02/01/2025 lúc 23:20 (GMT+7)
Breaking News

Đắk Nông: Kêu gọi hợp tác đầu tư từ các doanh nghiệp Hàn Quốc

Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc năm 2022” khu vực miền Trung Tây Nguyên đã diễn ra tại Bình Định, với các hoạt động hy vọng tạo nhiều chuyển biến mới trong hợp tác, thu hút đầu tư giữa các tỉnh miền Trung Tây Nguyên Việt Nam với Hàn Quốc.

Đến tham dự Hội Nghị thay mặt chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Nông, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông đã có bài phát biểu giới thiệu một số nét nổi bậc về tiềm năng và lợi thế của tỉnh nhằm kêu gọi hợp tác đầu tư từ các doanh nghiệp Hàn Quốc :

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông (Áo dài hồng) tại hội nghị.

Tỉnh Đắk Nông có tổng diện tích tự nhiên 6.514 km2, dân số hơn 680.000 người, có hơn 40 dân tộc anh em cư trú trên địa bàn 08 huyện và thành phố Gia Nghĩa. Tỉnh Đắk Nông nằm ở cửa ngõ phía Nam khu vực Tây Nguyên, là đầu mối giao thương giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, có các tuyến quốc lộ 14, 14c, 28 chạy qua, có đường biên giới 141km và hai cửa khẩu quốc gia là Bu Prăng và Đăk Per nối với nước bạn Campuchia, tạo cho Đắk Nông điều kiện thuận lợi để liên kết phát triển với các vùng, miền, quốc gia.

Ngoài những lợi thế về vị trí nêu trên, Đắk Nông còn là nơi hội tụ nhiều tiềm năng lợi thế nổi bật để phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, khoáng sản,… đang tạo nên sức hút đối với các nhà đầu tư. Đặc biệt, tỉnh có trữ lượng bauxite lớn để mời gọi đầu tư vào các ngành nghề hỗ trợ sau chuỗi sản xuất Alumin – nhôm. Theo quy hoạch, Đắk Nông có trữ lượng 3,4 tỷ tấn quặng thô, trong đó, mỏ bôxít Nhân Cơ có trữ lượng dự tính là 43.668.000 tấn. Hiện nay, nhà máy Alumin Nhân Cơ đã đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư là 17.822 tỷ đồng, công suất 650.000 tấn/năm, đã có sản phẩm Alumin xuất khẩu tại các nước Nhật Bản, Ấn độ, Tiểu vương quốc các nước Ả Rập Thống Nhất, Hồng Kông, ... Dự án Nhà máy điện phân nhôm tỉnh Đắk Nông với tổng vốn đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng, công suất 450.000 tấn nhôm/năm, đang được đầu tư xây dựng.

Đại biểu tham dự Hội nghị.

Đắk Nông còn là vùng đất lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của cộng đồng 40 dân tộc anh em, cùng với nhiều thắng cảnh thiên nhiên, hữu tình, nhiều hồ nước tự nhiên, đẹp như: hồ Tà Đùng, hồ Tây, hồ Trúc,..và hệ thống thác nước hùng vĩ như thác Đắk G’lun, Đắk Buk So, Đray Sáp, Gia Long,..và Vườn Quốc gia Tà Đùng với trên 36 ốc đảo lớn nhỏ, Khu bảo tồn thiên nhiên với diện tích rộng lớn. Đặc biệt, với 02 điểm nhấn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông và Hồ Tà Đùng, được kỳ vọng sẽ “đánh thức” tiềm năng của ngành du lịch Đắk Nông.

Ngoài ra, tỉnh còn là vùng đất đỏ bazan màu mỡ, đất phù sa và đất xám cùng với điều kiện khí hậu ôn hòa, sinh thái đa dạng, nguồn nước phong phú phù hợp để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến nông lâm sản; các loại cây công nghiệp như cà phê, tiêu, cao su, cây ăn quả; các loại rau, củ quả… tạo nên vùng nguyên liệu dồi dào thuận lợi để hình thành những nhà máy chế biến, đầu tư vào chuỗi giá trị sản xuất trong nông nghiệp.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh Đắk Nông tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, trong thời gian tới tiếp tục tập trung phát triển 3 trụ cột của nền kinh tế địa phương là:

(1) Phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo, xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia;

(2) Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; phát triển kinh tế rừng, trồng và chế biến dược liệu; tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực;

(3) Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Đồng thời, tỉnh cũng huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh thực hiện đồng bộ ba khâu đột phá chiến lược là:

(1) Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh;

(2) Xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông;

(3) Phát triển nguồn nhân lực…

Đặc biệt, vấn đề giao thông đang là rào cản khá lớn đối với việc phát triển kinh tế-xã hội tại Đắk Nông, vì vậy tỉnh cũng ưu tiên, thúc đẩy dự án Đường cao tốc Tây Nguyên - Thành phố Hồ Chí Minh (đoạn từ thành phố Gia Nghĩa - Thành phố Hồ Chí Minh) sớm triển khai, hoàn thành đúng tiến độ; kiến nghị Trung ương sớm xây dựng đường sắt Đắk Nông-Chơn Thành (Bình Phước) và mở rộng Quốc lộ 28.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư vào những dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nhà máy chế biến nông sản, năng lượng tái tạo; các ngành kinh tế hỗ trợ theo bô xít và điện phân nhôm, như: sản xuất hóa chất, cơ khí sửa chữa, chế tạo, các ngành luyện kim, chế tạo các thiết bị máy móc phục vụ cho sản xuất ô tô và các ngành dịch vụ thương mại khác... đồng thời kêu gọi các tổ chức và doanh nghiệp tham gia vào phát triển sản phẩm du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch dựa vào cộng đồng.

Đắk Nông là tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, do đó khi doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh Đắk Nông, doanh nghiệp sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi với khung cao nhất theo quy định của Trung ương và địa phương. Đồng thời, chính quyền tỉnh Đắk Nông cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính để nhà đầu tư sớm đưa dự án vào triển khai xây dựng và vận hành sản xuất, kinh doanh.

Thay mặt chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Nông, tôi trân trọng mời gọi và mong muốn được đón tiếp các nhà đầu tư Hàn Quốc đến tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu và quyết định đầu tư tại tỉnh Đắk Nông./.

Huỳnh Yên