VNHN - Đá (thạch) là tổ hợp có quy luật của các loại khoáng vật, có thể là một thể địa chất có lịch sử hình thành riêng biệt. Cách phân loại tổng quát nhất dựa trên nguồn gốc tạo thành gồm đá mác ma, đá trầm tích và đá biến chất. Thiên thạch được xem là một nhóm đá riêng có nguồn gốc từ vũ trụ.
Đá gắn liền với lịch sử phát triển của loài người. Từ xa xưa con người đã biết dùng đá để làm công cụ sản xuất, vũ khí tự vệ, săn bắn,… tạo nên thời đặc trưng - Thời kỳ đồ đá. Cùng với quá trình phát triển của con người, tùy theo đặc tính đá được sử dụng vào những mục đích khác nhau. Đá được dùng trong xây dựng những công trình, nhiều công trình bằng đá được xây dựng từ xa xưa còn tồn tại tới ngày nay, nổi tiếng như Kim tự tháp, Angkor Wat, thành Babylon... Ngoài xây dựng, con người còn dùng đá tạc nên những tác phẩm điêu khắc vì vẻ đẹp màu đá, độ bền với thời gian, chịu được thử thách của thời tiết.
<
Những công trình thế kỷ được xây dựng bằng đá
Trên thế giới hàng ngàn năm trước, con người đã dùng đá tạo nên những tuyệt tác nghệ thuật điêu khắc đá, như: tượng thần Zớt, tượng thần Vệ nữ, tượng Phật, tượng Chúa… Ở Việt Nam, cách đây hơn ngàn năm đã có Pho tượng Phật A Di Đà bằng đá ở chùa Phật Tích, nay là quốc bảo Quốc gia, hơn bảy trăm năm trước tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông vị vua Đời - vua Đạo của Việt Nam được tạc bằng đá rất đẹp hiện còn được tôn thờ ở tháp tổ núi Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh.
Khoa học và xã hội phát triển, công dụng của đá ngày càng được khám phá và sử dụng rộng rãi để phục vụ nâng cao chất lượng cuộc sống: Đá sở dĩ quý vì đá được hình thành trong tự nhiên, tồn tại qua thời gian hàng triệu năm. Theo quan niệm tâm linh, đá hấp thụ năng lượng của vũ trụ nên có tính thiêng của đất trời kết tinh trong đá. Về kết cấu đá có độ bền vững cao, ổn định lâu dài với thời gian trong các điều kiện khác nhau, đá có độ cứng nhưng có thể chế tác thành nhiều loại sản phẩm phục vụ nhu cầu con người từ xây dựng tới trang trí, mỹ nghệ.
Đá dùng để trang sức vì màu sắc, tạo hình khối đẹp, đá để trấn yểm tâm linh, xua đuổi tà khí, bảo vệ sức khỏe, làm trang sức tôn vẻ đẹp, đá dùng chữa bệnh, đá dùng để hộ mệnh... Đá có nhiều loại và công dụng của đá nhiều vô tận, tùy nhu cầu sử dụng, đá được phân loại thành đá quý, đá bán quý... Tiêu chí phân loại đá có khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu và tính phổ biến của đá, nhiều người cho rằng “đá hiếm là quý”, người khác cho là “đá có giá trị cao là quý”... Tuy quan niệm không giống nhau, nhưng nhìn chung đá quý phải đảm bảo một số tiêu chí: Chất của đá, độ tinh khiết, độ cứng, độ bền, màu sắc, hình khối. Đá quý có rất nhiều loại, đa số xem đá quý nhất là kim cương, ru bi…
Từ giá trị của đá, đá được tôn vinh, đá gắn liền với cuộc sống con người, qua đá thể hiện sự tâm giao của người với đá như cổ nhân từng nói: “Thạch bất năng ngôn tính khả nhân”. (Dịch): Đá không biết nói nhưng đá cũng như con người.
Với người yêu đá, đá có hồn, đá có tâm, đá là thước đo giá trị của người sử dụng nó, xưa chơi đá là nét riêng của người giàu có, hiểu biết. Nay ai cũng có thể có đá tuy nhiên chơi được với đá vẫn là thú riêng của một số người. Bởi thế khi nói tới sự lịch lãm của thú chơi, người sành sõi vẫn tỏ sự kính trọng người biết đá, đá với người như là duyên: “Quý vật tầm quý nhân”/“Giàu chơi vàng, sang chơi đá”
Đối với người biết dùng đá, đá giúp biến đổi cuộc sống của người sử dụng từ xấu thành tốt, từ yếu thành mạnh, vì thế mà người xưa đã đúc kết: “Gia trung hữu thạch, tôn tử phú vinh,/Nữ nhi lưu thạch, xú tuyệt, dung linh./Nam nhân dụng thạch, trí đức hữu tình,/Quốc gia trọng thạch, nhân tài phồn sinh”.
(Dịch) “Trong nhà có đá, con cháu hiển vinh,/Nữ biết giữ đá, xấu hóa thành xinh./Trai trân quý đá, tài đức vẹn tình./Quốc gia trọng đá, nhân tài phát sinh.”
Đá có công dụng rất lớn đối với cuộc sống con người, nhưng trong việc sử dụng đá không phải ai cũng hiểu biết về công dụng của đá và không phải đá nào cũng có công dụng giống nhau. Đặc biệt trong tâm linh, trong phong thủy, trong chữa bệnh,… ảnh hưởng của từng loại đá đối với mỗi người có sự khác biệt, bởi có những loại đá không làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người, nhưng có những loại đá chứa chất phóng xạ, khoáng chất không tốt với sức khỏe của con người,… Phân biệt được điều này cần phải có những người có kinh nghiệm về đá, những người am hiểu sâu về chất đá, công dụng của đá.
Gần đây Hội Đá cảnh - Đá phong thủy Việt Nam đã ra đời, Hội tự nguyện của những người chơi đá, hiểu đá, yêu đá… Chỉ sau hơn hai năm thành lập, tự chủ về kinh phí hoạt động, nhưng tới tháng 10/2016, Hội đã có 424 Hội viên ở nhiều tỉnh, thành phố tham gia. Ban chấp hành của Hội gồm 67 vị, Chủ tịch Hội là ông Nguyễn Văn Mỹ và mười hai vị Phó chủ tịch Hội phụ trách hoạt động của các tỉnh, thành trọng điểm và các lĩnh vực chuyên môn như: Tổng thư ký; Văn phòng Hội; Ban Kiểm tra; Ban Tài chính; Ban truyền thông; Ban Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; Ban văn hóa xã hội; Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phong thủy Việt Nam; Viện nghiên cứu đá quý và vàng VINAGEMS.
Hoạt động của Hội nhằm chia sẽ kinh nghiệm, giúp nhau dùng đá cho hiệu quả thông qua trao đổi hướng dẫn kiến thức, kinh nghiệm sử dụng đá vào các mục đích. Hội thực hiện việc giáo dục tiết kiệm, tôn trọng đá trong thiên nhiên thông qua phản biện để điều tiết khai thác hợp lý, ngăn chặn, hạn chế phá hoại cảnh quan đá thiên nhiên vì lợi ích cá nhân, giáo dục bảo tồn và phát huy giá trị của cảnh quan thiên nhiên đá Việt Nam bởi đá có ở nhiều nơi, nhưng là nguồn tài nguyên có hạn. Hội còn thực hiện truyền thông, quảng bá sự phong phú về chất liệu, đa dạng về tính năng của đá Việt Nam, nâng cao giá trị sử dụng, giá trị của đá để góp phần phát triển chung kinh tế - xã hội và sự phát triển của từng Hội viên. Với thời gian hơn hai năm sau khi thành lập, Hội đã hai lần tổ chức triển lãm Đá cảnh - Đá Phong thủy kết hợp với triển lãm Sinh vật cảnh Việt Nam. Nhiều sản phẩm đá được Hội đưa vào các Chùa, các Đền để làm đẹp, đồng thời tăng giá trị tâm linh. Nhiều hội viên của Hội đã công đức tạc tượng Phật, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, tượng các vị tổ sư, tượng những người có công với nước với dân được chế tác bằng đá quý, đá bán quý của Việt Nam dâng vào các cơ sở tâm linh với tâm nguyện làm tăng thêm “Linh khí Việt”. Nhiều cơ sở chế tác đá, các cửa hàng đá đã cử người theo học các khóa kiến thức về đá để giúp người tiêu dùng biết công dụng cách dùng đá. Công tác tuyên truyền của Hội luôn hướng tới việc định hướng cho người dùng đá có ý thức tôn trọng đá, bảo vệ đá, bảo vệ thiên nhiên tài sản chung, lâu dài của xã hội. Hoạt động của Hội không chỉ trong nước mà còn mở rộng quan hệ trao đổi học thuật, giao lưu quốc tế. Chương trình sắp tới của Hội dự kiến nhiều hoạt động, gần nhất có hai hoạt động lớn là: Triển lãm Đá cảnh - Đá phong thủy Việt Nam lần thứ III tại Bắc Ninh vào dịp xuân 2017; Hội chợ Triển lãm quốc tế về Đá và Kim hoàn ở Hà Nội trong năm 2017.
Đá nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, mang lại nhiều giá trị đối với con người. Song để sử dụng hiệu quả từng loại đá, rất cần những người hiểu biết, tâm huyết hướng dẫn, trao đổi để người quản lý (là nhà nước, là các cơ quan có thẩm quyền), người khai thác và người dùng đá có ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá này đồng thời biết tiết kiệm trong dùng sản phẩm đá phù hợp. Hội Đá cảnh - Đá phong thủy Việt Nam, Hội của những người tự nguyện luôn rộng mở để chào đón những người yêu đá, hiểu đá cùng nhau giúp cho đá phát huy giá trị tốt phục vụ cuộc sống con người.
TS. BÙI HỮU DƯỢC
Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ