Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường: Nhiều vị trí quanh nhà máy Rạng Đông có thuỷ ngân vượt ngưỡng cho phép nhiều lần, có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân xung quanh vụ cháy trong phạm vi bán kính 500m.
Tại cuộc họp báo chính phủ thường kỳ chiều 4/9, Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân cho hay, Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty) báo cáo nguồn thủy ngân có thể phát tán ra môi trường sau vụ cháy là khoảng 15kg, nhưng theo tính toán của các nhà khoa học thì khối lượng thực tế trên 27kg.
Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường: Võ Tuấn Nhân
Rất may 3 kho chứa Amalgam để sản xuất chưa bị cháy, nghĩa là một khối lượng lớn thủy ngân nằm ngoài khu vực bị cháy.
Kết quả lấy mẫu quan trắc, phân tích chất lượng môi trường không khí, đất, nước, chất thải rắn (tro xỉ sau khi cháy) của Sở Tài nguyên Môi trường TP Hà Nội, Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường) từ ngày 30/8 đến 1/9 cho thấy, 1/12 mẫu nước mặt ở điểm quan trắc cách Công ty 1,5 km có giá trị thuỷ ngân vượt quy chuẩn 1,3 lần theo TCVN.
Tại điểm quan trắc hố ga cạnh xưởng Led trong Công ty, 1/8 mẫu nước thải có giá trị thuỷ ngân vượt quy chuẩn; điểm quan trắc cách cống xả Công ty 1 km có 12/13 mẫu trầm tích và bùn đáy giá trị thuỷ ngân vượt quy chuẩn 6,1 lần; còn điểm quan trắc trong khuôn viên nhà kho thì 1/6 mẫu không khí có thuỷ ngân vượt 1,02 lần theo TCVN.
Tổng cục Môi trường cũng đã bố trí 4 vị trí lấy mẫu hấp phụ thuỷ ngân theo hướng phát tán của dòng khí tại khoảng cách 200 m, 500 m và 1.000 m tính từ hàng rào kho bị cháy.
Với khoảng cách 200 m, các mẫu hấp phụ thủy ngân đều có giá trị nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO và châu Âu (ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị). Các điểm quan trắc không khí phía trước khu cháy và trong nhà kho bị cháy có giá trị thủy ngân cao, vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO từ 10-30 lần (ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị).
Ngoài ra, 2/9 điểm quan trắc nước mặt có giá trị thủy ngân nằm ngoài khoảng khuyến cáo của WHO (ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe con người), đó là điểm ở hồ Hạ Đình và trên sông Tô Lịch, tại điểm cách ngõ 320 Khương Đình 1,5 km về phía hạ lưu.
Nồng độ thủy ngân trong môi trường đất tại các vị trí quan trắc đều không vượt quá ngưỡng có thể gây hại cho môi trường và sức khỏe của con người (theo khuyến cáo của Canada); nhưng mẫu đất trong khuôn viên vườn hoa của công ty có hàm lượng thủy ngân cao hơn các vị trí khác.
"Vụ cháy ở Rạng Đông là sự cố cháy nổ mất an toàn hoá chất, được đánh giá là quy mô ảnh hưởng trung bình nhưng thiệt hại lớn về tài sản, có tác động xấu đến sức khoẻ người dân và môi trường xung quanh; hoá chất gây ô nhiễm chủ yếu là thuỷ ngân và một số kim loại nặng", ông Nhân nói.
Theo ông, sau khi phân tích kết quả cũng như căn cứ vào khuyến cáo chuyên môn của WHO thì "Người dân sống trong bán kính 500 m tính từ hàng rào kho bị cháy sẽ chịu ảnh hưởng ô nhiễm thủy ngân".
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm, cơ quan chức năng đã đề nghị Công ty khẩn trương cô lập khu vực cháy, che chắn bằng mái tôn, phủ bạt để tránh mưa, không để hơi thuỷ ngân tiếp tục phát tán.
Công nhân phủ bạt quanh nhà kho bị cháy chiều 4/9 sau những trận mưa lớn vài ngày trước đó.
Đối với chất tàn dư sau vụ cháy, Công ty cần thu gom, lưu giữ trong container để xử lý theo quy định đối với chất thải nguy hại. Bộ Tài nguyên Môi trường đã kiến nghị Hà Nội phối hợp Bộ tư lệnh hoá học (Bộ Quốc phòng) tẩy độc khu vực cháy; tiếp tục thống kê chính xác hàng hoá nguyên vật liệu đang sử dụng bị cháy, đặc biệt là lượng thuỷ ngân lỏng để báo cáo cho cơ quan chức năng. Công ty cũng phải tổ chức kiểm tra sức khoẻ cho cán bộ, công nhân, người lao động.
Bộ Tài nguyên Môi trường phối hợp cơ quan chức năng của Hà Nội hướng dẫn cải tạo khu vực ô nhiễm và tiếp tục quan trắc một số địa điểm, đánh giá khả năng bay hơi của thuỷ ngân khi trời nắng.
Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam sẽ phối hợp chuyên gia Nhật Bản thiết lập mô hình giám sát ô nhiễm môi trường, quan trắc online thuỷ ngân trong khu vực kiểm soát sau sự cố.
Về lâu dài, quan điểm của Bộ Tài nguyên Môi trường là "các đô thị lớn phải có lộ trình thích hợp di dời các nhà máy có nguy cơ ô nhiễm, có nguồn hoá chất ra khỏi khu dân cư, bao gồm Công ty Rạng Đông, tránh sự cố tương tự".
"Tôi được biết Hà Nội đã có kế hoạch từ trước và đang trong lộ trình thực hiện việc này", ông Nhân nói.