08/01/2025 lúc 13:59 (GMT+7)
Breaking News

Đại lễ Vu Lan báo hiếu tại Chùa Phổ Đà, CHLB Đức

VNHNO - Ngày 12/08, tại chùa Phổ Đà, Berlin, CHLB Đức dưới sự chủ trì của Hòa thượng Thích Tịnh Quang, trụ trì chùa Khuông Việt (CH Pháp) cùng đông đảo bà con Phật, đạo hữu, bà con kiều bào đã tới tham dự mùa Vu Lan báo hiếu Phật lịch 2562.

VNHNO - Ngày 12/08, tại chùa Phổ Đà, Berlin, CHLB Đức dưới sự chủ trì của Hòa thượng Thích Tịnh Quang, trụ trì chùa Khuông Việt (CH Pháp) cùng đông đảo bà con Phật, đạo hữu, bà con kiều bào đã tới tham dự mùa Vu Lan báo hiếu Phật lịch 2562.

Đại lễ Vu Lan báo hiếu (Nguồn: Internet)

Trong không khí trang nghiêm, phật tử cùng tham dự các nghi lễ truyền thống của Đại lễ như nghe giảng giải về chữ hiếu và đạo làm con trong gia đình theo giáo lý nhà Phật, chương trình bông hồng cài áo, lễ cầu siêu và cúng chúng sinh.

Bắt đầu buổi Đại lễ, Hoà thượng chủ trì giảng cho các Phật tử và bà con nghe về lịch sử lễ Vu Lan. Về những giáo lý của nhà Phật về chữ hiếu, về đạo làm con trong gia đình, Mùa Vu Lan không chỉ là dịp chúng ta nhớ đến các bậc tiền liệt, tổ tiên, những đấng sinh thành đã mất mà còn là dịp chúng ta báo hiếu cha mẹ, ông bà đang còn sống. Đạo hiếu là đạo lớn nhất của nhà Phật. Cũng là đạo lý "uống nước nhớ nguồn”.

Hoà thượng chủ trì giảng cho các Phật tử và bà con nghe về lịch sử lễ Vu Lan (Nguồn: Internet)

Sau phần thuyết giảng của Hoà thượng chủ trì là chương trình bông hồng cài áo. Những bông hồng tươi thắm được gắn lên ngực áo những người đến tham dự. Ai còn cha mẹ sẽ được cài lên ngực áo một đóa hoa hồng, ai mất cha mẹ được cài lên ngực đóa hồng trắng. Bông hồng cài áo là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực hoa hồng cao quý là tình cảm đẹp nhất, kính trọng nhất đối với bậc sinh thành.

Ai còn cha mẹ sẽ được cài lên ngực áo một đóa hoa hồng, ai mất cha mẹ được cài lên ngực đóa hồng trắng (Nguồn: Internet)

Bông hồng cài áo thực sự là lời nhắc nhở mọi người nhớ đến ơn sinh thành nhân mùa lễ Vu Lan. Để ai mất cha mất mẹ thì thành kính dâng sớ cầu siêu cho linh hồn cha mẹ được an nhiên miền cực lạc. Ai còn cha còn mẹ thì dâng sớ cầu an mong cho cha mẹ được mạnh chân, khoẻ tay sống hạnh phúc, đoàn viên bên con cháu. Hàng trăm danh tính những người đã khuất mà con cháu dâng sớ đã được xướng tụng trong hương khói, kinh niệm và sự thành kính của mọi người.

Sau lễ cầu siêu trong chùa là lễ cúng chúng sinh ngoài sân. Bữa cơm chay hoàn mãn Đại lễ Vu Lan chính là bữa cơm đoàn kết của một đại gia đình người Việt. Mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng. Bữa cơm đạm bạc do chính các Phật tử tự nấu mà ngon lành và ấm áp tình người.

Bữa cơm chay sau lễ cầu siêu (Nguồn: Internet)

Năm ngoái, Đại lễ Vu Lan báo hiếu cũng được tổ chức chùa Phổ Đà này, thời gian diễn ra trong hai ngày (19 và 20/8).Ngoài ra, người Việt trên khắp mọi miền thế giới, dù cho là có ở quốc gia nào thì mỗi mùa Vu Lan, sân chùa chính là nơi người Việt xa xứ lui tới để nhớ về công lao sinh thành của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, nhắc nhở đạo hiếu đối với người còn sống, đồng thời còn là nơi giao lưu, gắn kết cộng đồng. Đây là nét đẹp trong văn hóa Việt mà mỗi người Việt xa xứ cần trân trọng giữ gìn và phát huy.