Sáng ngày 28/4, tại Đắk Lắk Tổ chức Health Poverty Action (HPA) tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo khởi động “Dự án phòng chống lao giai đoạn 2021-2023”. về dự có TTND.PGS.TS Nguyễn Viết Nhung- Giám đốc Bệnh viện phổi trung ương (trực tuyến); TS Lương Anh Bình phụ trách kế hoạch dự án quỹ toàn cầu (trực tuyến); bà H’Yim Kđok- Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Trưởng ban chỉ đạo về chấm dứt bệnh lao tỉnh Đắk Lắk; ông Nguyễn Trung Thành- Phó Gíam đốc sở y tế Đắk Lắk; TS. bác sĩ Châu Đương- Gíam đốc bệnh viện Lao phổi Đắk Lắk; cùng lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, và đại biểu từ các cơ sở Y tế của hai tỉnh về tham dự. Về phía Tổ chức Health Poverty Action (HPA) tại Việt Nam có: Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt- Trưởng đại diện văn phòng HPA tại Việt Nam; Bà Nguyễn Vũ Tuyết Mai- Điều phối viên Quốc Gia; Ông Bùi Việt Hưng- Quản lý chương trình.
Phát biểu tại Hội thảo bà H’Yim Kđok- Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban chỉ đạo về chấm dứt bệnh lao tỉnh Đắk Lắk cho biết; Đắk Lắk là một tỉnh Tây Nguyên với 1,9 triệu dân và 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 34 % dân số toàn tỉnh. Với địa bàn rộng, toàn tỉnh có 15 huyện, thị xã, thành phố và 184 xã, phường, thị trấn. Về lĩnh vực y tế, toàn tỉnh có 28 bệnh viện và cơ sở y tế ( công lập có 22 cơ sở, ngoài công lập 06 cơ sở). Về mạng lưới y tế chống Lao có 01 Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh với quy mô 100 giường, 17 tổ chống Lao tuyến huyện và 184 xã, phường đều có cán bộ y tế phụ trách chống Lao.
Bà H’Yim Kđok nhấn mạnh; Hội thảo khởi động Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống Lao giai đoạn 2021-2023 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk hôm nay rất ý nghĩa, là cơ sở, động lực quan trọng giúp tỉnh Đắk Lắk tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống Lao trong thời gian tới một cách hiệu quả, tiến tới chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030 như mục tiêu mà Chính phủ đã cam kết với Tổ chức Y tế Thế giới WHO.
Qua đây Phó Chủ tịch UBND tỉnh- H’Yim Kđok trân trọng cám ơn Tổ chức HPA tại Việt Nam, Ban Quản lý Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống Lao giai đoạn 2021-2023 đã chọn Đắk Lắk là tỉnh được đăng cai tổ chức Hội thảo quan trọng này.
Được biết, Health Poverty Action (HPA) là một tổ chức phi chính phủ quốc tế có trụ sở tại Vương quốc Anh được thành lập năm 1984. Mục tiêu của Tổ chức là hỗ trợ người nghèo và những người bị thiệt thòi, yếu thế về vấn đề sức khỏe. Các hỗ trợ của HPA liên quan chủ yếu đến các bệnh truyền nhiễm và các chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ tại các cộng đồng khó khăn và thông qua các chương trình hợp tác xuyên biên giới. Tổ chức HPA coi sức khỏe là một vấn đề của công bằng xã hội, nguyên nhân lớn nhất của sức khỏe kém trên toàn thế giới là sự bất công bằng về chính trị, xã hội và kinh tế. Tổ chức HPA bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2016.
Hiện nay, HPA đang triển khai các dự án về phòng chống sốt rét, lao và COVID-19 trên địa bàn 7 tỉnh bao gồm: Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Trị, Bình Phước, Gia Lai. Trong Hội nghị ngày 26 tháng 09 năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử đã diễn ra cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hiệp quốc về chấm dứt bệnh Lao và Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030. Việt Nam được đánh giá là nước mở đường và mô hình thành công triển khai chiến lược chấm dứt bệnh Lao toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới.
Theo PGS. TS Nguyễn Viết Nhung: Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Hơn 172.000 người đã mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao (báo cáo của WHO năm 2020). Trong số đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. “Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao”. Bằng mô hình tiếp cận mới, Tổ chức Health Poverty Action Việt Nam phối hợp với bệnh viện Phổi Trung ương; bệnh viện Phổi tỉnh Bình Thuận và Bệnh viện Lao và Phổi tỉnh Đắk Lắk cùng với mạng lưới chống lao tại Trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế xã, y tế thôn bản, phòng khám tư nhân tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Bình Thuận đẩy mạnh phát hiện bệnh nhân lao phổi tại cộng đồng/cơ sở y tế.
Giải pháp đưa ra là chủ động cung cấp dịch vụ tư vấn, lấy mẫu đờm của các nhóm có nguy cơ cao ngay tại cộng đồng , từ đó góp phần giảm chi phí cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong việc khám, xét nghiệm, và chẩn đoán Lao. Các hoạt động chính của sáng kiến này hướng đến mục tiêu tổng thể là giảm tỷ lệ mắc mới lao trong cộng đồng và số ca tử vong do bệnh lao tại hai tỉnh Bình Thuận và Đắk Lắk, góp phần chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030. Các hoạt động cụ thể của Dự án bao gồm: Tăng cường phát hiện ca bệnh lao, cách ly an toàn, điều trị sớm và hiệu quả (Mô hình FAST); Điều tra tiếp xúc gần, phát hiện bệnh nhân lao tại cộng đồng do cán bộ thực địa thực hiện; Điều tra tiếp xúc gần phát hiện bệnh nhân lao tại cộng đồng do cán bộ y tế thực hiện; Khám sàng lọc tại cộng đồng có nguy cơ cao phát hiện bệnh nhân lao; Tăng cường phối hợp y tế công - tư trong phát hiện bệnh nhân lao.
Hội thảo khởi động dự án này là sự kiện đánh dấu sự khởi động dự án; là cơ hội để thảo luận kế hoạch thực hiện và cơ chế điều phối giữa các đối tác thực hiện dự án; và nâng cao nhận thức của các bên liên quan về cách tiếp cận tổng hợp đối với các hoạt động sàng lọc và phát hiện sớm bệnh Lao.
Mọi thông tin chi tiết và cập nhật về hội thảo vui lòng liên hệ với Ông Bùi Văn Nam – Cán bộ, Theo dõi và Đánh giá. SĐT: 0976.705.319; Địa chỉ email: [email protected] Tổ chức Health Poverty Action tại Việt Nam mong báo chí có thể chia sẻ tin bài và gửi đường link sự kiện về địa chỉ email [email protected].
Nguyễn Hương - Mai Trinh