VNHN - Đó là ý kiến kiến nghị của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tại công văn số 64/2018/HHTVN gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), về việc góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, thay thế cho Quyết định 73/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 trước đây.
Ảnh minh họa
Được biết, sau khi VSA tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp là thành viên của VSA- đơn vị thường xuyên nhập khẩu thép phế làm nguyên liệu sản xuất đều cho rằng: Thép phế là nguyên liệu chính cho các nhà máy luyện thép bằng lò điện hồ quang.
Thực tế cho thấy, nguồn phế liệu phát sinh trong nước chưa đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất thép. Chính vì vậy, hàng năm các nhà máy luyện thép bằng lò điện hồ quang trong nước đã phải nhập khẩu một lượng lớn thép phế liệu từ nước ngoài về làm nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước. Đơn cử, năm 2017 các doanh nghiệp đã phải nhập khẩu tới 4,5 triệu tấn, năm 2018 dự kiến khoảng 5 triệu tấn.
VSA cho biết, trong một số cuộc họp thời gian qua Bộ TNMT đã đưa ra dự thảo loại bỏ các hạng mục liên quan đến ngành thép, bao gồm: xỉ hạt nhỏ (có lộ trình), các phế liệu vonfram, molypden, magie, titan, zircon, antimon và crom, VSA đã đồng tình với phương án Bộ TNMT đưa ra.
Tuy nhiên, trong dự thảo tại công văn số 6341/BTNMT-TCMT ngày 19/11/2018 của Bộ TNMT lại bãi bỏ thêm loại thép phế mã HS 7204.49.00. Đây là loại “phế liệu và mảnh vụn khác của sắt hoặc thép : loại khác” mà các doanh nghiệp vẫn thường nhập khẩu, đó là đầu mẩu phôi thép phế liệu, thép ray, dề xê thép tấm…
Nếu thực sự cấm nhập khẩu phế liệu có mã trên thì các doanh nghiệp sản xuất thép lò điện hồ quang trong nước gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.
Để đảm bảo đủ nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép của doanh nghiệp lò điện hồ quang, VSA đã gửi công văn số 64/2018/HHTVN tới Bộ Tài nguyên và Môi trường với quan điểm: Giữ nguyên loại thép phế mã HS 7204.49.00 trong danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất./.