Phương, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho rằng trong một khuôn khổ pháp luật, đều là NSNN nhưng quá trình thực hiện thì phần ngân sách địa phương thực hiện đầu tư công do thẩm quyền địa phương quyết định dường như không có gì vướng mắc, nhưng phần ngân sách Trung ương phân bổ cho các địa phương lại bị chậm.

Do vậy, đại biểu của đoàn Ninh Bình đồng tình sửa đổi quy định về thủ tục phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn hàng năm theo hướng dần đẩy mạnh phân cấp, tăng cường hậu kiểm. Thủ tướng Chính phủ giao tổng mức kế hoạch đầu tư vốn cho các Bộ, ngành, địa phương kèm theo nhiệm vụ và tiêu chí, nguyên tắc. Các đơn vị chịu trách nhiệm phân bổ chi tiết và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để theo dõi, kiểm tra, giám sát. Đây là mấu chốt của việc tháo gỡ khó khăn.

Ở góc độ quản lý nhà nước, đại biểu Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định), Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách, cho rằng sửa Luật Đầu tư công cần tập trung quản lý NSNN về một mối, kể cả chi thường xuyên và chi đầu tư.

"Hiện nay, ở nước ta NSNN do 2 cơ quan quản lý là Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý phân bổ, chi đầu tư còn Bộ Tài chính quản lý phân bổ chi thường xuyên dẫn đến tình trạng nguồn lực phân tán, chồng chéo, thiếu thống nhất trong quản lý NSNN. Từ đó làm giảm hiệu quả chi NSNN, sử dụng NSNN phân tán, manh mún, xé lẻ, thiếu sự gắn kết giữa chi thường xuyên và chi đầu tư", ông Chiểu nói.

Bên cạnh đó, việc đầu tư phải theo một quy trình đầy đủ từ đưa dự án vào kế hoạch, triển khai dự án, giải ngân, quyết toán, bảo hành, bảo dưỡng công trình và đánh giá hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, trong tất cả quy trình trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ thực hiện nhiệm vụ phân bổ kế hoạch, vốn đầu tư trong nước, nguồn NSNN mà Bộ không nắm rõ hết được các quy trình khác, đặc biệt là thiếu sự theo dõi sau đầu tư để đánh giá và bố trí nguồn vốn cho bảo dưỡng, duy tu, vận hành công trình nên phân bổ kế hoạch đầu tư thường dàn trải, phân tán, thiếu bền vững. Tuổi thọ các công trình thường ngắn, đầu tư đi đầu tư lại nhiều lần gây thất thoát, lãng phí, không thể đánh giá một cách toàn diện, chính xác của việc đầu tư.

Đơn giản nhất quy trình, không thêm thủ tục mới

Thay mặt Chính phủ giải trình các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết trong quá trình tổng hợp các ý kiến sửa Luật, có gần 600 ý kiến nhằm thiết kế 3 nhóm chính sách liên quan tới 18 vấn đề lớn thuộc 108 điều luật.

"Do vậy, Chính phủ trình Quốc hội cho phép sửa tên là Luật Đầu tư công (sửa đổi). Căn cứ thảo luận của Quốc hội để quyết định tên gọi phù hợp. Nếu vẫn sửa nhiều thì mong Quốc hội chấp nhận đề nghị của Chính phủ", Phó Thủ tướng nói. 

Về quan điểm sửa Luật, Chính phủ thống nhất cần thể chế hoá chủ trương đường lối của Đảng, quản lý chặt chẽ , nâng cao hiệu quả đầu tư công, gắn với cơ cấu lại thu chi ngân sách, phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền, cố gắng đơn giản nhất quy trình thủ tục,  không "đẻ" ra những quy trình thủ tục mới. Tăng cường kỷ luật kỷ cương ngân sách, tăng cường hậu kiểm, đảm bảo công khai minh bạch, giám sắt chặt chẽ, có chế tài xử lý vi phạm.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát để đánh giá, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết trong dự thảo.

Về một số vấn đề cụ thể, như Luật hiện hành quy định chi tiết sử dụng chi đầu tư phát triển trong NSNN, trong khi các khoản chi của đơn vị sự nghiệp không nằm trong cân đối NSNN, Phó Thủ tướng đồng tình với đại biểu khi cho rằng điều này tạo ra bất cập, có những sửa chữa nhỏ, vài trăm triệu cũng phải thực hiện đầy đủ thủ tục như đầu tư công. Dự thảo Luật mới không bỏ nội dung này nhằm bảo đảm nguyên tắc chi NSNN nhưng sẽ giao cho Chính phủ quy định chi tiết về nguyên tắc chung để vừa chặt chẽ nhưng cũng tạo thuận lợi trong đơn vị thực hiện.

Về tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, Phó Thủ tướng đồng tình với một số đại biểu khi cho rằng tổng mức đầu tư không đồng nghĩa với vốn nhà nước nằm trong dự án.

"Các dự án có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, có một phần vốn Trung ương cũng ngày càng nhiều lên, hơn nữa dự án Luật này được sửa đổi là cho một thời gian dài, chứ không chỉ vài ba năm", Phó Thủ tướng nêu ý kiến, đồng thời cũng cho biết Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu tiêu chí, căn cứ xác định mức vốn nhà nước trong dự án đầu tư… để có căn cứ trình Quốc hội xem xét, quyết định, vừa đảm bảo thẩm quyền Quốc hội, vừa đảm bảo linh động trong tổ chức thực hiện.

Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND, UBND các cấp, Chính phủ sẽ tiếp thu, chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, đồng thời đề nghị dự thảo Luật thống nhất quy định cả thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh để quyết định đầu tư dự án đột xuất nhưng có tính quan trọng./.

Theo Chinhphu.vn