VNHNO - Trong hai ngày 6 và 7/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về 2 dự án: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Tham dự hội nghị có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đồng chí ủy viên UBTVQH, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc hội nghị
Sáng 6-9, sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, với sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến vào những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đưa ra 12 hành vi tham nhũng, điển hình như: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lạm quyền trong thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi;…
Về chủ trương mở rộng phạm vi áp dụng luật ra khu vực ngoài Nhà nước, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình vì cho rằng điều đó giúp tạo sự công bằng giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân trong ngăn chặn và phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến không tán thành vì cho rằng khó áp dụng. Có ý kiến đề nghị chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp ngoài Nhà nước khi họ tham gia các dự án có vốn, tài sản Nhà nước. Có ý kiến đề nghị dự luật cần có những quy định cụ thể về phát huy vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng vì trên thực tế thời gian qua, báo chí đã khẳng định được vai trò hết sức quan trọng của mình trong phát hiện các vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, nhiều đại biểu tán thành với phương án giao Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình. Một số ý kiến tán thành với phương án giao Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của tất cả các đối tượng có nghĩa vụ kê khai. Có ý kiến đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách, độc lập thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập.
Về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, đa số ý kiến đồng tình với dự luật. Có ý kiến đề nghị dự luật cần phân biệt rõ các nhóm đối tượng khác nhau để áp dụng phương thức kê khai, xác minh tài sản, thu nhập phù hợp. Có kiến đề nghị mở rộng đối tượng kê khai tài sản sang cả bố, mẹ, vợ, chồng, con của người thuộc diện kê khai với mục tiêu tránh trường hợp để bố, mẹ, vợ, chồng, con đứng tên sở hữu tài sản để không phải kê khai.
Về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải thích được hợp lý về nguồn gốc, dự luật đã bổ sung giải thích: “Không giải trình được hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm” là việc giải trình không có căn cứ pháp luật về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và cũng không phù hợp với thực tế hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm đó.
Về phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, đa số đại biểu tán thành phương án đưa ra tòa án để tòa ra phán quyết. Các đại biểu cho rằng, đây là phương án tốt nhất để bảo đảm quyền về tài sản của công dân, bảo đảm nguyên tắc pháp quyền, tránh áp đặt mệnh lệnh hành chính.
Chiều 6/9, hội nghị tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)./.