VNHN- Ngày 29-7-1930, tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thanh Hóa chính thức được thành lập. Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã đánh dấu bước ngoặt trọng đại đối với con đường đấu tranh cách mạng và sự phát triển đi lên của tỉnh nhà xuyên suốt 90 năm qua.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 với nhiều thành tựu đã đạt được
Mặc dù phong trào đấu tranh chống lại sự xâm lăng của thực dân Pháp diễn ra rất mạnh mẽ, trên tinh thần yêu nước sục sôi. Song, đều lần lượt thất bại như: Phong trào Cần Vương, Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục… do thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết. Trước tình hình trên, nhiều thanh niên yêu nước của tỉnh Thanh Hóa đã ra tỉnh ngoài và nước ngoài để tìm đường giải phóng quê hương, đất nước, trong đó có Đinh Chương Dương, Lê Hữu Lập... Đến năm 1924, Lê Hữu Lập và một số người con ưu tú của tỉnh Thanh Hóa được bí mật đưa sang Quảng Châu, Trung Quốc tham gia tổ chức Tâm Tâm xã. Đồng thời được Nguyễn Ái Quốc kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Cuối năm 1925 Lê Hữu Lập đã được cử về nước để hoạt động, giữa lúc phong trào yêu nước tại tỉnh Thanh Hóa đang diễn ra hết sức mạnh mẽ. Tháng 5-1926 Lê Hữu Lập đã thành lập hội đọc sách báo tại số nhà 26 phố Hàng Than, thị xã Thanh Hóa. Qua đọc sách báo mà nhiều thanh niên đã được giác ngộ về tinh thần cách mạng, tạo cơ sở, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Việt Nam cách mạng Thanh niên. Tháng 4-1927, cũng tại số nhà 26 phố Hàng Than, thị xã Thanh Hóa, hội nghị đại biểu của 11 tiểu tổ của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở thị xã và các phủ, huyện đã thành lập tỉnh bộ Thanh Hóa và cử ra Ban chấp hành tỉnh bộ lâm thời do Lê Hữu Lập làm Bí thư.
Trước sự ảnh hưởng đường lối chính trị của tổ chức Thanh niên, tháng 2-1928, phái trẻ trong Đảng Phục Việt đã tách ra thành lập Đảng Tân Việt, do Nguyễn Xuân Thủy làm Bí thư. Sự hoạt động mạnh mẽ của tổ chức thanh niên và Đảng Tân Việt trở thành nền tảng, tư tưởng và tổ chức cho Đảng bộ Thanh Hóa ra đời.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, được sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, ngày 25-6-1930, tại làng Hàm Hạ, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, chị bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa chính thức ra đời. Ngày 10-7-1930 chi bộ cộng sản thứ 2 ra đời tại làng Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa. Đến ngày 22-7-1930, tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, chi bộ cộng sản thứ 3 ra đời. Trên cở sở 3 chi bộ Cộng sản nói trên, ngày 29-7-1930, tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thanh Hóa chính thức được thành lập.
Sự thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã tạo ra bước ngoặt trong việc lãnh đạo phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh nhà. Thành quả đầu tiên là việc lãnh đạo các tầng lớp nhân dân tiếp tục vùng lên đấu tranh và giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, Thanh Hóa là một trong những tỉnh đóng góp nhiều nhất về sức người, sức của, qua đó cùng với quân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẻ vang, lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Người dân Thanh Hóa mãi tự hào về lời khen của Bác Hồ “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh hóa cũng có một phần vinh dự ở đó”
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975, mặc dù Thanh Hóa là một trong những địa phương bị đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt nhất của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Song, với lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do” Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng đã đạt được, kiên trung lãnh đạo nhân dân và các lực lượng vũ trang chống lại kẻ thù. Trong đó có việc tham gia 10.158 trận đánh, bắn rơi 376 máy bay, bắt sống 36 giặc lái, tiêu diệt 57 tàu chiến. Nhiều địa danh trên địa bàn tỉnh đã đi vào huyền thoại như: Hàm Rồng, Lạch Trường, Đò Lèn, Phà Ghép. Cùng với đó Thanh Hóa tiếp tục là hậu phương lớn cho tiền tuyến với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người “. Ghi nhận những công lao to lớn của Đảng bộ và quân dân Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng và Nhà nước ta đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cảo quý như: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương độc lập hạng nhất; lực lượng vũ trang tỉnh thanh Hóa được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Toàn tỉnh đã có 219 tập thể, 98 cá nhân được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, 4.603 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lại một lần nữa lãnh đạo các tầng lớp nhân dân nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất. Phong trào xây dựng hệ thống thủy lợi, khai hoang, phục hóa, trồng cây hoa màu, lương thực… diễn ra sôi nổi khắp nơi. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, trường học được xây dựng như: Phân lân Hàm Rồng, giấy Mục Sơn, đường Lam Sơn, xi măng Bỉm Sơn, gỗ Điện Biên, hồ Yên Mỹ, sông Lý, sông Mực...
Bước vào công cuộc đổi mới mới đất nước, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Thanh Hóa không ngừng phát huy tinh thần đoàn kết và nội lực, khơi dậy tiềm năng, lợi thế, tranh thủ thu hút đầu tư từ bên ngoài. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đạt được thành tựu tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tộc độ tăng trưởng luôn ở mức cao. Sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Cơ giới hóa trong nông nghiệp được đẩy mạnh, một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nhiều trang trại chăn nuôi tập trung được hình thành. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh, là tỉnh dẫn đầu về sản lượng xi măng, mía đường... Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp đã được xây dựng và từng bước đi vào hoạt động, qua đó đã phát triển được một số ngành sản xuất then chốt như: Nhiệt điện, lọc hóa dầu, vật liệu xây dựng. Ngành du lịch có tốc độ tăng trưởng khá và đang từng bước được khơi dậy tiềm năng để trở thành kinh tế mũi nhọn. Môi trường đầu tư được cải thiện mạnh mẽ. Nhiều dự án lớn đã và đang được triển khai thực hiện, tạo sự chuyển biến lớn cho phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Trong đó phải kể đến dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 9,3 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm. Bước sang năm 2019, vượt qua thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, Thanh Hóa đã lần đầu tiên đạt được tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất từ trước đến nay (17.15%). Thu ngân sách đạt 28.806 tỷ đồng, gấp 6,5 lần so với năm 2010 và 2,5 lần năm 2015. Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản tăng 2,27%. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh, với giá trị sản xuất tăng là 32,6%. Xuất khẩu đạt 3.72 tỷ USD. Huy động vốn cho đầu tư phát triển đạt 125.000 tỷ đồng. Chương trình nông thôn mới có nhiều khởi sắc. Hiện nay đã có 6 đơn vị cấp huyện, 367 xã, 917 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới.
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn dự án hơn 9 tỷ USD đã được đầu tư và đi vào hoạt động
Hoạt động văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến rõ nét, an sinh xã hội được chăm lo, đời sống nhân dân được cải thiện. An ninh - quốc hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng được coi trọng và luôn được xác định là nhiệm vụ then chốt. Cùng với một số tỉnh thành, Thanh Hóa là tỉnh đi đầu trong thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng và Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII. Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, hiện nay tỉnh Thanh Hóa đã có 32 đảng bộ trực thuộc, 1.727 tổ chức Đảng cơ sở, gần 228.000 đảng viên, và là Đảng bộ có số lượng đảng viên cao thứ hai cả nước.
Bước sang năm 2020, kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 3,7%. Trong đó: Nông, lâm, thủy sản tăng 2,9%; công nghiệp xây dựng tăng 7,45%; dịch vụ giảm 1,66%; thuế sản phẩm tăng 1,98%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân tiếp tục được cải thiện. Quốc phòng an ninh tiếp tục được giữ vững và tăng cường. Phát huy những thành tựu và sức mạnh hiện đang có, 6 tháng cuối năm 2020, Thanh Hóa phấn đấu đạt mức tăng trưởng GRDP là từ 15,7%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,44 tỷ USD, tổng vốn đầu tư cho phát triển trên địa bàn 94.159 tỷ đồng. Sản lượng lương thực đạt 606,6 nghìn tấn. Thu ngân sách nhà nước đạt 14.182 tỷ đồng. Phấn đấu thêm 2 huyện và 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Giải quyết việc làm cho 52.500 lao động và thành lập mới thêm 1.679 danh nghiệp. Tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng bộ và sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Phấn đấu đạt mức cao nhất việc hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra. Qua đó làm tiền đề, động lực tiếp tục hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn 2020 - 2025, sớm đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu và công nghiệp theo hướng hiện đại./.