Thành Nhà Hồ là một toà thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có nhiều đặc điểm và giá trị Văn hóa độc đáo, duy nhất còn lại ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới và ngày càng khẳng định được giá trị đích thực trong danh mục các di sản Văn hóa của nhân loại và càng nâng cao trọng trách tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản không chỉ của Thanh Hóa mà của cả nước trong trách nhiệm trước thế giới theo Công ước Di sản Thế giới của UNESCO. Trong giai đoạn từ năm 2011 - 2021, công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ đã gặt hái được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng đáng tự hào, là cơ sở khoa học làm nổi bật thêm giá trị của di sản.
Di sản Văn hoá Thế giới Thành Nhà Hồ
Đường Hoàng Gia: Trong những năm qua Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ phối hợp với Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật, nghiên cứu đường Hoàng Gia tại vị trí trước cửa Nam Thành Nhà Hồ với diện tích 1500m2.Việc khai quật khảo cổ làm xuất lộ một phần kiến trúc di tích con đường, một lần nữa đã khẳng định những giá trị chân xác của di tích này. Đồng thời đã bổ sung những tư liệu khoa học quý giá vào hồ sơ Thành Nhà Hồ, tạo cơ sở để tiếp tục tiến hành những nghiên cứu, khai quật tiếp theo.
Công trường khai thác đá An Tôn: Công trường khai thác đá cổ núi An Tôn được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ phát hiện tháng 7 năm 2011, thuộc hệ thống núi An Tôn, làng Phù Lưu, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá, cách Thành Nhà Hồ khoảng 3 km về phía Tây - Bắc. Tháng 11 năm 2011 Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật công trường khai thác đá cổ lần thứ nhất với diện tích 350m2. Kết quả khai quật, chứng minh tính xác thực và khẳng định đây là một trong những công trường khai thác đá cổ, cung cấp nguyên liệu chính cho việc xây dựng Thành Nhà Hồ.
Khai quật Công trường khai thác đá An Tôn
Di tích Gò Ngục và Cồn Mả: Tháng 8 năm 2012, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành thám sát và khai quật hai di tích này, với diện tích Gò Ngục là 700m2 (thuộc làng Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến), Cồn Mả là 200m2 (thuộc làng Đông Môn, xã Vĩnh Long). Đây là hai di tích phụ cận nằm trong các làng cổ khu vực Di sản Thành Nhà Hồ. Kết quả khai quật Gò Ngục thấy rõ được vết tích nền móng thời Hồ được thời Lê sơ sử dụng lại và rất nhiều hiện vật có niên đại thế kỷ 14 - 15. Cuộc khai quật Cồn Mả đã xác định sơ bộ đó là dấu tích mai táng thời Lê sơ, là cơ sở cho việc tư vấn và xây dựng các kế hoạch chiến lược khảo cổ học.
Khai quật Di tích Gò Ngục và Cồn Mả
Đàn tế Nam Giao: Với mục đích đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học phục vụ cho công tác xây dựng hồ sơ và quản lý bảo tồn di sản, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã phối hợp với Viện Khảo Cổ học tiến hành khai quật nghiên cứu di tích này với trên 80% diện tích của di tích. Kết quả khai quật đã làm phát lộ cơ bản dấu tích các kiến trúc quan trọng của đàn tế Nam Giao, làm cơ sở để trùng tu, tôn tạo và phục dựng di tích đồng thời bổ sung những cơ sở khoa học làm nổi bật thêm giá trị của di tích đàn tế Nam Giao trong tổng thể Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ.
Khai quật Đàn tế Nam Giao
Dự án Hào thành: Bao gồm Phía Nam và phía Bắc được thực hiện vào năm 2015 và 2016. Cuộc khai quật đã phát lộ và làm sáng rõ cấu trúc và chức năng của Hào thành trong cấu trúc tổng thể với thành đá Thành Nhà Hồ. Phía Đông và phía Tây, năm 2019, 2020 Trung tâm Bảo tồn Di sản thành Nhà Hồ đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiếp tục khai quật di tích Hào thành phía Đông và Tây với tổng diện tích 7.000m2 nhằm mục đích tìm hiểu rõ hơn về kiến trúc Hào thành khu vực thành Nhà Hồ. Kết quả, Cuộc khai quật đã phát lộ và làm sáng rõ cấu trúc và chức năng của vị trí chân thành và cấu trúc và chức năng của Hào thành. Đối với khu vực chân thành rộng trên 80m, chân thành được đắp bằng đất sét màu nâu được đầm nện khá chắc chắn. Trên khắp mặt chân thành là dấu tích của vật liệu đá, gạch và đồ gốm sứ. Nhiều vật liệu đá lớn đã gần thành phẩm có kích thước và dáng dấp tương tự như đá xây dựng tường thành. Bên cạnh các khối đá là các dăm đá nhỏ, dấu vết của sự gia công các khối đá chứng tỏ đá xây dựng tòa thành sau khi được chế tạo ở An Tôn đã tiếp tục được tinh chế tại đây. Như vậy, khu vực chân thành vừa để bảo vệ móng thành và tường thành vừa đóng vai trò như một công trường tiếp tục tinh chế vật liệu đá xây dựng tòa thành. Đối với hào nước, chiều rộng bề mặt hào thành có thể xấp xỉ trên 90m, khu vực gần đáy hào (tính từ dấu tích kè đá) rộng 52m, sâu tính từ mặt đường là trên 6,50m. Bề mặt hào rộng và có xu hướng thoải dần vào trong mà dự đoán bước đầu nhận ra có 3 cấp giật vào trong ở bờ hào phía Bắc và phía Nam.
Khai quật Hào Thành
Tường thành phía Bắc: Trong năm 2018, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật đoạn tường thành phía Đông Bắc di sản Thành Nhà Hồ với tổng diện tích 400m2, nhằm mục đích tìm hiểu rõ hơn về kỹ thuật gia cố lớp đất đắp trên tường thành, lớp móng gia cố và nền gia cố chân thành khu vực tường thành phía Đông Bắc Thành Nhà Hồ. Kết quả cuộc khai quật đã cung cấp nguồn tư liệu về cấu trúc tường thành thành Nhà Hồ từ đó tạo căn cứ khoa học cho việc trùng tu lại khu vực tường thành phía Bắc và làm rõ được cấu trúc gia cố thành đất bên trong thân tường đá.
Đền thờ Trần Khát Chân, Năm 2017, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật nghiên cứu di tích đền thờ Trần Khát Chân với tổng diện tích 300m2. Được biết, tại di tích đền thờ Trần Khát Chân, ngoài ghi chép của những bộ cổ sử về lịch sử liên quan đến ngôi đền thì bằng chứng về khảo cổ học đến nay đều chưa có cơ sở để khẳng định một cách chắc chắc về lịch sử xây dựng ngôi đền cũng như những vấn đề khác liên quan đến triều đại nhà Hồ. Ngoài ra, những dấu tích như chân tảng, gạch bìa… mang đặc trưng cuối thời Trần - đầu thời Lê hiện còn lại ở ngôi đền sẽ giúp xác định niên đại cho di tích. Vì vậy, việc tiến hành khai quật sẽ góp phần thực hiện đúng theo khuyến nghị của UNESCO, đưa di tích đền thờ Trần Khát Chân vào khu vực đề cử di sản Thành Nhà Hồ.
Đền thờ Thượng tướng Trần Khát Chân
Núi Xuân Đài, Năm 2018, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật nghiên cứu di tích núi Xuân Đài, xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc với tổng diện tích 500m2. Kết quả khai quật khảo cổ học đã chỉ ra đây là một di tích có quy mô kiến trúc, nhiều hiện vật được phát hiện và có giá trị lịch sử.
Khai quật khu vực Thành Nội
Hiện nay, công tác khảo cổ đang tiếp tục thực hiện nghiên cứu, khai quật dò tìm dấu tích kiến trúc Chính điện, Đông Thái Miếu, Tây Thái miếu thuộc Thành Nội với diện tích 8.000m2. Bước đầu xuất lộ dấu tích nền móng sân lát gạch và các dấu vết đầm móng trụ của các công trình kiến trúc cùng hàng vạn đơn vị hiện vật liên quan, làm cơ sở khoa học để chứng minh cho một chính điện thiết triều của cả một quốc gia. Công tác nghiên cứu khai quật dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2021. Như vậy sau 10 năm được công nhận Di sản Văn hoá thế giới, đến nay công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Thành Nhà Hồ đã có những chuyển biến tích cực rõ rệt...Góp phần tô đậm thêm cho lịch sử hào hùng, vẻ vang của vùng Di sản Thế Giới nói riêng và nhân dân Thanh Hoá nói chung. Nhà nghiên cứu người Pháp L.Bezacier đã từng viết: “Công trình Thành Nhà Hồ là một trong những tác phẩm đẹp nhất của kiến trúc An Nam"./.