07/01/2025 lúc 09:52 (GMT+7)
Breaking News

Đánh giá hoạt động đổi mới sáng tạo của địa phương góp phần thúc đẩy phát triển Thủ đô

Dựa trên bộ chỉ số này, các nhà hoạch định chính sách, các cấp lãnh đạo địa phương sẽ có cơ sở xác định, lựa chọn các định hướng, giải pháp phù hợp cho việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương mình dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

     Ảnh minh họa.

Theo kết quả xếp hạng PII 2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Hà Nội là địa phương có điểm số cao nhất 62,86 điểm với đầu vào đổi mới sáng tạo đạt 62,55 và đầu ra đổi mới sáng tạo đạt 63,17 nhờ dẫn đầu 14 chỉ số trong 52 chỉ số thành phần.

Trong số này có các chỉ số về nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo như: Nhân lực, chi cho nghiên cứu phát triển, số lượng tổ chức khoa học công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo và các đầu ra về tài sản trí tuệ như sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng, kiểu dáng công nghiệp hay các tác động đến kinh tế - xã hội như chỉ số phát triển con người.

Năm 2022, Hà Nội cũng dẫn đầu khi có số điểm về chỉ số đổi mới sáng tạo cao nhất (61,07 điểm) trong số 20 địa phương thử nghiệm PII 2022.

Kết quả này là tổng hòa của nhiều yếu tố. Trong đó, Hà Nội có lợi thế là nơi hội tụ những tiềm năng, thế mạnh để trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Trên địa bàn Thủ đô tập trung hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học và viện nghiên cứu của cả nước; 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và có 82% số phòng thí nghiệm của cả nước. Số nhà khoa học đầu ngành đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước.
 Dựa trên bộ chỉ số này, các nhà hoạch định chính sách, các cấp lãnh đạo địa phương sẽ có cơ sở xác định, lựa chọn các định hướng, giải pháp phù hợp cho việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương mình dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo kết quả công bố, 10 địa phương dẫn đầu đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023 là: Hà Nội (xếp hạng 1), Thành phố Hồ Chí Minh (hạng 2), Hải Phòng (hạng 3), Đà Nẵng (hạng 4), Cần Thơ (hạng 5) và 5 địa phương có công nghiệp phát triển nhất là Bắc Ninh (hạng 6), Bà Rịa-Vũng Tàu (hạng 7), Bình Dương (hạng 8), Quảng Ninh (hạng 9), Thái Nguyên (hạng 10).

Các địa phương có chỉ số đổi mới sáng tạo thấp là: Cao Bằng, Lai Châu, Gia Lai, Hà Giang, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Bắc Kạn, Quảng Trị, Đắk Nông…

Theo các chuyên gia, điểm chung của các địa phương dẫn đầu đổi mới sáng tạo là có quy mô lớn, kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người cao, hạ tầng hoàn thiện, vốn con người cùng số lượng doanh nghiệp dồi dào.

Trong đó, các thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) là khu vực quan trọng về quân sự, chính trị, văn hóa, kinh tế. Số còn lại là địa phương có công nghiệp phát triển, thu hút, tập trung các khu công nghiệp lớn của cả nước. Vì thế, các chính sách hỗ trợ thông thoáng, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi sự, đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, xét theo đặc thù, mỗi địa phương lại có điểm nhấn riêng khi được “đo” bằng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo. Hà Nội đạt điểm tuyệt đối ở các cấu phần về nhân lực nghiên cứu phát triển, cũng như mức chi cho hoạt động này. Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới sáng tạo tại đây cũng đạt 100 điểm.

Ở đầu ra, số lượng tài sản trí tuệ (bằng sáng chế, giải pháp hữu ích) thuộc nhóm đầu cả nước. Thành phố Hà Nội cũng có chính sách đặc thù trong thu hút đầu tư nước ngoài, trọng tâm là các dự án quy mô lớn, chất lượng cao.
 Do đó, thông qua số liệu về đo lường, đánh giá từ bộ Chỉ số PII2023, Hà Nội có được tầm nhìn tổng thể, đa ngành, đa lĩnh vực về năng lực đổi mới sáng tạo, qua đó sẽ phát huy thế mạnh và khắc phục những điểm còn tồn tại của mình. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường kết nối, phát huy có hiệu quả tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia; huy động đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu ở các viện nghiên cứu, trường đại học... trên địa bàn cùng vào cuộc.
Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận điểm số tuyệt đối ở chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạ tầng số và tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu, phát triển. Điểm nhấn của Hải Phòng nằm ở chính sách thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo cho phát triển kinh tế-xã hội…

Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương có 52 chỉ số, chia làm 7 trụ cột (theo nguyên lý của Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu), gồm có: 5 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Thể chế; vốn con người và nghiên cứu và phát triển; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; Trình độ phát triển của doanh nghiệp.

Hai trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế-xã hội: Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; Tác động.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, chuyên gia quốc tế do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) giới thiệu đã đánh giá Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế về mặt thống kê và phương pháp luận.

Quy trình tính toán có các bước rõ ràng và theo sát quy trình của Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, dựa trên các thông lệ tốt nhất được Ủy ban châu Âu, Liên hợp quốc và một số tổ chức quốc tế khác áp dụng.

Dữ liệu phục vụ xây dựng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương được lấy từ hai nguồn chính. Đó là từ số liệu thống kê, quản lý Nhà nước được công bố chính thức từ các bộ, cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức ở trung ương (có 39/52 chỉ số), và do các địa phương thu thập và cung cấp, kèm theo các tài liệu minh chứng (có 13/52 chỉ số).

Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn và tổ chức các buổi trao đổi, tập huấn cho các địa phương để thu thập các dữ liệu cũng như cung cấp các tài liệu minh chứng liên quan.

Với việc thiết kế các chỉ số phù hợp với bối cảnh thực tiễn, đặc điểm của các địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ kỳ vọng sẽ giúp các địa phương nhìn thấy điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nêu sự cần thiết của Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, nhiều văn bản quan trọng của Đảng và Chính phủ đã khẳng định phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nước ta theo hướng “chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

Muốn hình thành, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thì cần có mô tả định lượng để giúp hình dung và cụ thể hóa thành mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, do đó, Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương nhằm mô tả hiện trạng mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của địa phương.

Với sự khác biệt giữa các địa phương về quy mô kinh tế-xã hội, dân số, đất đai, cơ cấu kinh tế, định hướng phát triển..., các địa phương cần phải lựa chọn mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo khác nhau, phù hợp với bối cảnh, điều kiện, đặc điểm riêng có của địa phương mình. Do đó, Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương giúp lãnh đạo các địa phương căn cứ vào đó có thể chỉ đạo, điều hành tốt hơn, sát với thực tiễn hơn.

Bên cạnh đó, ở cấp quốc gia, từ năm 2017, Chính phủ đã sử dụng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố hằng năm. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu xác định các điểm mạnh, điểm yếu của quốc gia, từ đó đưa ra các giải pháp cải thiện phù hợp, cũng như kịp thời xây dựng, ban hành các chính sách có liên quan.

Tuy nhiên, ở cấp địa phương, nhiều nơi còn lúng túng trong việc tham gia thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo cấp quốc gia, một trong những lý do là do nhiều số liệu thống kê tương tự ở cấp địa phương không có. Việc xây dựng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương cũng khắc phục được bất cập này.

Nhấn mạnh việc các địa phương khai thác, sử dụng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cho hoạt động chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế-xã hội, các chuyên gia cho rằng, không nên quá nặng việc so sánh điểm số giữa các địa phương, các điểm mạnh hay điểm yếu của một địa phương có khi chỉ là yếu tố tương đối.

Thí dụ, một địa phương phát triển dựa trên du lịch hay nông nghiệp, không chủ trương phát triển công nghiệp thì điểm yếu về công nghiệp rất bình thường. Do đó, mỗi địa phương có những định hướng phát triển khác nhau thì việc khai thác bộ chỉ số này cũng sẽ khác nhau.

Bên cạnh cung cấp căn cứ khoa học và các minh chứng về điểm mạnh, điểm yếu, về các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương, Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương còn là thông tin tham khảo hữu ích về môi trường đầu tư địa phương giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp có các quyết định phù hợp.

 

Vũ Nhật