22/11/2024 lúc 09:19 (GMT+7)
Breaking News

Đảng ta

Không có nơi nào trên thế giới này, có một cụm từ “ĐẢNG TA” được lưu luyến trong cửa miệng của đông đảo nhân dân dành cho Đảng cầm quyền. Theo các nhà nghiên cứu chính trị và lịch sử ở trong nước cũng như ở nước ngoài, hai từ đặc biệt ấy hàm chứa tâm trạng và tình cảm quý mến, biết ơn của nhân dân đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, đã và đang lãnh đạo đất nước và xã hội Việt Nam gần một thế kỷ qua, kể từ ngày lập Đảng.
Ai cũng biết rõ, giữa cảnh mất nước nhà tan, các phong trào yêu nước do các sĩ phu lãnh đạo đều bị thực dân Pháp dìm trong biển máu. Một tia nắng xuân đã lóa lên, xóa tan màn đêm tăm tối ấy - đó là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930. Với cương lĩnh chính trị vắn tắt là lãnh đạo nhân dân nước ta lật đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nhà nước dân chủ nhân dân, giành lại độc lập dân tộc, đem lại ruộng đất cho nông dân - một lực lượng chiếm hơn 90% dân số lúc bây giờ. Sự kiện lịch sử trọng đại ấy lại diễn ra trên sân cỏ bóng đá ở Hồng Kông để che mắt mật thám Pháp rải khắp nơi đang truy lùng những người yêu nước Việt Nam có tư tưởng chống Pháp, hiện hoạt động ở Hồng Kông, Quảng Châu (Trung Quốc). Mốc son quan trọng ấy được nhà thơ Tố Hữu ghi lại:

Như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ

Không quê hương, sương gió tơi bời

Đảng ta sinh ở trên đời

Một hòn máu đỏ nên người hôm nay…

Vâng, “hòn máu đỏ” ấy từng được nhân dân Việt Nam trân trọng nuôi dưỡng, đùm bọc, chở che, nhờ vậy Đảng ta đã lớn nhanh như Phù Đổng Thiên Vương! Vào tuổi 15, chỉ với hơn 5.000 đảng viên đã lãnh đạo nhân dân cả nước làm cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay công – nông, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Vào tuổi 24, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đánh sập chủ nghĩa thực dân Pháp ngự trị trên đất nước ta gần trăm năm. Đi tiếp cuộc trường chinh vạn dặm, với ý chí “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải giành bằng được độc lập tự do” từ tay bọn thống trị Mỹ Ngụy tàn bạo. Đến tuổi 45, Đảng ta đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, non sông liền dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau vào ngày 30/4/1975, cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội!

Chúng ta xúc động nhớ lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1960): “Với tất cả đức tính khiêm tốn của người cộng sản, chúng ta có quyền tự hào nói rằng: “Đảng ta thật là vĩ đại!” Vĩ đại, bởi lợi ích của Đảng gắn liền với lợi ích của nhân dân, dân tộc; vĩ đại bởi hàng trăm, hàng ngàn đảng viên vì lợi ích cao cả, thiêng liêng ấy, đã không sợ tù gông, bất chấp súng gươm và cả máy chém; vĩ đại bởi khi đã giành được chính quyền về tay, lập ra Chính phủ lâm thời, chỉ sau một ngày Tuyên ngôn độc lập, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập phiên họp đầu tiên bàn thảo và thông qua 6 nhiệm vụ cấp bách nhằm xây dựng cơ sở thực hiện quyền tự do, bình đẳng, xóa bỏ ngay các tệ nạn xã hội đang làm suy kiệt về thể chất và tinh thần người Việt Nam, đề ra các biện pháp trọng tâm để xây dựng xã hội mới, nền văn hóa mới và con người mới.

Chiến thắng thực dân, đế quốc để giành chính quyền đã khó, nhưng giữ chính quyền càng khó bội phần. Nhưng với tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ và Trung ương Đảng đã khẳng định, cách mạng là sự nghiệp của toàn dân, cần phải dựa vào dân, khơi dậy sức mạnh toàn dân tộc kết hợp tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè năm châu để từng bước giải quyết những khó khăn nan giải đặt ra trong thời chiến cũng như trong thời bình. Đảng ta, hơn ai hết thấm thía câu tổng kết của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi: “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”.

Với đạo lý có sức thu phục lòng người ấy, 93 năm qua, Đảng ta đã đoàn kết tập hợp, khơi dậy lòng yêu nước cùng tiềm năng về vật chất và tinh thần của 54 dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam và hơn 4 triệu người Việt Nam đang định cư, sinh sống ở nước ngoài, không phân biệt tôn giáo, thành phần giai cấp, xóa bỏ định kiến, xóa bỏ hận thù, khép lại quá khứ, hướng tới mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm độc lập, thống nhất, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, phần đấu xây dựng nước ta giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc. Với chủ trương có tính chiến lược và hợp lòng dân đó, chúng ta đã vượt qua được cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng vào những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 thế kỷ XX, mở ra chặng đường phát triển mới của dân tộc, thực thi mạnh mẽ đường lối đổi mới toàn diện đất nước được thông qua tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng vào năm 1986. Qua 36 năm thực hiện đường lối đó, chúng ta đã thu được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng. Đông đảo cán bộ, nhân dân ta đồng tình ủng hộ và tự nguyện, hăng hái thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm do Đảng đề ra: Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, xây dựng an ninh, quốc phòng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Diện mạo đất nước ta được khởi sắc mạnh mẽ với cơ sở hạ tầng giao thông được xây dựng từng bước quy mô, hiện đại. Các đô thị, khu công nghiệp đua nhau mọc lên, nhưng chúng ta không quên nhiệm vụ đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, khơi dậy nguồn lực to lớn để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thủy sản với việc áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến; qua đó cải thiện và từng bước nâng cao đời sống nông dân, ngư dân. Nhờ chủ trương xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu, chúng ta đã và đang huy động được tiềm năng sức mạnh của lực lượng nông dân hiện còn chiếm 70% dân số. Nhận thức rõ những “điểm nghẽn” trong chính sách mời gọi đầu tư nước ngoài, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước tham gia tích cực phát triển các khu kinh tế có vốn đầu tư lớn, Đảng, Nhà nước đã thường xuyên ban hành, bổ sung chính sách, tạo ra cơ chế ngày càng thông thoáng, cởi mở, do vậy, sau 2 năm chống chọi với đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; số doanh nghiệp mới được thành lập nhiều thêm, thu hút hàng vạn lao động, góp sức giải quyết từng bước những vấn đề xã hội nan giải. Trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, chúng ta từng bước khắc phục những khó khăn do thực tiễn nảy sinh để duy trì hoạt động. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được tăng cường; an ninh quốc phòng được giữ vững. Có thể nói rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, kế thừa phát huy các thành tựu trước đây, chưa bao giờ đất nước ta có cơ đồ vững chắc, vị thế quốc tế được nâng cao như hôm nay.

Song, trong niềm tự hào chính đáng đó chúng ta không quên lời cảnh báo của Bác Hồ: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(1).

Thấm sâu lời Bác dặn, cùng với việc tập trung sức phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ta thường xuyên quan tâm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đó là khâu “then chốt” quyết định sự tồn vong của Đảng và chế độ. Với Nghị quyết Đại hội XI, sau đó là Nghị quyết Đại hội XII, Đảng ta kiên trì và kiên quyết triển khai nhiệm vụ này một cách bài bản, khoa học, bám sát thực tiễn, với phương châm đề cao và phát huy công tác tự phê bình và phê bình, coi trọng việc nâng cao ý thức tự giác, vai trò gương mẫu, tiên phong của cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Giáo dục đi liền xử lý kỷ luật các cán bộ đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham ô, lãng phí, tiêu cực. Với phương châm dựa vào dân để xây dựng Đảng, lắng nghe tâm tư nguyện vọng và những kiến nghị chính đáng của nhân dân, đề cao vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận các cấp, công tác xây dựng Đảng có những chuyển biến tích cực. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp làm Trưởng ban; từ đầu năm 2022, 63 tỉnh, thành phố đều lập Ban chỉ đạo nhằm khắc phục nhanh hiện tượng “trên nóng dưới lạnh”, “dĩ hòa vi quý”. Phương châm xử lý vi phạm là “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” dù đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư - mặc dù đó là việc làm chúng ta đau lòng nhưng không thể không làm để bảo vệ nguyên tắc Đảng và pháp luật Nhà nước được thực hiện bình đẳng - như ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư. Theo đó, từ khóa XIII đến nay, đã có hơn 60 cán bộ lãnh đạo cao cấp bị xử lý kỷ luật Đảng, có cán bộ bị truy tố trước pháp luật. Tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII vào tháng 10/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định cho 3 Ủy viên Trung ương Đảng thôi chức, khai trừ một Ủy viên Trung ương ra khỏi Đảng… Tiếp đó, Ban Bí thư ban hành quyết định tiếp tục xử lý các cán bộ bị thi hành kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, chấp nhận việc họ tự nguyện thôi chức, hoặc hạ chức nếu còn tuổi làm việc đến hết nhiệm kỳ. Đây là cơ sở hình thành dần “văn hóa từ chức”, bảo đảm cho toàn Đảng và cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, làm cho niềm tin của các tầng lớp nhân dân được củng cố, tăng cường, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng từng bước được nâng cao.

Mùa xuân Quý Mão đang về, hứa hẹn sự bứt phá mới, hiệu quả mới, trong phát triển kinh tế gắn chặt với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để ĐẢNG TA thật sự là đạo đức, là văn minh, làm tròn sứ mệnh lãnh đạo đất nước và xã hội./.

PGS. TS. NGUYỄN HỒNG VINH
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng
Nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân 
Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương

-------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, t.15, tr.672.

... Theo tuyengiao.vn