29/11/2024 lúc 17:15 (GMT+7)
Breaking News

Đắk Lắk: Nhìn lại những chặng đường Chuyển đổi số

Trong bối cảnh của tình hình dịch bệnh COVID-19, tầm quan trọng của chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh càng đậm nét hơn, đặc biệt, nó đã trở thành động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đắk Lắk ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Chuyển đổi số là xu hướng mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các cấp, các ngành, địa phương, tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Chuyển đổi số - xu hướng toàn cầu hóa - Ảnh minh họa.

Đưa chuyển đổi số đến gần với cộng đồng, người dân

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 2/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ về chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 3330/QĐ-UBND ngày 29/11/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk. Thời gian qua UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng nhằm đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, Đắk Lắk đã và đang từng bước xây dựng Chính quyền số theo hướng hiện đại. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ ngày càng hiệu quả, tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết công việc, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân.

Trước đó, ngày 11/3, UBND tỉnh Đắk Lắk và Tập đoàn FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025. Thỏa thuận hướng đến một số mục tiêu lớn như đẩy mạnh chuyển đổi số tổng thể và toàn diện từ cơ quan nhà nước, đến người dân, doanh nghiệp về cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất và tiêu thụ dựa trên công nghệ số; hoàn thiện chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, chuyển đổi số toàn diện, đưa tỉnh Đắk Lắk sớm trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước về chuyển đổi số với ba trụ cột: Chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số.

Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Đắk Lắk, ông Trương Hoài Anh phát biểu khai mạc hội thảo giới thiệu sản phẩm "Bộ giải pháp tổng thể các nền tảng chuyển đổi số Bkav DX".

Thấu rõ được tầm quan trọng của chuyển đổi số, tỉnh Đắk Lắk cũng đã ban hành nhiều chủ trương, nhiều cơ chế chính sách, đề án quan trọng để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển công nghệ thông tin. Ngày 15/7, Sở TTTT tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Tập đoàn công nghệ Bkav tổ chức Hội thảo và giới thiệu sản phẩm "Bộ giải pháp tổng thể các nền tảng chuyển đổi số Bkav DX". Bộ Giải pháp tổng thể các nền tảng chuyển đổi số BKAV DX hướng đến một cái nhìn toàn diện, rõ nét hơn về chuyển đổi số; giúp chúng ta có sự lựa chọn nền tảng phù hợp với mục tiêu, đáp ứng được ngay nhu cầu chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi số được triển khai thành công. Đồng thời cũng mong muốn các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đồng hành, tích cực vượt qua thách thức và ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số để phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tập trung nâng cao năng lực Chuyển đổi số năm 2022

UBND tỉnh xác định năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện; yêu cầu các ngành, địa phương tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU; Quyết định số 3330/QĐ-UBND, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh 2 giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 23/KH-UBND, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh năm 2022; Triển khai, duy trì, cập nhật Khung kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh (Quyết định số 3962/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Đắk Lắk, phiên bản 2.0) bảo đảm phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố phổ biến, quán triệt tới các đơn vị trực thuộc về hai nguyên tắc bảo đảm an toàn, an ninh mạng, cụ thể là: Hệ thống chưa kết luận bảo đảm an toàn, an ninh mạng chưa đưa vào sử dụng. Hệ thống thử nghiệm, có dữ liệu thật thì phải tuân thủ đầy đủ quy định như hệ thống chính thức. Thiết lập mạng lưới công nghệ số cộng đồng hỗ trợ triển khai chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đến các xã, phường, thị trấn. Triển khai Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 18/3/2022 của UBND tỉnh về hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Đắk Lắk năm 2022.

Cả nước tập trung chuyển đổi số hướng đến mục tiêu 2025 - Ảnh: VNHN.

Nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ và mở rộng kết nối, giám sát, kiểm soát truy cập tập trung Mạng truyền số liệu chuyên dùng ổn định, thông suốt, kết nối từ tỉnh đến cấp xã để phục vụ chính quyền số. Tổ chức tuyên truyền, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao hiệu quả, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc rà soát, tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành chính sách giảm lệ phí nếu thực hiện thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến; giao chỉ tiêu về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đến từng sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố; huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc phổ biến, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Thực hiện đo lường, đánh giá, công bố xếp hạng mức độ phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số đối với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố…

Những khó khăn còn tồn tại

Việc thực hiện chuyển đổi số đã được triển khai một cách quyết liệt, hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những khó khăn nhất định. Nhận thức về chuyển đổi số chưa toàn diện, đồng đều ở các địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách còn chậm, thiếu sự phối hợp, chưa chủ động, nhất là huy động DN, người dân vào công tác xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao, hiệu quả sử dụng còn hạn chế. Tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mới gần 54% và hồ sơ xử lý trực tuyến còn thấp, khoảng 9,4%. Chưa hình thành được hệ sinh thái công dân số dẫn đến người dân vẫn chưa được thụ hưởng nhiều tiện ích quan trọng mang lại như y tế, giáo dục, bảo hiểm, ngân hàng, giao thông… để giúp mọi người bình đẳng về cơ hội phát triển, cơ hội hưởng thụ như nhau về kết quả chuyển đổi số.

Chưa thu hút được nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao về công tác tại địa phương; việc tích hợp, chia sẻ cơ sở dữ liệu của các ngành còn gặp khó khăn; việc cung cấp, giải quyết DVCTT còn một số vướng mắc, đặc biệt là việc cung cấp dịch vụ công mức độ 4; tại UBND các phường, xã chưa có cán bộ phụ trách công nghệ thông tin nên việc triển khai các ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin còn gặp nhiều khó khăn…

An toàn, an ninh mạng còn sơ hở. Công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ dữ liệu người dân còn chưa được chú trọng đúng mức. "Bên cạnh sự phát triển của công nghệ số thì an toàn, an ninh rất quan trọng".

Những kết quả khả quan đáng khen ngợi

Theo Báo cáo quý I năm 2022, công tác xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, chính quyền điện tử, chính quyền số trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo các nhiệm vụ đề ra. Đến nay, cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung của tỉnh đã đồng bộ với các CSDL dùng chung quốc gia, đáp ứng yêu cầu về mặt liên thông, chia sẻ dữ liệu theo kiến trúc CPĐT Việt Nam phiên bản 2.0. Toàn tỉnh đã hoàn thiện 25 cơ sở dữ liệu dùng chung với mục tiêu lưu trữ, bổ sung, cập nhật toàn bộ các danh mục dùng chung toàn tỉnh để chia sẻ cho các hệ công nghệ thông tin khác.

Hệ thống LGSP của tỉnh đã bước đầu được xây dựng để đáp ứng các hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thống nhất và dùng chung cho các hệ thống công nghệ thông tin khác trên toàn tỉnh đáp ứng cho việc kết nối các ứng dụng, dịch vụ với các dữ liệu trao đổi có cấu trúc, định dạng khác nhau. Các hệ thống có thể kết nối khai thác, chia sẻ dữ liệu trên nền tảng trục tích hợp dữ liệu để đồng bộ hóa các dữ liệu dùng chung toàn tỉnh, hiện nay tỉnh đã xây dựng trục tích hợp dữ liệu (ESB), Quản lý bảo mật và xác thực tập trung SSO. Kết nối, tích hợp dữ liệu từ các nguồn CSDL chuyên ngành của tỉnh với Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) của tỉnh, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời dữ liệu phục vụ vận hành của Trung tâm IOC. Dữ liệu chỉ tiêu kinh tế - xã hội, báo cáo, thống kê; dữ liệu giám sát hành chính công, một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, quản lý văn bản và điều hành; dữ liệu giám sát, điều hành lĩnh vực y tế, lĩnh vực giáo dục, dữ liệu về du lịch thông minh…

Ngày 02/8, Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh tổ chức phiên họp lần thứ 2 đánh giá kết quả thực hiện công tác Chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2022.

Đến ngày 15/4/2022, Hệ thống cổng dịch vụ công tỉnh Đắk Lắk cung cấp: 1674 thủ tục hành chính (cấp tỉnh: 1377 TTHC, cấp huyện: 195 TTHC, cấp xã: 102 TTHC). Trong đó DVCTT mức độ 3: 407, DVCTT mức độ 4: 655, tỷ lệ triển khai DVCTT mức độ 4 của tỉnh đạt 100% TTHC đủ điều kiện cung cấp mức độ 4. Từ ngày Từ ngày 15/12/2021 đến ngày 15/4/2022 hệ thống iGate đã giải quyết 406.206 hồ sơ theo cơ chế Một Cửa điện tử liên thông, tỷ lệ giải quyết đúng hạn 96.8%.

100% cơ sở giáo dục sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục (tại địa chỉ csdl.moet.gov.vn), thường xuyên cập nhật số liệu về công tác quản lý, giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; dữ liệu trong cơ sở dữ liệu ngành được đồng bộ, liên thông từ sở sở giáo dục đến phòng Giáo dục và Đào tạo.

Kinh tế số tỉnh Đắk Lắk bước đầu đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đang đẩy nhanh tiến độ kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Đắk Lắk năm 2022 để từng bước thực hiện hỗ trợ đưa hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử “ voso.vn” “postmart.vn”. Triển khai các nội dung hợp tác, phối hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về Công nghệ thông tin như: FPT, AXYZ Group để thực hiện thu hút, kêu gọi đầu tư, thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực Công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được một số nền móng quan trọng trong công tác Chuyển đổi số (CĐS) như: hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng nâng cấp; xây dựng được một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành; hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và Internet phát triển nhanh chóng, bao phủ rộng khắp và hiện đại; tỷ lệ người dân sử dụng Internet và điện thoại thông minh cao, có tốc độ tăng trưởng nhanh; đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đa số là cán bộ trẻ, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin nhanh, đáp ứng yêu cầu trong thực hiện các nhiệm vụ về CĐS. Cho đến thời điểm hiện tại, 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã được trang bị máy tính; 100% cơ quan cấp tỉnh và UBND cấp huyện đã có hệ thống mạng nội bộ; 100% cơ quan Nhà nước có kết nối Internet băng thông rộng. Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (iDesk) đã được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tính đến ngày 15/6/2022, tỉnh Đắk Lắk có 1.538 thủ tục hành chính (TTHC) được cập nhật vào cơ sở dữ liệu TTHC trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trong đó có 856 dịch vụ công cung cấp trực tuyến. Hệ thống cổng dịch vụ công tỉnh Đắk Lắk cung cấp 1.674 TTHC, trong đó có 407 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 và 655 DVCTT mức độ 4.

Tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn - Ảnh: VNHN.

Cổng Dịch vụ công của tỉnh đã kết nối với nền tảng thanh toán tập trung trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia để triển khai thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của tỉnh có phí, lệ phí. Theo đó, từ ngày 15/12/2021 tới ngày 15/6/2022 có 9.549 giao dịch thanh toán trực tuyến, trong đó có 6.283 giao dịch thành công, với tổng số tiền thanh toán hơn 17,2 tỷ đồng.

Kinh tế số tỉnh Đắk Lắk bước đầu đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Đến nay đã có 99.494 hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) được đưa thông tin lên sàn thương mại điện tử; có 2.487 sản phẩm được tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử với doanh thu tiêu thụ hơn 1,3 tỷ đồng. Các cơ sở giáo dục đã ứng dụng phần mềm quản lý trường vào dạy và học; các trạm y tế cấp xã đã triển khai ứng dụng quản lý thông tin y tế; xây dựng hệ thống khám chữa bệnh từ xa; lập hồ sơ sức khỏe điện tử…

Phấn đấu đến năm 2025, chỉ số chuyển đổi số của tỉnh trong nhóm 20/63 tỉnh, thành phố; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình và 100% xã; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử là trên 50%; Đắk Lắk thuộc nhóm các tỉnh được xếp loại A về an toàn, an ninh mạng./.

Võ Hà