04/01/2025 lúc 04:26 (GMT+7)
Breaking News

Đại dịch COVID-19 – “Cú hích” để ngành giáo dục thay đổi tư duy quản lý, phát huy sáng tạo

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Có thể nói, gần 2 năm qua, ngành giáo dục nước nhà đã gặp nhiều khó khăn do đại dịch gây ra, song, đội ngũ thầy cô giáo trên cả nước đã khắc phục khó khăn, biến nguy thành cơ. Đại dịch COVID-19 chính là cú hích để ngành giáo dục thay đổi tư duy quản lý, phát huy sự sáng tạo trong mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và toàn ngành để tăng khả năng thích ứng hoàn cảnh, n

VNHN - Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Có thể nói, gần 2 năm qua, ngành giáo dục nước nhà đã gặp nhiều khó khăn do đại dịch gây ra, song, đội ngũ thầy cô giáo trên cả nước đã khắc phục khó khăn, biến nguy thành cơ. Đại dịch COVID-19 chính là cú hích để ngành giáo dục thay đổi tư duy quản lý, phát huy sự sáng tạo trong mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và toàn ngành để tăng khả năng thích ứng hoàn cảnh, nhất là quản lý rủi ro.

Không chỉ vậy, dịch COVID-19 còn được đánh giá là cơ hội để ngành Giáo dục đẩy mạnh chuyển đổi số, là tiền đề cho nhiều lĩnh vực khác, tác động lớn đối với sự phát triển đất nước, cả trước mắt và lâu dài. Do đó, để thích ứng phù hợp với tình hình, Ngành giáo dục Việt Nam nói chung đã có những cách làm hay – cách làm nhanh – cách làm kịp thời, trên cơ sở vận động đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên cùng đồng lòng, chung tay, với quyết tâm không để đại dịch cản trở công cuộc “học là việc cả đời”.

Cách làm nhân văn “vừa xuất hiện” đối với các F0 tại huyện Hóc Môn, TPHCM.

Các nhân viên gọi điện hỏi thăm các F0 tại huyện Hóc Môn, TPHCM – (Nguồn: Internet)

Đặc biệt hiện nay trên địa bàn TPHCM, số ca nhiễm trong cộng đồng có ngày trên cả nghìn người, thì việc tiếp nhận và hỗ trợ F0 không hề đơn giản, đường dây nóng luôn trong tình trạng quá tải, không thể cùng lúc tư vấn cho các F0 nên nhiều F0 tỏ ra lo lắng, gọi điện nhiều nơi. Thấu hiểu được điều này, mới đây, tại huyện Hóc Môn, TPHCM đã có cách làm “vừa xuất hiện” đối với các F0, đây được đánh giá là cách làm hay, mang tính nhân văn sâu sắc trong việc chủ động quan tâm đến các đối tượng F0 cần sự giúp đỡ. Điều đáng nói những nhân viên “đặc biệt” làm nhiệm vụ chưa có tiền lệ này chính là các thầy cô giáo. Cụ thể, thông qua phần mềm chăm sóc F0, 240 giáo viên phân bổ về 12 xã, thị trấn, mỗi ngày chia nhau gọi điện thoại từ thứ 2 đến chủ nhật thăm hỏi, cập nhật tình hình sức khỏe của hàng ngàn F0 trên địa bàn huyện. Được biết phần mềm này được triển khai từ tháng 12, đã giúp giảm hẳn số ca nhập viện, động viên tinh thần để F0 thoải mái, mau hồi sức.

Cuộc gọi của các giáo viên đến các F0 đầy bất ngờ, các giáo viên sẽ hỏi thăm tình sức khỏe, sinh hoạt, ăn uống hằng ngày của các F0 có ngon miệng hay không; cũng như hỏi họ có cần hỗ trợ về y tế hay không… Mọi thông tin sau cuộc gọi sẽ được cập nhật lên phần mềm được xây dựng bằng app trên điện thoại thông minh. Riêng những trường hợp F0 có triệu chứng mệt mỏi, khó thở, không ăn được, giáo viên sẽ chuyển thông tin đến Trạm y tế xã để bác sĩ gọi điện, đánh giá tình hình, nếu có nguy cơ sẽ chuyển viện. Cũng chính nhờ việc cập nhật thường xuyên thông tin trên phần mềm mà các ca nặng sớm được phát hiện và chuyển viện kịp thời. Không chỉ giảm tải cho nhân viên y tế mà còn góp phần giúp người dân thoải mái tâm lý, sức khỏe mau hồi phục.

“Toàn xã hiện có 1.155 F0 được theo dõi trên phần mềm, trong đó khỏi bệnh 659 người, còn 470 người đang theo dõi. Số F0 mới mỗi ngày khoảng 20-30 người đều được thăm hỏi thường xuyên theo nguyên tắc: Ưu tiên thăm hỏi người già, có bệnh nền, những người trẻ, khỏe gọi điện sau nhưng đảm bảo tất cả đều được thăm hỏi” - ông Lê Đình Thịnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng chia sẻ.

Không chỉ vậy, trong khi đại dịch bùng phát, Ngành giáo dục đã trưng dụng KTX sinh viên làm bệnh viện dã chiến hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Các sinh viên, giáo viên đã không ngần ngại hỗ trợ lực lượng chức năng dọn dẹp, di dời vật dụng để cùng chính quyền thiết lập bệnh viện dã chiến cho kịp thời gian.

“Thích ứng với năm học đặc biệt”

Gần 20 triệu HS, SV và hơn 1 triệu giáo viên, giảng viên trong cả nước không được tới trường trong một thời gian dài. Hàng nghìn giáo viên đang công tác tại các trường ngoài công lập không có lương, cuộc sống gặp nhiều khó khăn... Thấu hiểu được điều này, ngay khi TPHCM cũng như cả nước thiết lập giai đoạn “bình thường mới”, “sống chung với dịch”. Ngành đã chủ trương chuyển đổi và “thích ứng với năm học đặc biệt”. Như Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã từng nhấn mạnh “Nếu vì điều kiện chưa thể đến trường học trực tiếp, như thực tế đang diễn ra ở nhiều địa phương trong thời gian qua, học sinh có thể được kiểm tra, đánh giá trực tuyến”. Cụ thể, tại những khu vực đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch, học sinh có thể đến trường học tập. Ở những địa phương mà học sinh không thể đến trường do dịch bệnh, các trường tổ chức kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ cho học sinh theo hình thức trực tuyến.

Trước đó, Ký túc xá của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, ĐHQG TP. HCM, với quy mô 1.000 giường trở thành “Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1” – (Nguồn: Internet)

Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tùy điều kiện thực tế ở các địa phương, các sở, phòng giáo dục chỉ đạo các trường hướng dẫn việc kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tiếp hay trực tuyến. Đồng thời, các địa phương có thể linh hoạt điều chỉnh thời gian thực hiện kiểm tra phù hợp với kế hoạch triển khai trong năm học này, kế hoạch năm học mới và tình hình dịch bệnh tại địa bàn.

Ngành đang đặt mục tiêu sẽ hỗ trợ kịp thời cho hơn 70.000 sinh viên chậm tốt nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh và tăng cường năng lực đào tạo, đưa các trường đại học đào tạo quay trở lại được bình thường để có thể giải quyết được nguồn nhân lực trước mắt cho năm 2022, 2023.

Ngành Giáo dục đang tận dụng tối đa thế “kiềng 3 chân” – (Nguồn: Internet).

Có thể nói, bất kỳ trong hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến đâu, toàn ngành Giáo dục, mà trong đó các thầy cô giáo chính là lực lượng nòng cốt, đã chủ động linh hoạt, chuyển đổi sang phương thức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình. Ngành giáo dục đã tận dụng tối đa thế “kiềng 3 chân”, luôn lấy “thầy cô giáo làm động lực” để thành công cho phương châm “lấy học sinh làm trung tâm”, trong đó Nhà trường là nền tảng. Có thể nói, đại dịch như một lò lửa đã được đun nóng rực, tạo thành môi trường đầy thách thức để rèn luyện bản lĩnh, ý chí, sức mạnh của thầy và trò cũng như toàn ngành. Với bản lĩnh của “người đưa đò thầm lặng”, cùng tinh thần vượt khó của học sinh, sinh viên mang danh “chủ nhân tương lai của đất nước” thì tin chắc rằng nước Việt Nam sẽ không chỉ cùng nhau vượt qua đại dịch, mà còn đưa ngành giáo dục nước nhà đến những thắng lợi vẻ vang hơn trong tương lai./.