10/01/2025 lúc 19:14 (GMT+7)
Breaking News

Đặc sắc Lễ hội truyền thống “Trần Triều Lục Vị Tướng Công” ở Sầm Sơn

Lễ hội truyền thống “Trần Triều Lục Vị Tướng Công” thuộc địa phận xã Quảng Hùng, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá, với những giá trị văn hoá, lịch sử rất đặc biệt của di tích và lễ hội văn hoá truyền thống đặc sắc còn được gìn giữ cho tới ngày nay, di tích lịch sử văn hoá Quốc Gia bia Chùa Kênh (chùa Hưng Phúc) là điểm hẹn văn hoá tâm linh, thu hút đông đảo Nhân dân địa phương và du khách thập phương đến chiêm bái, hành lễ.
Nghi thức rước kiệu Trần triều Lục vị tướng công diễn ra trọng thể và trang nghiêm.

Là nơi khắc ghi dấu ấn lịch sử nơi cha ông ta trấn yên bờ cõi và khẳng định những nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân địa phương. Sáng ngày 1/3/2023, tức ngày 10/2 âm lịch, UBND xã Quảng Hùng - Ban quản lý di tích lịch sử văn hoá Quốc Gia bia chùa Kênh long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống “Trần Triều Lục Vị Tướng Công” năm 2023 tại bia chùa Kênh (hay còn gọi chùa Hưng Phúc), để tưởng nhớ và tôn vinh công lao của Lục vị tướng công họ Lê, những vị tướng có công lớn phò vua đánh thắng giặc Nguyên – Mông đầu thế kỷ 13 và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc, cầu cho “Quốc thái dân an”.

Lễ hội đã thu hút đông đảo Nhân dân địa phương và du khách thập phương đến tham dự, chiêm bái và hành lễ.

Lễ hội truyền thống “Trần Triều Lục Vị Tướng Công” năm 2023 bao gồm hai phần, phần hội và phần lễ. Phần hội gồm: Tổ chức các trò chơi truyền thống như, giải kéo co, chương trình biểu diễn văn hoá, văn nghệ, chương trình nghệ thuật và hái hoa dân chủ...Phần lễ gồm: Tổ chức nghi thức rước kiệu lục vị tướng công, giới thiệu sự kiện, nhân vật lịch sử, đánh trống khai hội và tiến hành các nghi thức tế lễ. Bên cạnh đó, công tác quản lý và tổ chức lễ hội luôn bảo đảm tính kế thừa có chọn lọc và phát huy thuần phong mỹ tục, thực hiện theo hướng văn minh, tiết kiệm, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, chống thương mại hóa, vụ lợi. UBND xã thành lập Ban Tổ chức lễ hội với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể; xây dựng kịch bản và quản lý chặt chẽ các hoạt động diễn ra trong lễ hội; phổ biến quy chế lễ hội và nội quy bảo vệ di tích, bảo vệ môi trường cảnh quan di tích. Các trò chơi dân gian được lựa chọn kỹ lưỡng nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống phù hợp với thuần phong mỹ tục. Công tác tuyên truyền tại di tích và lễ hội được quan tâm, thực hiện thông qua hình thức treo băng zôn, khẩu hiệu, đèn chiếu sáng được bố trí hợp lý, tạo không gian đẹp, trang trọng. Công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, cứu hộ cứu nạn, bố trí điểm trông giữ xe, phân luồng giao thông được quan tâm triển khai.

Các tiết mục biểu diễn nghệ thuật có chọn lọc và phát huy thuần phong mỹ tục.

Các hoạt động thờ tự, lễ hội truyền thống diễn ra tại bia chùa Kênh (còn gọi là chùa Hưng Phúc), đây là những hoạt động thiết thực, mang đậm tính cô kết cộng đồng, được duy trì từ xưa đến nay, phản ánh đời sống tâm linh, tín ngưỡng, nơi sinh hoạt văn hoá và tôn giáo của Nhân dân địa phương. Qua đó giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau nâng cao trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của địa phương, nhớ ơn những người có công, khuyên nhau làm điều thiện, khuyến khích những người và những việc làm tâm phúc, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời là dịp để quảng bá rộng rãi hình ảnh, con người ở vùng quê nghĩa tình, giàu truyền thống cách mạng…Đây cũng là một trong những điểm đến văn hoá quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của xã Quảng Hùng và thành phố Sầm Sơn, giai đoạn 2021-2025. Góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương.

Lãnh đạo xã Quảng Hùng phát biểu tại buổi lễ và đánh trống khai hội.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Doãn Phượng – Chủ tịch UBND xã Quảng Hùng “Bày tỏ tấm lòng thành kính, tri ân sâu sắc của hậu thế với các bậc tiền nhân đã có công lớn phò tướng đánh đuổi 2 lần quân Nguyên - Mông ra khỏi đất nước, bảo vệ bờ cõi quê hương. Với những cống hiến to lớn của ông, cha cháu họ Lê và để muôn đời con cháu mai sau luôn ghi nhớ, Nhân dân trong vùng đã dựng chùa, khắc bia ghi lại công trạng và là nơi thờ phụng. Hằng năm cứ vào dịp 10/2 âm lịch, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Quảng Hùng long trọng tổ chức lễ hội văn hoá truyền thống, sắm lễ, dâng hương tưởng nhớ tới 06 vị tướng công Lê Gia. Qua đó, cầu mong cho mọi sự đều được bình an, tốt lành, cầu chúc cho quốc thái dân an, nhà nhà hưng thịnh. Cùng nhau đoàn kết, xây dựng gia đình, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp văn minh”.

Tấm bia đá Chùa Kênh là một trong 10 tấm bia đá từ thời nhà Trần còn lại ở Việt Nam.

Theo sử cũ tấm bia để lại, bia chùa Kênh (hay còn gọi là chùa Hưng Phúc) được xây dựng xong vào cuối mùa đông năm Giáp Tý, niên hiệu Khai Thái Nguyên niên (Phật lịch 1868 – dương lịch 1324) thời vua Trần Minh Tông ( 1314 - 1329). Chùa được xây dựng ở Hương Yên Duyên (ngày nay là xã Quảng Hùng thành phố Sầm Sơn) để phụng thờ đức Phật và thờ thượng tướng Minh tự Lê An người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất (năm 1258) ông Lê An được vua Trần Thái Tông phong tướng và gả nàng công chúa làm vợ.

Thượng tướng Lê An là vị tướng cận kề Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Do có công lớn nên khi qua đời thượng tướng Lê An được triều đình gia phong “Đô Nguyên suý vĩ thống quản, Đại Thần Trụ Quốc, Đại Tướng Quân”, đây là một tước hiệu rất lớn dưới triều nhà Trần. Thượng tướng Lê An được triều đình cho xây dựng Phủ đệ tại Hương Yên Duyên, Phủ Thanh Hoa.

Xuất phát từ tấm lòng từ bi, hiếu thuận, Lê Bằng - con thứ của Thượng tướng minh tự Lê An, đã khởi công xây dựng chùa năm 1264. Công việc chưa hoàn thành thì Lê Bằng mất, người con thứ là Lê Mạnh tiếp tục công việc và xây lại chùa rộng lớn, đẹp đẽ hơn. Năm 1326 chùa hoàn thành, gồm 11 toà nhà ngói và hai gian thảo lư khang trang, toạ ngự trên thế đất đẹp linh thiêng vừa trang nghiêm vừa thanh nhã.

Nghi thức tế lễ truyền thống của Nhân dân địa phương.

Theo thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, ngôi chùa đã không còn, chỉ còn lại tấm bia đá cổ ghi chiến công của quân dân Đại Việt do tướng Lê Mạnh chỉ huy. Cụ thể, năm 1285, Lê Mạnh chỉ huy dân binh địa phương phục kích cánh quân Toa Đô từ phía Nam đi tắt qua Cổ Khê, tiến vào Thanh Hoá, đánh một trận thắng lớn ở vùng Cổ Bút. Tấm bia là tài liệu gốc duy nhất ghi chép về một “hương” chiến đấu dưới thời Trần có sự đoàn kết đánh bại đội quân xâm lược Nguyên - Mông do Toa Đô chỉ huy của Nhân dân ta diễn ra cách đây hơn 700 năm về trước. Chiến công ấy được ghi tạc trên tấm bia dựng trong chùa, một di vật quý của văn hoá Lý - Trần. Bia cao 1,5 m, rộng 0,6 m, dày 0,25 m, dựng trên lưng rùa đang xoạc chân vươn cổ về phía đông. Trán bia tạc đôi rồng chầu mặt trời uốn khúc cuồn cuộn, khỏe mạnh. Thân rồng để trơn, giản dị, đặc trưng rồng thời Lý - Trần. Bốn chữ “Hưng phúc tự bi” viết theo lối chữ triện trên trán bia. Hai bên là hai đường viền hoa văn cúc dây và phía dưới là sóng nước được cách điệu cao. Văn bia được soạn khắc năm khánh thành chùa, tức năm Khai Thái thứ 3 (1326), do Đô tướng quân Trần Quốc Chính đại phu soạn.

Chuông chùa với nét cổ kính.

Năm 1995, nhận được sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự ủng hộ của Nhân dân địa phương, các nhà hảo tâm trong và ngoài xã, di tích được xây dựng lại khang trang, lễ hội truyền thống tổ chức vào ngày 10/2 âm lịch được khôi phục và duy trì hàng năm. Hiện nay, tấm bia đá Chùa Kênh là một trong 10 tấm bia đá từ thời nhà Trần còn lại ở Việt Nam. Bài văn bia có 2 phần: phần trên kể lại việc dựng chùa và thuật lại công tích của Lê Mạnh, phần dưới là bài minh 24 câu, ca ngợi công đức họ Lê. Bên cạnh đó, văn bia chùa Kênh còn mang giá trị nhiều mặt trong việc nghiên cứu lịch sử văn hóa xã hội đương thời, nhất là về sự kiện nhân vật lịch sử; đồng thời khẳng định sự tôn sùng Phật giáo của triều đình, khẳng định chủ quyền quốc gia trên vùng đất phên dậu Thanh Hoá thời văn minh Đại Việt Lý - Trần.

Với những giá trị to lớn về lịch sử văn hóa, nghệ thuật của tấm bia, năm 1996 khu di tích đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử văn hoá Quốc gia. Đây cũng sẽ là điểm đến văn hoá tâm linh hấp dẫn, ấn tượng cho du khách thập phương khi tới thăm xã Quảng Hùng cũng như tìm hiểu về mảnh đất, văn hoá, lịch sử của con người nơi đây trong quá khứ và hôm nay./.

Hình ảnh ghi nhận:

Hải Nam