29/11/2024 lúc 18:33 (GMT+7)
Breaking News

Đại dịch Covid-19: Cơ hội hay mối nguy cho môi trường?

VNHN - Tình trạng kinh tế tê liệt hiện nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến khí thải gây hiệu ứng nhà kính giảm mạnh tại nhiều nơi, chất lượng môi trường được cải thiện rõ rệt. 

VNHN - Tình trạng kinh tế tê liệt hiện nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến khí thải gây hiệu ứng nhà kính giảm mạnh tại nhiều nơi, chất lượng môi trường được cải thiện rõ rệt. 

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, về trung và dài hạn, câu hỏi được đặt ra: liệu các kế hoạch chấn hưng kinh tế hậu Covid-19 có khiến các nước quay lại với phương thức tăng trưởng dễ dãi dựa vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch - thủ phạm chính gây ra tình trạng biến đổi khí hậu hay không?

Chất xúc tác cho chuyển hóa

Giáo sư Christian de Perthuis, người sáng lập chuyên ngành Kinh tế học Khí hậu tại Đại học Paris - Dauphine, nhận định, về ngắn hạn đại dịch Covid-19 có thể khiến lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính sụt giảm 10 lần so với mức sụt giảm của năm 2009 (năm kế tiếp cuộc khủng hoảng tài chính 2008). Bất chấp hệ quả của việc kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau khi chấm dứt phong tỏa, lượng khí thải của năm tiếp theo, dù có tăng nhiều, cũng sẽ không thể bù lấp được khoảng hụt rất lớn đã xảy ra.
Nhìn xa hơn, đại dịch lần này sẽ là xúc tác cho quá trình chuyển hóa kinh tế và xã hội, mang lại các vũ khí mới cho các xã hội hậu Covid-19 trong cuộc chiến vì khí hậu. Tùy theo nội dung của các kế hoạch tái khởi động sau khi phong tỏa chấm dứt, các kế hoạch này có thể thúc đẩy hay kìm hãm những thay đổi mang tính cấu trúc nói trên.

Một số thay đổi sâu xa hay thay đổi mang tính cấu trúc được Giáo sư Perthuis dẫn ra như: tái bố trí lại dây chuyền sản xuất - cung ứng; ưu tiên việc giảm khoảng cách giữa nơi sản xuất và nơi tiêu thụ; gia tăng làm việc từ xa… Ông Perthuis tin tưởng, sau đại dịch Covid-19, thế giới rất khó trở lại với mô hình phát triển toàn cầu hóa tăng tốc vốn bất chấp các hệ quả về sinh thái, khí hậu, môi trường và xã hội như trước đó.

Tiềm ẩn nguy cơ

Ngược lại với GS Christian de Perthuis, chuyên gia địa chính trị môi trường Francois Gemenne, thành viên của Nhóm liên chính phủ về biến đổi khí hậu (GIEC) cảnh báo: cuộc khủng hoảng y tế lần này sẽ là một đại họa cho khí hậu. Theo ông Gemenne, các tác động tích cực trước mắt của việc khí thải sụt giảm mạnh trong thời gian đại dịch sẽ không hề có tác động gì đối với lộ trình mà cộng đồng quốc tế đạt đồng thuận, là không để nhiệt độ Trái đất tăng quá 1,5-20C, từ đây đến năm 2100, so với thời tiền công nghiệp. Cuộc chiến khí hậu sẽ chỉ thành công khi có được các nỗ lực liên tục, mạnh mẽ trong việc cắt giảm khí thải, 1 năm giảm mạnh không phải là điều cơ bản. Ông Gemenne nhắc lại kinh nghiệm thất bại hậu khủng hoảng 2008, khí thải lại vọt lên sau khi khủng hoảng tài chính qua đi.

Điều nguy hiểm hơn nữa là chính quyền các nước có thể mưu tính tiến hành các kế hoạch cứu nguy nền công nghiệp năng lượng hóa thạch, hơn là đầu tư cho một Thỏa ước xanh mới. Ông Gemenne dẫn ra ví dụ về việc Canada đang muốn phục hồi nền công nghiệp dầu mỏ và khí đốt, còn Trung Quốc dự kiến xây dựng thêm hàng trăm nhà máy nhiệt điện than mới. Tại châu Âu, Czech và Ba Lan đã yêu cầu từ bỏ Thỏa ước xanh mới, kế hoạch lớn của tân Ủy ban châu Âu.

Chuyên gia Gemenne thừa nhận, cuộc khủng hoảng y tế hiện nay và biến đổi khí hậu có nhiều điểm chung như tính chất toàn cầu, nhu cầu phải có các đáp ứng khẩn cấp, từ đó mà nhiều người cho rằng, các biện pháp phù hợp với khủng hoảng y tế như phong tỏa, giãn cách xã hội, cũng có thể được sử dụng cho cuộc chiến khí hậu. Tuy nhiên, ông Gemenne nhấn mạnh, đây là 2 vấn đề khác nhau, đòi hỏi các giải pháp khác nhau. “Biến đổi khí hậu không phải là khủng hoảng mà là một sự thay đổi không thể đảo ngược. Không thể có sự trở lại bình thường như trước. Như vậy, cần phải có các biện pháp thay đổi về chiều sâu mang tính cấu trúc, có nghĩa là một sự chuyển hóa xã hội và kinh tế thực sự’’, ông Gemenne nói.

Dù đại dịch Covid-19 là nguy cơ hay cơ hội nhưng từ những phân tích của các chuyên gia có thể thấy một điểm chung: chỉ có chuyển hóa sâu sắc cấu trúc của nền kinh tế hiện tại, nhân loại mới có thể thành công trong cuộc chiến khí hậu.

Ngày 11/4, thủ đô Tokyo và 6 tỉnh khác của Nhật Bản như Kanagawa, Saitama, Chiba... bắt đầu áp dụng lệnh tình trạng khẩn cấp. Theo đó, người dân được khuyến cáo nên ở nhà và các cơ sở kinh doanh những mặt hàng, dịch vụ không thiết yếu tạm thời đóng cửa để ngăn dịch Covid-19 lây lan. Tại Ireland, Thủ tướng nước này Leo Varadkar gia hạn sắc lệnh yêu cầu người dân ở nhà thêm 3 tuần để ngăn chặn dịch bệnh. Trong khi đó, do dịch bệnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã giảm 0,4% trong tháng 3 vừa qua, cao hơn một chút so với dự báo của giới chuyên gia...