20/01/2025 lúc 06:25 (GMT+7)
Breaking News

Đặc sắc điệu hát sli, lượn của người Tày, Nùng

VNHN - Lạng Sơn là tỉnh miền núi phía đông bắc Tổ quốc, có nhiều dân tộc anh em chung sống lâu đời như: Tày, Nùng, Dao, Hoa, Sán Chay... Mỗi dân tộc đều có những làn điệu dân ca độc đáo của mình. Trong đó, nổi bật nhất là làn điệu dân ca giao duyên sli, lượn của người Tày, Nùng.

VNHN - Lạng Sơn là tỉnh miền núi phía đông bắc Tổ quốc, có nhiều dân tộc anh em chung sống lâu đời như: Tày, Nùng, Dao, Hoa, Sán Chay... Mỗi dân tộc đều có những làn điệu dân ca độc đáo của mình. Trong đó, nổi bật nhất là làn điệu dân ca giao duyên sli, lượn của người Tày, Nùng.

Học sinh Trường THCS Hải Yến, huyện Cao Lộc hát sli trong ngày hội

Ai có dịp lên xứ Lạng vào ngày phiên chợ, nhất là những ngày hội xuân, đều được chứng kiến từng tốp thanh niên nam, nữ của người dân tộc Nùng cất tiếng sli rất hồn nhiên và hào hứng. Thanh niên trai, gái ở các bản, làng nếu có dịp gặp nhau, cũng tổ chức hát sli với nhau suốt đêm cho đến sáng. Hát lượn ở xứ Lạng là tiếng hát tâm tình của thanh niên và cũng được phổ biến rộng rãi cả trong lớp người cao tuổi. Tiếng lượn cũng mượt mà, êm ả, thường được tổ chức trong nhà, vào những dịp đầu năm mới, đám cưới, vào nhà mới và những ngày hội vui...

Nghệ nhân Ưu tú Hà Mai Ven chia sẻ: Nội dung hát sli, lượn rất phong phú. Hát sli và lượn phải có “đối tượng hát”, tức là phải có bạn hát đối đáp (như hát quan họ). Tùy từng đối tượng hát mà nội dung chủ đề cuộc hát được xác định hát đố, hát giao duyên... Mỗi bên bạn hát thường có hai người. Lời các bài sli, lượn rất tình cảm và giàu hình ảnh...

Tuy là loại hình văn hóa đặc sắc của người dân tộc Tày, Nùng, nhưng nhiều năm qua sli, lượn có nguy cơ bị mai một. Thế hệ trẻ hiện nay đã không còn mặn mà với chúng. Để gìn giữ và khôi phục loại hình sli, lượn, từ năm 2010 những người yêu thích dân ca đã đứng ra thành lập Hội bảo tồn dân ca tỉnh. Chủ tịch Hội bảo tồn dân ca Vi Hồng Nhân cho biết: Ban đầu chỉ có 142 người, nhưng cho đến nay đã có hơn một nghìn hội viên yêu thích các làn điệu dân ca của các dân tộc: Tày, Nùng, Dao… sinh hoạt tại 120 câu lạc bộ với nhiều độ tuổi khác nhau, hoạt động trên tinh thần tự nguyện, tự trang trải. Hằng năm, Hội bảo tồn dân ca của tỉnh mở hàng chục lớp dạy đàn và hát dân ca, chủ yếu ở các bộ môn hát then, hát sli, lượn, cỏ lẩu… cho hàng trăm lượt hội viên ở các địa phương trong tỉnh. Ngoài ra, còn tổ chức các cuộc giao lưu liên xã, liên huyện, với các tỉnh bạn vào các dịp lễ hội xuân, ngày hội đại đoàn kết của các dân tộc...

Nhằm bảo tồn và phát huy các vốn di sản văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng... những năm gần đây, Hội bảo tồn dân ca của tỉnh cũng đề xuất nhiều giải pháp và phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các cuộc: Liên hoan Hát then đàn tính, hát sli, lượn, và tổ chức sưu tầm các làn điệu dân ca khác. Hội bảo tồn dân ca tỉnh cũng đã phối hợp Tỉnh đoàn cùng Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức một số chương trình truyền dạy đàn và hát dân ca trong Trường cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn, Trường THPT các huyện Văn Quan, Cao Lộc... Với những kết quả đạt được, Hội bảo tồn dân ca của tỉnh đã được UBND tỉnh và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tặng nhiều Bằng khen; nhiều nghệ nhân được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú về hát dân ca như: Hà Mai Ven, Nông Thị Lìm, Mông Thị Sấm.../.

Theo Nhandan.com.vn