VNHN - Nhắc đến Bắc Ninh, là nhắc đến cái nôi văn hóa của người dân Bắc Bộ, với nhiều nét văn hóa đặc sắc còn lưu truyền cho tới ngày nay và Dân ca quan họ Bắc Ninh chính là môt di sản đặc trưng trong cái nôi Văn hóa ấy.
“Anh chưa đến làng quan họ để lặng nghe canh hát trao duyên
Anh chưa biết dòng sông cầu ngàn đời vui sóng nước lơ thơ
Anh cũng chẳng biết đến bao giờ ngồi tựa mạn thuyền buông câu hát đợi chờ…”
Chỉ với ba câu hát đầu trong bài hát “ Gửi về Quan họ “ của nhạc sĩ Đức Miêng - nhạc sĩ tài hoa của miền quan họ, đã gợi đến cho người nghe không ít tò mò về những câu hát, lối hát giao duyên thắm đượm tình cảm của các liền anh, liền chị mỗi dịp Tết đến, Thu sang.
.
Ảnh : internet
Theo sử sách có ghi lại rằng, Dân ca Quan họ là một trong những làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam, được hình thành và phát triển ở vùng văn hóa Kinh Bắc xưa, nhất là khu vực ranh giới hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh - nơi dòng sông Cầu chảy qua và được gợi nhớ với cái tên khác đầy lưu luyến là "dòng sông quan họ".
Bảo tồn cho những giá trị lịch sử này, năm 2009, Dân Ca quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Và sau 10 năm ( 2009 – 2019 ), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Ninh đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của Dân Ca Quan Họ.
Ảnh : internet
Vì được hình thành ở khu vực ranh giới hai tỉnh, nên Quan họ chính là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam. Mỗi một bài quan họ đều có giai điệu riêng, chứa đựng giá trị cốt lõi trong văn hóa ứng xử hàng ngày của người dân Kinh Bắc xưa.
Ảnh: internet
Chính xác thì đó là Văn hoá quan họ, là cách ứng xử thật khéo léo, tế nhị, kín đáo và mang đầy ý nghĩa như các làn điệu mời nước, mời trầu thật chân tình, nồng thắm mỗi khi có khách đến chơi nhà..
Dân ca quan họ là một nét đẹp văn hóa được truyền khẩu từ đời này qua đời khác mà vẫn lưu giữ vẹn nguyên giá trị tinh thần qua mỗi câu hát, cuốn hút cả những người lần đầu tiên thưởng thức và làm rung động những người chưa một lần đặt chân lên đất quan họ.
Tận hưởng các làn điệu dân ca quan họ, người nghe như được trở về không gian tĩnh lặng, êm đềm của những miền quê cổ xưa với những cây đa, bến nước, sân đình. Cảm giác được đắm mình trong không gian văn hóa của người Bắc Ninh, được tận mắt chứng kiến các liền anh liền chị với quần lĩnh áo the, nón quai thao tình tứ trao câu hát mượt mà như dòng sông Cầu, mới thấy hết cái hay cái tình của quan họ.
Và đối với người dân nơi đây, họ đã quen thuộc với hình ảnh các liền anh mặc áo dài 5 thân,dầu quấn khăn xếp ; các liền chị với “ áo mớ ba mớ bảy ” chít khăn mỏ quạ, đội nón quai thao, và thắt lưng đeo dây xà tích, đứng thành từng tốp nhỏ hát đối với nhau mỗi dịpTết đến hay Thu sang.
Còn du khách thập phương thì quan họ hẳn là một kho di dản để cho họ quan tâm, tìm hiểu về những giá trị lịch sử, giá trị tinh thần trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của một loại hình di sản có từ lâu đời.