27/11/2024 lúc 22:36 (GMT+7)
Breaking News

Đấu thầu qua mạng: Xu thế tất yếu của "cách mạng công nghiệp 4.0"

VNHN-Đấu thầu qua mạng (ĐTQM) được xem là nằm trong tiến trình phát triển và là xu thế tất yếu trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mà Việt Nam đang theo đuổi.

VNHN-Đấu thầu qua mạng (ĐTQM) được xem là nằm trong tiến trình phát triển và là xu thế tất yếu trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mà Việt Nam đang theo đuổi.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, yếu tố ranh giới, không gian địa lý gần như bị xoá bỏ. Thay vào đó là nền tảng tự động hoá, số hoá và mang tính chất kết nối giữa thực và ảo. Cũng chính từ đây, các hệ thống công nghiệp 4.0 dần thay thế những hình thức kinh doanh, mua bán và trao đổi truyền thống.

Trong lĩnh vực đấu thầu tại Việt Nam, hình thức đấu thầu qua mạng đang dần thay thế đấu thầu trực tiếp. ĐTQM đang trở thành một phần trong hệ thống công nghiệp 4.0, góp phần sử dụng ngân sách nhà nước một cách hiệu quả và minh bạch hơn.

Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia liên tục được nâng cấp và phát triển để phục vụ người dùng một cách tốt nhất.

Theo thống kê của Trung tâm ĐTQM Quốc gia, năm 2017, số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng tăng hơn gấp đôi so với năm 2016, đạt 8.200 gói với tổng giá trị khoảng 9.000 tỷ đồng. Riêng 7 tháng đầu năm 2018, đã có 8.900 gói thầu được thực hiện qua mạng, vượt số lượng gói thầu điện tử trong cả năm 2017, trong đó có gói thầu trị giá lên tới 194 tỉ đồng.

Thành công này có sự góp sức không nhỏ của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (VNEPS). VNEPS ra đời năm 2009, do Trung tâm ĐTQM Quốc gia, Cục quản lý đấu thầu, Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư trực tiếp quản lý. Hệ thống giúp doanh nghiệp, nhà thầu tiếp cận hàng ngàn cơ hội kinh doanh từ các dự án mua sắm công trên toàn quốc trên tất cả các lĩnh vực như mua sắm hàng hoá, xây lắp, tư vấn và phi tư vấn.

VNEPS tại Việt Nam đạt 4 điều kiện mà tạp chí Forbes đã đưa ra cho mọi “Hệ thống công nghiệp 4.0”, đồng thời mở ra cơ hội lớn các doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường mua sắm công:

Có khả năng liên kết

Một trong những khó khăn của các doanh nghiệp khi muốn mở rộng thị trường hoạt động sang lĩnh vực mua sắm công, đó là việc tiếp cận thông tin dự án. VNEPS giúp giải quyết vấn đề này.

Hiểu đơn giản, VNEPS giống như một sàn thương mại điện tử trung gian giúp kết nối doanh nghiệp với chủ đầu tư của các dự án mua sắm công. Các dự án này sẽ được mời thầu cạnh tranh trên trang web http://muasamcong.mpi.gov.vn của VNEPS. Chỉ cần đăng ký hồ sơ thành viên, các nhà thầu đã có thể tiếp cận được thông tin dự án, cơ hội đấu thầu và tham dự thầu một cách nhanh chóng tiện lợi.

Lợi ích của Hệ thống này đó là loại bỏ hoàn toàn các cản trở về điạ lý. Chỉ cần một máy tính có kết nối mạng, mọi nhà thầu ở mọi địa phương đều có thể tham gia đấu thầu cho tất cả các gói thầu mua sắm công trên hệ thống. Quá trình giao dịch, trao đổi thông tin giữa nhà thầu và bên mời thầu được thực hiện hoàn toàn trực tuyến trên Hệ thống.

Minh bạch thông tin

Toàn bộ thông tin đấu thầu từ kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo sơ tuyển, thông báo mời thầu, hồ sơ mời thầu, biên bản mở thầu, đến kết quả lựa chọn nhà thầu đều được công khai trên Hệ thống. Người dùng có thế dễ dàng tiếp cận thông tin này trên website của VNEPS http://muasamcong.mpi.gov.vn/. Hiện tại, Ứng dụng Mua sắm công thuộc VNEPS đã có phiên bản di động cho hệ điều hành iOS và Android, giúp người dùng cập nhật thông tin đấu thầu mọi lúc, mọi nơi.

Đặc biệt, ĐTQM có thể giúp loại bỏ tình trạng thông thầu, "quân xanh quân đỏ" nhờ việc giữ bí mật số lượng và thông tin nhà thầu tham gia đến trước thời điểm mở thầu. Cụ thể, không bên nào, kể cả bên mời thầu hay nhà quản trị Hệ thống, có thể biết được nhà thầu nào nộp thầu cho đến khi mở thầu. Từ đó, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất cả các nhà thầu khi tham gia đấu thầu qua mạng.

Nền tảng công nghệ giúp tiết kiệm chi phí đấu thầu

Hồ sơ mời thầu được tải miễn phí qua mạng. Chi phí để nộp một hồ sơ dự thầu qua VNEPS chỉ là 330.000 đồng (đã bao gồm thuế GTGT). Nhà thầu không còn phải tốn chi phí vận chuyển, in ấn, lưu trú để tham gia đấu thầu.

Nhân sự và thời gian dành cho đấu thầu cũng giảm đáng kể khi mọi thao tác đều được số hóa. Về phía doanh nghiệp, chi phí này giúp cắt giảm chi phí đầu vào, gia tăng tính cạnh tranh khi đấu thầu. Về phía nhà nước, chi phí cắt giảm góp phần tăng hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách.

Theo ước tính, các gói thầu đạt được tỷ lệ tiết kiệm tới 9,23%, tương đương 475 tỷ đồng. Cụ thể, tại Sơn La, với 53 gói thầu thực hiện ĐTQM trong năm 2017, tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu tăng từ 1,2% lên 9,5%. ĐTQM cũng giúp cắt giảm nhân sự tham gia vào quá trình mở thầu từ 10-12 người xuống còn 3 người so với hình thức đấu thầu truyền thống.

Đơn giản hoá toàn bộ quá trình đấu thầu

Toàn bộ quy trình đấu thầu qua mạng trên Hệ thống đều được tối ưu và đơn giản hoá, từ bước lập, đăng tải kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu; chuẩn bị và nộp hồ sơ dự thầu; đến mở thầu, đánh giá và công bố kết quả lựa chọn nhà thầu.

Thông tin trên hệ thống được lưu và sử dụng cho nhiều lần đấu thầu. Đối với chủ đầu tư và bên mời thầu, các thông tin đấu thầu nhập trên hệ thống như kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu đều được kết nối với nhau. Hệ thống sẽ tự động điền lên các form, biểu mẫu có trường thông tin liên quan. Giá dự thầu được Hệ thống tự động tính toán, cập nhật từ bảng chào giá chi tiết nên không còn sai lệch, hiệu chỉnh lỗi số học đối với gói thầu điện tử. Với nhà thầu, các thông tin liên quan đến hồ sơ năng lực kinh nghiệm, như thông tin doanh nghiệp, năng lực tài chính, hợp đồng đã thực hiện,… có thể được khai sẵn và lựa chọn sử dụng cho tất cả các gói thầu. Trong Quý 4/2018, Bộ KH&ĐT sẽ ban hành Thông tư mẫu báo cáo đánh giá đối với hồ sơ dự thầu qua mạng, theo đó các hạng mục đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu sẽ được Hệ thống chấm tự động.

Ngoài ra, Hệ thống liên tục được nâng cấp về tốc độ truyền dữ liệu và gia tăng dung lượng file tải lên. Và khi càng nhiều thao tác được điện tử hoá bao nhiều, nhà thầu càng giảm được thời gian, chi phí và công sức tham gia đấu thầu bấy nhiêu.

Đánh giá về sự cần thiết và xu thế phát triển của ĐTQM tại Việt Nam, ông Alexander Fox, chuyên gia đấu thầu cao cấp của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết: “Áp dụng đấu thầu qua mạng là một ưu tiên trong cải cách đấu thầu mua sắm công ở nhiều quốc gia đang phát triển, và thực tiễn cũng đã xác nhận rằng, áp dụng đấu thầu qua mạng là cần thiết để đạt được hệ thống mua sắm công minh bạch và hiệu quả".

Về Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia

Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (http://muasamcong.mpi.gov.vn) ra đời năm 2009, được quản lý bởi Cục quản lý đấu thầu, Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư.

● Các nhà thầu được tiếp cận với hàng ngàn cơ hội kinh doanh từ các gói thầu mua sắm công trên cả nước, trong tất cả các lĩnh vực mua sắm hàng hoá, xây lắp, tư vấn và phi tư vấn.

● Mọi nhà thầu đều có cơ hội tiếp cận thông tin và tham gia đấu thầu như nhau. Số lượng, thông tin nhà thầu nộp thầu chỉ có thể biết được sau khi mở thầu.

● Tải hồ sơ mời thầu, lập và nộp hồ sơ dự thầu, trao đổi giữa nhà thầu và bên mời thầu đều được thực hiện thông qua Hệ thống.

Hiện tại, Ứng dụng Mua sắm công: Đấu thầu đã chính thức có mặt trên nền tảng di động iOS và Android, cho phép người dùng có thể truy cập và tìm kiếm thông tin gói thầu mọi lúc, mọi nơi.

Android: https://goo.gl/RMSvT1

iOS: https://goo.gl/ojRybP

Vừa qua, Bộ KH&ĐT đã tổ chức Diễn đàn Đấu thầu qua mạng Việt nam 2018, đánh dấu sự kiện quy mô quốc gia lần đầu tiên được tổ chức về đấu thầu qua mạng. Thông tin chi tiết, truy cập http://egpforum2018.muasamcong.gov.vn/.