25/11/2024 lúc 14:48 (GMT+7)
Breaking News

Đắk Lắk: Triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành công văn số 5947/UBND-KT về việc triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giao nhiệm vụ cho UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài chính để triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp.

Căn cứ theo Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp (Quyết định số 13), Đắk Lắk dự kiến sẽ triển khai đối với cây trồng (cao su, cà phê, hồ tiêu, điều) và vật nuôi (trâu, bò, lợn).

Theo đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này đang xây dựng và lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị liên quan trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách các xã trên địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp. "Dự kiến trên địa bàn tỉnh này sẽ hỗ trợ 10/14 huyện với 55 xã".

 Đắk Lắk dự kiến sẽ triển khai đối với cây trồng (cao su, cà phê, hồ tiêu, điều) và vật nuôi (trâu, bò, lợn) - ảnh: Nguyễn Hương

Tỉnh Đắk Lắk cũng đã đề xuất Bộ Tài chính hướng dẫn thêm về nội dung kiểm soát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng, chống gian lận bảo hiểm; đồng thời có cơ chế để địa phương thực hiện thí điểm từ 1 đến 2 mô hình bảo hiểm nông nghiệp làm cơ sở nhân rộng để người dân thấy rõ lợi ích khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp.

Theo Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, Cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có) được hỗ trợ tối đa theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 58/2018/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Theo đó, mức hỗ trợ tối đa là 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo quy định nêu trên được hỗ trợ tối đa theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 58/2018/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Theo đó, mức hỗ trợ tối đa là 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Bảo hiểm được hỗ trợ đối với cây lúa, cao su, hồ tiêu, điều...ảnh: Nguyễn Hương

Quyết định cũng quy định cụ thể rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ đối với cây lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê; trâu, bò, lợn; tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra như: Thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất...); dịch bệnh đối với cây lúa (bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, đạo ôn...); dịch bệnh đối với trâu, bò, lợn (bệnh lở mồm long móng, tai xanh, nhiệt thán, xoắn khuẩn).

Trên cơ sở quy định của trung ương và văn bản chỉ đạo của tỉnh, cơ bản các huyện thị xã, thành phố trên địa bàn đã triển khai văn bản cho các xã, phường, thị trấn và các phòng, ban liên quan và các đơn vị đã chủ động nghiên cứu, thực hiện các nội dung theo thẩm quyền, triển khai đến các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp về chính sách bảo hiểm và hướng dẫn lập hồ sơ hỗ trợ phí bảo hiểm sau khi được UBND tỉnh ban hành quyết định về địa bàn được hỗ trợ.

UBND tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, các phòng, ban, ngành đoàn thể của các huyện, thị xã, thành phố và các xã đã bước đầu chủ động thực hiện công tác tuyên truyền về chính sách, lồng ghép vào các hoạt động tuyên truyền khác của đơn vị. Mặt trận tổ quốc các huyện, thị xã, thành phố và các hội đoàn thể phối hợp chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân về chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp...

Nguyễn Hương